Ngày 16/2, tờ Korea JoongAng Daily có bài viết về vấn đề tin đồn không được kiểm chứng đang tràn lan trên YouTube và gây hậu quả nghiêm trọng tới nhiều người, bao gồm ngôi sao Kpop. Theo Korea JoongAng Daily, các tin tức vô căn cứ đang được YouTuber săn đón và những người chuyên thực hiện video với nội dung như vậy được gọi là "kẻ phá hoại mạng" ở Hàn Quốc.
Thuật ngữ này đề cập đến những người dùng YouTube chuyên thu thập thông tin đang được bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội sau đó thêm ý kiến của họ để thu hút người xem và đăng ký. Những người dùng YouTube thậm chí tải lên hình ảnh hoặc từ ngữ khiêu khích nhằm gây tranh cãi.
Những kẻ phá hoại
Korea JoongAng Daily chỉ ra phần lớn nguồn tin của các YouTuber kể trên không đáng tin cậy. Họ thực hiện các video chủ yếu dựa vào những mẩu tin ngắn hoặc bài đăng ẩn danh trên các cộng đồng trực tuyến. Họ chỉ phát tán tin đồn tiêu cực, kích động tranh cãi và tạo ra phản ứng dữ dội. Tất cả nhằm mục đích tăng lượt xem, thu hút người đăng ký và cuối cùng là thu lợi nhuận.
Trước đây, đối tượng của những nội dung như vậy là các chính trị gia và người nổi tiếng. Dữ liệu, tin đồn và tranh cãi xung quanh họ là vô tận.
Các thành viên BTS và những ngôi sao Kpop thường là nạn nhân của kẻ phá hoại mạng. Ảnh: HYBE. |
Năm 2021, một loạt thần tượng Kpop và diễn viên Hàn Quốc bị buộc tội bắt nạt bạn cùng lớp trong thời đi học. Khi đó, những kẻ phá hoại mạng lập tức sản xuất video dựa trên vấn đề này. Họ thậm chí cắt ghép cảnh các ngôi sao xuất hiện trong những chương trình tạp kỹ để so sánh.
V - thành viên nhóm BTS - bày tỏ sự bức xúc khi gần đây một kênh YouTube đưa tin nam ca sĩ hẹn hò với con gái của một gia đình giàu có. Người này thậm chí cho biết V say rượu trong một buổi phát trực tuyến.
Tài khoản đăng những lời cáo buộc trên bị cộng đồng fan của BTS chỉ trích dữ dội nhưng lượt xem video không ngừng tăng. Từ đó, các YouTuber bắt đầu đăng tải nhiều video liên quan đến các thành viên khác của BTS và những tin đồn về việc họ có quan hệ tình cảm với ai.
Korea JoongAng Daily trích dẫn số liệu của NoxInfluencer - một trang web thống kê và phân tích dành cho người dùng YouTube. Theo đó, kênh đưa tin về V kiếm lợi nhuận ổn định hàng tháng từ 27,7 triệu won (23.100 USD) đến 48,3 triệu won.
YouTuber cũng đăng video chỉ ra những sản phẩm giả mà Song Ji Ah - còn được gọi là FreeZia - mặc trong các bài đăng cũng như chương trình hẹn hò Single's Inferno. Số lượng người đăng ký kênh này là khoảng 5.000 người vào tháng 11/2021 và tăng thêm hơn 40.000 người trong vòng 4 tháng.
Một số kẻ phá hoại mạng thậm chí quảng bá kênh của họ bằng cách tuyên bố họ đã bị người nổi tiếng kiện.
Song Ji Ah sụp đổ sự nghiệp sau khi bị một kênh Youtube "bóc phốt" dùng hàng giả. Ảnh: Instagram. |
Trách nhiệm của YouTube
Korea JoongAng Daily nhận định việc các YouTuber đưa tin không kiểm chứng có vẻ vô hại nhưng thực chất càng khiến vụ việc trở nên nghiêm trọng, thậm chí kéo theo nhiều bình luận ác ý, căm thù.
