Ngày 11/2 (tức Rằm tháng Giêng Âm lịch), Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước” đã diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Như mọi năm, sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của văn nghệ sĩ và người yêu thơ. Vào lúc 9h sáng, đúng giờ khai mạc, sân Văn Miếu không còn một chỗ đứng. Tất cả ghế ngồi đều kín chỗ. Người tham dự thuộc mọi lứa tuổi, bậc cao niên chiếm số đông nhưng người trẻ, thiếu nhi cũng không ít.
“Tôi đã tham gia Ngày thơ Việt Nam 10 năm nay. Năm nào tôi thấy cũng đông nhưng chưa lần nào đông như lần này. Không gian được trang trí rất đẹp, từ trong ra ngoài”, một nữ khán giả 60 tuổi hào hứng bình luận.
Người người rôm rả nói chuyện. Họ coi Ngày thơ Việt Nam như một dịp gặp gỡ đầu năm, hỏi han sức khỏe và chúc tụng những điều tốt đẹp cho năm mới. Số đông đều mang theo smartphone để chụp những kiểu ảnh lưu niệm.
Không ít văn nghệ sĩ ngắm nghía, quan sát và cẩn thận đọc từng câu thơ, dòng chữ trên Con đường thi nhân hay poster của sân khấu chính. Và những "hạt sạn" của Ngày thơ Việt Nam nhanh chóng bị phát hiện.
Tấm pano thơ Hàn Mặc Tử nhưng ảnh chân dung Yến Lan. Ảnh: FB nhà báo Kiều Mai Sơn.
|
Con đường thi nhân đầy nhầm lẫn
Con đường thi nhân được xem là điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết: “Con đường thi nhân xuất phát từ ý tưởng nhìn lại 60 năm của Hội Nhà văn Việt Nam từ khi chính thức được thành lập năm 1957".
"Trên Con đường thi nhân có sự xuất hiện của hàng trăm nhà thơ các thế hệ bên cạnh những câu thơ hay nhất của chính tác giả”, ông nhấn mạnh.
Ngay khi Ngày thơ đang diễn ra, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội bức ảnh chụp tấm pano trích thơ Hàn Mặc Tử: “Thơ tôi bay suốt một đời khôn thấu/Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu” với ảnh chân dung nhà thơ Yến Lan.
Một người trong giới bình luận đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc nhưng cũng phản ảnh “sự ẩu” của đơn vị tổ chức. Không chỉ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, nội dung thơ cũng bị trích sai.
Câu thơ nổi tiếng “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã bị nhầm thành “Đời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng nhận xét những pano đóng khung ảnh của các nhà văn, có màu sắc u ám, trái ngược với không gian chung. Thiết kế của pano giống như “ảnh thờ” hoặc “bức cáo phó”.
"Không biết đây là tôn vinh hay làm nhục" - một nhà văn gay gắt.
Thơ Nguyễn Du bị trích dẫn sai. |
“Có chuyên môn nhưng không tổ chức chuyên nghiệp”
Trả lời Zing.vn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết việc nhầm hình ảnh Yến Lan sang Hàn Mặc Tử và sai một từ trong câu thơ Nguyễn Du tại trưng bày Con đường thi nhân là một thiếu sót của ban tổ chức.
Nguyên nhân sai sót được Chủ tịch Hội Nhà văn nêu rõ là do thời gian thực hiện quá gấp gáp.
Ông nói: “Con đường thi nhân là một sáng kiến hay, tôn vinh thi ca đất nước trong suốt dọc dài lịch sử tới nay".
"Chỉ tiếc không gian của Ngày thơ là điểm du lịch, nên việc thi công Con đường thi nhân chỉ được làm trong buổi tối, thực hiện trong ba đêm. Thi công sát giờ khai mạc, nên ban tổ chức kiểm tra, kiểm soát không được kỹ”, ông lý giải.
Về việc pano trong Con đường thi nhân giống như ảnh thờ, thiếu thẩm mỹ, nhà thơ Hữu Thỉnh đính chính màu viền ảnh ở các tấm pano vốn là màu nâu, nhìn xa thì mọi người nhầm tưởng là màu đen.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết do có nhầm lẫn về hình ảnh dù chỉ sai sót chút ít, ban tổ chức Ngày Thơ đã cho tháo hết các tấm pano mang về. Còn lại kết cấu Con đường thi nhân với khung hình đính chim hạc vẫn được giữ lại tại Văn Miếu.
Bên cạnh tinh thần cầu thị, tiếp thu các nhận xét đánh giá và sửa sai sót, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng chia sẻ câu chuyện thực hiện Ngày thơ Việt Nam.
"Kinh phí tổ chức Ngày thơ eo hẹp, vì thế ban tổ chức phải tự lo các khâu. Các nhà văn Việt Nam có chuyên môn sáng tác chứ không phải là những người tổ chức sự kiện chuyên nghiệp. Để tổ chức sự kiện Ngày thơ và duy trì 15 năm, tới nay thành một lễ hội văn hóa đẹp, ý nghĩa là một cố gắng lớn của toàn thể Hội Nhà văn”, ông bộc bạch.
Cụm từ "Rằm Nguyên Tiêu" mà ban tổ chức sử dụng bị nhận xét là không chuẩn ngôn ngữ. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
Ngoài con đường thi nhân đầy nhầm lẫn, một số ý kiến chỉ ra rằng việc Hội Nhà văn Việt Nam sử dụng cụm từ “Rằm Nguyên Tiêu” trên poster ở sân khấu Văn Miếu là không chuẩn về ngôn ngữ.
“Tết Nguyên Tiêu hoặc Rằm tháng Giêng, không ai gọi là Rằm Nguyên Tiêu cả, nghe rất kệch cỡm”, một người yêu thơ bình luận trên mạng xã hội.