Người biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Kiev ngày 23/1. Họ dùng những vật dụng tự chế để chống lại vòi rồng của cảnh sát. Phe đối lập ở Ukraine phát động biểu tình sau khi Tổng thống Yanukovych hoãn ký kết thỏa thuận hợp tác với châu Âu. |
Những kẻ quá khích ném bom xăng vào lực lượng chống bạo động. Một chai xăng nổ giữa hàng ngũ cảnh sát biến nhiều người trở thành ngọn đuốc sống ngày 18/2. |
Người biểu tình dựng biểu tượng cây thánh giá nhằm tưởng nhớ những người thiệt mạng trong các cuộc bạo loạn ngày 11/2. Nhiều nguồn tin cho rằng, có những tay súng bắn tỉa bí ẩn, nã đạn vào cả cảnh sát và người biểu tình trong các cuộc đụng độ ở thủ đô Kiev. |
Thủ đô Ukraine chìm trong khói lửa hôm 20/2. Người ta đốt những chiếc lốp xe cao su ở mọi nơi. |
Người biểu tình bị thương được đưa khỏi khu vực đụng độ hôm 20/2. Vài ngày sau, chính quyền của Tổng thống Yanukovych bị lật đổ. Ông này phải bỏ chạy sang Nga trong những ngày cuối tháng 2. Phe đối lập tuyên bố giành chính quyền và lên kế hoạch tổ chức bầu cử. |
Những tay súng bịt mặt, tự xưng là lực lượng tự vệ Crimea, tập trung gần một doanh trại quân đội Ukraine ở Perevalnoe, ngoại ô thành phố Simferopol, bán đảo Crimea hôm 5/3. Đây là nơi Nga đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen. Trong quá khứ, bán bảo này từng thuộc về Nga nhưng nó được chuyển giao cho Ukraine nhiều thập niên trước dưới thời Liên bang Xô viết. |
Ngày 11/3, Quốc hội Crimea bỏ phiếu tán thành tuyên bố độc lập khỏi Ukraine. Ngày 16/3, cử tri Crimea tham gia trưng cầu dân ý thông qua việc sáp nhập vào Nga. Một quan chức Hải quân Ukraine (giữa) rời trụ sở trong sự giám sát của các binh sĩ vũ trang không rõ danh tính ở Sevastopol, Crimea hôm 19/3. Tư lệnh Hải quân Ukraine Sergiy Gayduk bị lực lượng này đưa khỏi Trụ sở Bộ tham mưu Hải quân ở Sevastopol. Cờ Ukraine được thay bằng quốc kỳ Nga. |
Các khu vực khác ở miền đông Ukraine cũng lần lươt tuyên bố tách khỏi Kiev vì không phục tùng chính phủ được dựng lên bởi bạo loạn lật đổ. Đây là khu vực với phần lớn dân số nói tiếng Nga và cũng nằm rất gần Nga. Kinh tế tại đây phát triển hơn các vùng còn lại của đất nước. Quân đội Ukraine triển khai binh lính tới khu vực này đàn áp các tay súng tự vệ địa phương. Máy bay chiến đấu lướt qua đầu binh sĩ Ukraine đang ngồi trên chiếc xe bọc thép ở Kramatorsk, miền đông đất nước hôm 16/4. |
Lính Ukraine chặn các tuyến đường ở Malinivka, đông nam Slaviansk, miền đông Ukraine hôm 27/4. |
Xe tải chở lực lượng vũ trang chống đối Kiev tới sân bay ở Donetsk hôm 26/5. |
Giao tranh dữ dội tại sân bay ở Donetsk. Quân đội Ukrane cử cả trực thăng chiến đấu tới chống lại các tay súng nổi dậy. |
Một cây cầu bị đánh sập ở Novobakhmutivka, miền bắc Donetsk hôm 7/7. Những khối bê tông khổng lồ chặn đứng con đường dẫn vào khu vực phe nổi dậy kiểm soát. |
Ngày 17/7, máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine, khu vực phe nổi dậy kiểm soát. Mỹ và phương Tây tuyên bố “có bằng chứng” cho thấy tên lửa phòng không từ khu vực phe nổi dậy kiểm soát bắn hạ MH17, trong khi phía Nga cáo buộc máy bay chiến đấu Ukraine xuất hiện ở khu vực chiếc Boeing 777 chở 298 người bị bắn hạ. |
Đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Nga tới miền đông Ukraine hôm 14/8. Phương Tây nghi ngờ Moscow viện trợ vũ khí cho các tay súng nổi dậy trong khi Điện Kremlin tuyên bố họ hành động vì mục đích nhân đạo. |
Người dân ở miền đông Ukraine sống dưới các hầm trú ẩn hôm 22/9. Quân đội Ukraine liên tục nã pháo và không kích các mục tiêu của phe nổi dậy. Trong khi đó, quốc tế bày tỏ quan ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra ở miền đông Ukraine. |
Thi thể những thường dân thiệt mạng trong trận pháo kích ở Donetsk. Một quả đạn pháo bắn trúng trạm dừng xe buýt giết chết nhiều người hôm 1/10. |