Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những kế sách lật đổ thủ tướng trên chính trường Australia

Với nhiều lần thay đổi thủ tướng, Canberra đang chịu biệt danh tai tiếng là "thủ đô đảo chính" trên thế giới.

Cuối năm 1991, Hawke bị một bộ trưởng trong chính phủ của ông giành ghế thủ tướng. Ảnh: BBC
Cuối năm 1991, Bob Hawke (phải) bị một bộ trưởng trong chính phủ của ông giành ghế thủ tướng. Ảnh: BBC

Bob Hawke lật đổ và bị lật đổ

Năm 1983, ông Bob Hawke đề xuất một cuộc bỏ phiếu thách thức vị trí chủ tịch Công đảng của ông Bill Hayden và giành chiến thắng. Sau khi Hawke trở thành thủ lĩnh phe đối lập, thủ tướng lúc bấy giờ, ông Malcom Fraser, đề xuất một cuộc bầu cử nhanh với hy vọng tận dụng những đấu đá trong nội bộ Công đảng. Tuy nhiên, kết quả là Hawke giành chiến thắng với tỷ lệ áp đảo, trở thành thủ tướng Australia từ năm 1983.

Đến năm 1991, ông Hawke lại bị lật đổ bởi kế sách tương tự. Khi đó, Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của Hawke là Paul Keating tỏ ra bất mãn vì thủ tướng đã nắm quyền lực quá lâu. 

Do vậy, vào tháng 6/1991, ông Keating đề nghị bỏ phiếu thách thức vị trí chủ tịch đảng của Hawke. Cuộc bỏ phiếu lần đầu kết thúc với thất bại thuộc về Keating. Tuy nhiên, ông thành công trong lần 2 diễn ra vào tháng 12/1991, trở thành chủ tịch đảng cầm quyền rồi giành ghế thủ tướng.

Năm 2010: Australia có nữ thủ tướng đầu tiên

Năm 2007, ông Kevin Rudd đắc cử thủ tướng Australia với tỷ lệ phiếu bầu đáng kể như của ông Hawke. Tuy nhiên, ông không thể ở vị trí này hết trọn một nhiệm kỳ. Đáng chú ý, người lật đổ Rudd chính là phó tướng rất trung thành của ông, bà Julia Gillard.

Bà Julia Gillard từ phó thủ tướng rồi trở thành thủ tướng Australia năm 2010. Ảnh: BBC
Bà Julia Gillard từ phó thủ tướng rồi trở thành thủ tướng Australia năm 2010. Ảnh: BBC

Giữa 2010, phó thủ tướng Gillard đã tận dụng những chính sách kinh tế sai lầm của đương kim thủ tướng để đề xuất bỏ phiếu thách thức vị trí chủ tịch đảng cầm quyền.

Vào giờ chót, Thủ tướng Rudd tuyên bố từ chức và không tham gia cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng. Giới quan sát cho rằng ông đã biết chắc chắn sẽ thất bại. Ngay sau đó, đảng cầm quyền đã đưa Gillard trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Australia.

Thủ tướng Rudd "phục thù" năm 2013

Tuy mất ghế thủ tướng nhưng ông Rudd chấp nhận giữ chức Ngoại trưởng trong chính phủ của bà Gillard. Đến cuối tháng 2/2012, ông Rudd tuyên bố từ chức ở nội các, làm phát sinh đồn đoán rằng ông đang lên kế hoạch lật đổ bà Gillard. Bản thân bà Gillard đã 3 lần trải qua các cuộc bỏ phiếu thách đố vị trí lãnh đạo Công đảng.

Các tin đồn trở thành sự thật, Thủ tướng Gillard bị đối thủ Rudd lật khỏi chức lãnh đạo Công đảng sau cuộc bỏ phiếu vào tháng 6/2013. 

Thời điểm bỏ phiếu diễn ra trước khi Australia tổ chức tổng tuyển cử vào 3 tháng sau đó. Theo thăm dò, Công đảng nhiều khả năng thua cuộc. Do vậy, các cử tri cần một gương mặt mới để thay thế bà Gillard nhằm mang lại kết quả bầu cử tốt hơn.

Ngày 27/6/2013, ông Rudd tuyên bố nhậm chức và trở lại vị trí thủ tướng.

Tuy nhiên, sau khi kết quả bầu cử công bố ngày 7/9/2013, Rudd đã thua cuộc trước ứng viên của liên minh Tự do - Dân tộc, ông Tony Abbott. Sau thất bại này, ông Rudd thông báo từ chức và nghỉ hưu.

Thủ tướng Tony Abbott bị lật đổ khi chưa hết nhiệm kỳ

Giữa năm 2015, thủ tướng Abbott bị một bộ trưởng trong chính phủ giành lấy ghế quyền lực. Ảnh: BBC
Giữa năm 2015, thủ tướng Abbott bị một bộ trưởng trong chính phủ giành lấy ghế quyền lực. Ảnh: BBC

Ngày 14/9, đảng Tự do cầm quyền ở Australia tổ chức bỏ phiếu kín về chức chủ tịch đảng. Ông Malcolm Turnbull là người đề xướng bỏ phiếu nhằm thách thức đương kim chủ tịch cũng là Thủ tướng Australia Tony Abbott. Kết quả, Malcolm Turnbull đã giành 54 phiếu bầu trong khi đối thủ của ông, đương kim Thủ tướng Tony Abbott, chỉ có 44 phiếu, ABC Australia đưa tin.

Malcolm Turnbull từng là Bộ trưởng Truyền thông dưới thời Thủ tướng Abbott. Để tiến hành kế hoạch lật đổ, ông Turnbull tuyên bố từ chức và thách thức vị trí quyền lực ông Abbott đang nắm giữ. 

Thời gian gần đây, đảng Tự do và chính quyền Thủ tướng Abbott thường xuyên tỏ ra yếu thế trước đối thủ chính trị lớn nhất là Công đảng. Ngoài ra, ông Tony Abbott còn bị cáo buộc không thực hiện nhiều lời hứa như tạo điều kiện cho phụ nữ vào chính quyền, ủng hộ hôn nhân đồng tính hay không cắt giảm biên chế đài truyền hình quốc gia. Ông còn cứng nhắc trong vấn đề người di cư và chưa quan tâm đúng mức tới biến đổi khí hậu.

Vì sao Tony Abbott bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu chóng vánh?

Sau những lời chỉ trích, Malcolm Turnbull đánh bại Tony Abbott trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng Tự do cầm quyền hôm 14/9, khiến ông phải rời cương vị thủ tướng Australia.

Tân Thủ tướng Turnbull: Australia cần linh hoạt và đổi mới

Với thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử của Đảng Tự do ngày 14/9, ông Malcolm Turnbull sẽ thay ông Tony Abbott làm Thủ tướng Australia.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm