Những hợp đồng mua sắm đạn dược của Việt Nam
Trong thời gian qua, Việt Nam đã đầu tư mua sắm khá nhiều loại đạn dược tối tân trang bị cho các khí tài hiện đại, tờ Defense Industry Daily cho hay.
Các loại vũ khí hiện đại cần có các loại đạn dược hiện đại đi kèm mới có thể đảm bảo được năng lực chiến đấu trong thời buổi tác chiến công nghệ cao. Các loại đạn dược hiện đại là công cụ để tạo thế trận răn đe hiệu quả. Cho dù chúng ta có tàu chiến, máy bay hiện đại nhưng không có các loại đạn hiện đại đi kèm thì những vũ khí trên đều trở nên vô nghĩa.
Đạn tên lửa 5V55R/RM, 5V55U của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 rời bệ phóng tiêu diệt mục tiêu. Ảnh minh họa |
Quá trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam bắt đầu được thực hiện vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000.
Mở đầu cho quá trình mua sắm các loại đạn dược hiện đại là hợp đồng mua 400 tên lửa phòng không vác vai. Igla-1M/SA-16 Gimlet, số tên lửa này được chuyển giao trong giai đoạn từ năm 1999-2012.
Hiện tại khoảng 365 quả đã được chuyển giao, ngoài ra biến thể dùng cho tàu chiến là SA-N-10 cũng đã được chuyển giao nhưng không rõ số lượng. Tên lửa SA-N-10 sẽ được trang bị cho tàu tên lửa BPS-500.
Năm 1999, Việt Nam mua tên lửa chống hạm P-15M trang bị cho tàu tên lửa cao tốc Tarantul. Tên lửa chống hạm P-15M có tầm bắn nâng lên 80 km so với 40 km của P-15. Hiện tại, P-15M là tên lửa chống hạm chủ lực của các tàu tên lửa cao tốc Tarantul trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam.
Đến năm 2003, Việt Nam tiếp tục đặt mua 75 đạn tên lửa 5V55R/RM, 5V55U tầm bắn 90 và 150 km sử dụng cho tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1. Đây được xem là những đạn tên lửa phòng không hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay.
Cận cảnh cụm phóng tên lửa chống hạm Kh-35 Uran E trên tàu hộ tống tên lửa lớp Gepard-3.9 của Hải quân Việt Nam. |
Năm 2004, Việt Nam đặt hàng 400 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran E. Tên lửa bắt đầu được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2008-2012. Hiện tại 108 quả đã được chuyển giao, số còn lại được sản xuất tại Việt Nam theo giấy phép từ Nga. Tên lửa chống hạm Kh-35 được dùng cho tàu hộ tống tên lửa Gepard-3.9, tàu tên lửa cao tốc Molniya, BPS-500.
Năm 2007, Việt Nam đã đặt hàng 40 tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont SS-N-26 tầm bắn 300 km dùng cho tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.
Hổ mang chúa Su-30MK2 của Việt Nam phóng tên lửa chống bức xạ Kh-31P trong một cuộc diễn tập. |
Quá trình mua sắm đạn dược hiện đại của Việt Nam bắt đầu trở nên rầm rộ từ năm 2009 sau khi Đảng, Nhà nước cam kết đưa không quân và hải quân tiến thẳng lên hiện đại hóa. Trong năm 2009, Việt Nam đặt hàng 40 tên lửa chống hạm 3M54 Klub/SS-N-27 tầm bắn 220 km dùng cho tàu ngầm Kilo.
Trong năm 2009, Việt Nam đặt tiếp 200 quả bom thông minh KAB-500/1500, số bom này đã được chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2011-2012.
Cùng năm, tiếp tục đặt hàng 80 quả tên lửa chống hạm phóng từ trên không Kh-31A/AS-17. Tên lửa Kh-31A được trang bị cho tiêm kích Su-30MK2 cùng với biến thể tên lửa chống radar Kh-31P. Kh-31A là tên lửa chống hạm phóng từ trên không có tốc độ nhanh nhất thế giới hiện nay, gấp 4,5 lần tốc độ âm thanh.
Đạn tên lửa không đối không tầm trung đến xa R-27ER đang được giới thiệu cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm của Thủ tướng đến Trung đoàn không quân 923. |
Cùng năm này, Việt Nam đã đặt hàng 250 tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn bằng hồng ngoại R-73/AA-11 Archer, số tên lửa này được trang bị cho tiêm kích Su-30MK2. R-73 được đánh giá là tên lửa không đối không tầm ngắn đáng sợ nhất thế giới hiện nay.
Trong năm 2011, Việt Nam đã đặt hàng 200 tên lửa phòng không 9M311/SA-19 Grison dùng cho tổ hợp pháo tích hợp tên lửa phòng không Palma trang bị trên tàu hộ tống Gepard-3.9.
Cũng trong giai đoạn này Việt Nam đã mua tên lửa không đối không tầm trung đến xa R-27ER tầm bắn 130 km, tên lửa hành trình tấn công mặt đất đa năng Kh-29T/TE tuy nhiên không rõ số lượng. Với các hợp đồng mua sắm đạn dược “khủng” nói trên sẽ cho phép Việt Nam xây dựng một lực lượng quốc phòng hùng mạnh, đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới.
quốc việt
Theo Infonet