Đầu tháng 2, hai người nổi tiếng tại Hàn Quốc tự tử vì không thể chịu đựng sự bắt nạt trên mạng. Trước khi qua đời, họ thường xuyên là mục tiêu của những kẻ phá hoại mạng và bình luận căm ghét.
Vận động viên 26 tuổi của đội Daejeon Samsung Bluefangs Kim In Hyeok được phát hiện đã chết tại nơi ở của anh vào ngày 4/2. Anh thường xuyên bị chế nhạo vì ngoại hình và giới tính. Tháng 8/2021, Kim In Hyeok viết trên trang cá nhân: "Tôi không thể chịu đựng được những bình luận ác ý nữa. Tôi đã chịu đựng chúng trong một thập kỷ".
Chỉ hai ngày sau, Jo Jang Mi hay BJ Jammi (27 tuổi) được người thân xác nhận qua đời sau thời gian dài mắc chứng trầm cảm. Cô là BJ nổi tiếng tại Hàn Quốc nhưng bị cộng đồng mạng và nhiều tài khoản YouTube công kích vì sự cố năm 2019.
Trong một chương trình phát sóng năm 2019, Jo Jang Mi thực hiện cử chỉ bằng tay mà nhiều người Hàn Quốc cho rằng đó là hành động ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền và ghét đàn ông. Jo Jang Mi hai lần lên tiếng xin lỗi nhưng vẫn liên tục vấp phải những bình luận tiêu cực.
Nhiều tài khoản YouTube sau đó lấy câu chuyện này để câu view, thậm chí gán cho Jo Jang Mi biệt danh "megal". Megal bắt nguồn từ Megalia - một trong những cộng đồng nữ quyền cực đoan lớn nhất Hàn Quốc đóng cửa vào năm 2017.
Một bản kiến nghị của Nhà Xanh đã được đệ trình vào ngày 7/2 nhằm “trừng phạt mạnh mẽ những kẻ gây tội ác trên YouTube” và những kẻ đã săn lùng Jo Jang Mi đến cuối đời. Bản kiến nghị đã được hơn 216.000 người ký tính tới ngày 16/2.
Sau khi Jo Jang Mi qua đời, một tài khoản YouTube có tên PPKKa lên tiếng xin lỗi và thừa nhận một phần trách nhiệm trong cái chết của nữ BJ. PPKKa cùng nhiều kênh YouTube khác từng công kích Jo Jang Mi.
Giáo sư tâm lý học Lim Myung Ho từ Đại học Dankook nói với Korea JoongAng Daily: “Những kẻ phá hoại mạng không nghĩ hành động của họ là tội ác. Họ không nghĩ hành động của mình là một hình thức bạo lực cũng như không nhận thức được mức độ đau đớn mà họ gây ra cho các nạn nhân", giáo sư nói.
“Đối với những bình luận ác ý và ngôn từ kích động thù địch, đó là tâm lý bầy đàn. Không chỉ một mà một nhóm thủ phạm được hình thành. Họ liên kết với nhau để chứng minh họ 'đúng'. Họ tấn công người khác và tin rằng đó là cách họ nhận được sự chú ý. Họ tìm kiếm sự nổi tiếng và cảm thấy vượt trội. Họ tin họ có lý do hoặc nguyên nhân chính đáng để tấn công người khác”, giáo sư tiếp tục.
Jo Jang Mi qua đời sau thời gian dài trầm cảm. Ảnh: Xports News. |
Giáo sư Hong Sung Cheol từ khoa Truyền thông và Nghệ thuật Thị giác tại Đại học Kyonggi cho rằng lý do cộng đồng mạng tiêu thụ hàng loạt nội dung từ những kẻ phá hoại mạng là do chúng cung cấp thông tin mà các phương tiện truyền thống không có.
