Khám phá 'nọc độc' của Hổ mang chúa Việt Nam
Được giới truyền thông ví von là “Hổ mang chúa”, Su-30MK2 là loại tiêm kích hiện đại nhất trong biên chế Không quân Việt Nam bởi được trang bị những "nọc độc" để vô hiệu hóa kẻ thù.
R-27 AA-10 Alamo
Đây là loại “nọc độc” không đối không uy lực nhất của Hổ mang chúa. R-27 là loại tên lửa không đối không tầm trung đến tầm xa được thiết kế, chế tạo và đưa vào sử dụng trong Không quân Liên Xô năm 1985, NATO định danh là AA-10 Alamo.
Các biến thể trong gia đình R-27, nhưng tên lửa có phần mũi hình tròn được trang bị đầu dò hồng ngoại, còn phần mũi nhọn được trang bị radar. Tên lửa có đường kính 230 mm, chiều dài 3,8-6,2 mét tùy biến thể, trọng lượng 253-343 kg tùy biến thể, đầu đạn nặng 39 kg, tốc độ gấp 4 lần vận tốc âm thanh (4500km/h) |
R-27 là đối thủ trực tiếp của tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow của khối NATO, R-27 được thiết kế theo dạng modun tạo nền tảng phát triển gia đình tên lửa với nhiều biến thể khác nhau. Biến thể sản xuất đầu tiên là R-27R sử dụng đầu dò radar bán chủ động 9B-1101K với khả năng khóa mục tiêu từ khoảng cách 25,6 km, tầm bắn 70 km, NATO định danh biến thể này là AA-10 Alamo A.
Biến thể R-27T, NATO chỉ định là AA-10 Alamo B, biến thể này lại có 2 biến thể nhỏ, R-27T sử dụng đầu dò radar thụ động Avtomatika 9B-1032, băng tần X, radar này giúp tên lửa hoạt động như một tên lửa chống bức xạ. Đầu dò này có khả năng phát hiện ra sóng radar phát ra từ máy bay đối phương ở cự ly tới 234 km. Biến thể này có tầm bắn tối đa 70 km trong điều kiện tối ưu.
Cận cảnh 2 quả tên lửa R-27 với R-27T1 sử dụng đầu dò hồng ngoại phía trong và R-27ER sử dụng radar bán chủ động ở ngoài. |
Biến thể R-27T1 sử dụng đầu dò hồng ngoại 36T với khả năng khóa mục tiêu từ cự ly 14,5km, tầm bắn 62,5km, biến thể này không có liên kết dữ liệu làm cho tên lửa trở nên hiệu quả hơn trong chiến đấu phạm vi ngắn.
R-27ER, NATO chỉ định AA-10 Alamo C, biến thể này sử dụng đầu dò radar bán chủ động 9B-1101K nhưng đường kính radar lớn hơn một chút so với R-27R, phần động cơ lớn hơn một chút để đáp ứng yêu cầu tăng tầm bắn, biến thể này có tầm bắn lên đến 130km, tên lửa được đưa vào trang bị rộng rãi trong những năm 1990.
Biến thể R-27EA, NATO định danh là AA-10 Alamo D, biến thể này sử dụng đầu dò radar chủ động 9B-1103M có khả năng khóa mục tiêu ở cự ly 25 km, biến thể này có tầm bắn 130 km.
Biến thể R-27P, NATO định danh là AA-10 Alamo E biến thể này được trang bị đầu dò radar thụ động 9B-1032, nó hoạt động như một tên lửa không đối không chống bức xạ với tầm bắn 72 km.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra tên lửa R-27 đang được bảo quản, lưu ý chỗ Thủ tướng Dũng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đặt tay đường kính lớn hơn so với phía trước, đây chính là bằng chứng cho thấy R-27ER tầm bắn 130 km đang có mặt trong biên chế. |
Biến thể này còn có một biến thể nhỏ khác là R-27ET sử dụng đầu dò hồng ngoại Mk-80 với khả năng khóa mục tiêu ở cự ly 15 km, biến thể này có tầm bắn 120 km.
Biến thể mới nhất của gia đình R-27 là R-27EP1, NATO định danh là AA-10 Alamo F nó là một tên lửa không đối không chống bức xạ thụ động với tầm bắn lên đến 130 km. Sự có mặt của R-27EP1 trên cánh của Hổ mang chúa khiến đối phương phải băn khoăn khi mở sóng radar sục sạo mục tiêu.
Điểm chết người của biến thể này là ở chỗ, lần theo cánh sóng của radar đối phương phát ra và tiêu diệt chúng. Do hoạt động ở chế độ thụ động nên đối phương không hề hay biết mình đã lọt vào tầm ngắm của R-27EP1.
Theo như hình ảnh được công bố trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Trung đoàn không quân 923 thì hiện tại Không quân Việt Nam đang sử dụng biến thể R-27ER AA-10 Alamo C tầm bắn 130km.
Đây là biến thể hiện đại hàng đầu của gia đình R-27, việc Hổ mang chúa Việt Nam được trang bị loại “nọc độc” này thực sự là một tin vui, R-27ER cùng Hổ mang chúa sẽ tiêu diệt bất kỳ mục tiêu nào xâm phạm bầu trời Tổ quốc.
R-27ER không chỉ đánh bại đối thủ trực tiếp của nó là AIM-7 Sparrow mà còn vượt mặt so với biến thể AIM-120C-5 của Mỹ về tầm bắn 130km so với 105km của AIM-120C-5. So với các loại tên lửa không đối không tầm trung đến xa của Nga thì nó chỉ kém R-77M.
Theo Infonet