“Hiện tượng này có liên quan đến sự mãn nhãn. Mọi người muốn biết những câu chuyện về người khác nhưng không phải thông tin được cung cấp bởi các phương tiện truyền thống. Tuy nhiên, thông tin mà những kẻ phá hoại này chia sẻ không hề mới. Chúng chủ yếu là ảnh ghép của các bài báo”, giáo sư Hong Sung Cheol phân tích.
Sau cái chết của Kim In Hyeok và Jo Jang Mi, công chúng Hàn Quốc kêu gọi trừng phạt những tài khoản YouTube chuyên tung tin không xác thực. Theo Korea JoongAng Daily, các nền tảng truyền thông xã hội như YouTube cần có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc đánh giá và kiểm duyệt nội dung mà người dùng tải lên.
Cần hình phạt thích đáng cho những kẻ phá hoại
Cho đến nay, hình thức trừng phạt hình sự mạnh nhất mà kẻ phá hoại mạng có thể phải đối mặt là tội phỉ báng theo Đạo luật khuyến khích sử dụng mạng thông tin, truyền thông và bảo vệ thông tin. Người bị kết án có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc mức phạt tối đa là 50 triệu won.
Theo luật sư Lee Seung Ki của Văn phòng Luật sư Lee and Law Partners, hệ thống pháp luật hiện tại khó trừng phạt hình sự những kẻ phá hoại mạng vì phải có “dấu hiệu ác ý rõ ràng” về thông tin. Đặc biệt nếu nạn nhân là người của công chúng thì càng khó chứng minh thông tin sai lệch đã được lan truyền một cách ác ý.
Một kẻ phá hoại mạng đang hoạt động trên kênh YouTube có tên PPKKa được cho là có một phần trách nhiệm trong cái chết của Jo Jang Mi. Tuy nhiên, ít có khả năng người này bị buộc tội hình sự. Tài khoản PPKKA từng đăng video buộc tội Jo Jang Mi, nhưng luật sư Lee Seung Ki chỉ ra vụ việc của BJ quá cố mang tính công cộng.
“Không chỉ PPKKa mà nhiều người dùng YouTube khác cũng tải lên các video liên quan đến nạn nhân. Hơn nữa, vì mọi người đăng bình luận tục tĩu trên nhiều cộng đồng trực tuyến dưới chế độ ẩn danh, nên rất khó để chỉ đặt trách nhiệm cho một người dùng YouTuber", luật sư phân tích.
Giáo sư Shim Young Seob thuộc khoa quảng bá video truyền thông tại Đại học Kyung Hee Cyber, cựu thành viên của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc, chỉ ra hệ thống lập pháp hiện tại phải được thay đổi để yêu cầu trách nhiệm xã hội đối với các nhà cung cấp dịch vụ. Đây là hành động cần thiết để ngăn chặn những vụ việc đau lòng xảy ra.
Vận động viên Kim In Hyeok qua đời ở tuổi 27. Ảnh: Mydaily. |
“Các tổ chức hành chính địa phương thường chỉ hành động sau khi thiệt hại xảy ra. Vấn đề quan trọng ở đây là có thể nhanh chóng hành động trước khi có sự cố. Để có thể làm được điều đó, cần có một bộ luật và lý do chính đáng để áp đặt việc thực thi đối với các nhà cung cấp”, giáo sư Shim Young Seob nhận định.
Giáo sư nhấn mạnh vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ trong việc kiểm soát thông tin. “Ngay cả khi trụ sở chính của một nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, họ cũng phải chịu trách nhiệm tại địa phương nơi họ tạo ra lợi nhuận. Nhưng chúng ta không có luật hiện hành cho việc đó”, ông nói.
“Cần có một bộ luật để các nhà cung cấp có thể chịu trách nhiệm xã hội về nội dung của họ, chẳng hạn loại ưu đãi họ có thể nhận khi tuân thủ luật và những hình phạt nào họ phải đối mặt nếu không tuân theo. Nếu không thiết lập điều đó, không có lý do chính đáng để đặt lỗi trên nền tảng sau khi sự cố phát sinh”, giáo sư đánh giá.