Sự việc bác sĩ người Việt David Dao mới đây bị kéo ra khỏi máy bay của hãng hàng không United Airlines một cách thô bạo thu hút sự chú ý của dư luận. Đây được coi là bê bối lớn của hãng hàng không 91 năm tuổi United Airlines.
Phi hành đoàn ứng xử thiếu chuyên nghiệp trên máy bay không phải là chuyện hiếm gặp. Trong nhiều trường hợp, điều này ảnh hưởng đến an toàn bay và hình ảnh của các hãng hàng không.
Ẩu đả trên máy bay
Năm 2009, phi công và phi hành đoàn trên máy bay của hãng Air India, Ấn Độ, đã cãi vã và để dẫn đến một vụ ẩu đả khi máy bay đang trên hành trình bay.
Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ cáo buộc phi hành đoàn quấy rối tình dục. Sự cố không những thể hiện thái độ thiếu chuyên nghiệp của thành viên phi hành đoàn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay.
Tiếp viên chụp ảnh gợi cảm
Một trong số những hình ảnh của chụp tiếp viên của BA trong bê bối năm 2010. Ảnh: travelobservers. |
Hãng hàng không British Airways (BA) của Anh nổi tiếng với vụ lùm xùm về bức ảnh nữ tiếp viên của hãng nằm trên máy bay và có những hành động khác trong tư thế khêu gợi. Những hình ảnh xuất hiện vào năm 2010 này thậm chí còn được đăng tải trên các trang web khiêu dâm.
BA giữ im lặng, né tránh các cáo buộc và nói rằng họ không thấy bằng chứng nào chứng tỏ đây là nhân viên của hãng.
“Họ chỉ đơn thuần mặc đồng phục của BA thôi”, đại diện hãng cho biết. Tuy nhiên, bộ đồng phục trùng hợp đến bất ngờ và bối cảnh máy bay ăn khớp khiến dư luận không khỏi nghi ngờ.
Không cho hành khách tàn tật lên máy bay
Hãng hàng không S7 Airlines của Nga từng gây chú ý khi từ chối cho người khiếm thị và tàn tật lên máy bay. Tháng 2/2009, ông Pavel Obiukh, thành viên của tổ chức phi chính phủ dành cho người khuyết tật Perspektiva, không được phép lên máy bay của S7 Airlines vì là người khiếm thị, dù ông đã thông báo cho hãng trước khi đặt vé.
Sự cố tương tự cũng xảy ra một thành viên khác của Perspektiva, bà Natalia Prisetskaya, vì người phụ nữ này sử dụng xe lăn.
S7 Airlines sau đó phải bồi thường 50.000 ruble (hơn 877 USD) và bị phạt 25.000 ruble, tương đương 439 USD.
Ông Pavel Obiukh, thành viên của tổ chức phi chính phủ dành cho người khuyết tật Perspektiva, không được lên máy bay của hãng hàng không S7 Airlines Ảnh: asi. |
Phi công làm giả bằng lái, uống rượu trước giờ bay
Năm 2010, từ quá trình điều tra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 42 trong tổng số 96 người trên máy bay mang số hiệu 8387 của hãng hàng không Henan Airlines, Trung Quốc, nhà điều tra phát hiện 200 phi công thương mại khai khống về lịch sử bay và làm giả bằng lái.
Ít nhất 50% trong số các phi công “giả mạo” này làm việc cho Shenzhen Airlines, công ty mẹ của Henan Airlines. Vụ việc này được cho là do lỗi của phi công và được coi là vụ “tai nạn máy bay tồi tệ nhất ở Trung Quốc”.
Ngoài ra, không ít lần phi công bị bắt vì uống rượu trước giờ bay. Tháng trước, phi công Miroslav Gronych, 37 tuổi, người Slovakia buộc phải rời khỏi buồng lái và được đưa xuống máy bay của hãng hàng không giá rẻ Sunwing Airlines, Canada, sau khi bị phát hiện nồng độ cồn trong máu cao gấp 3 lần so với mức cho phép.
Ông này đã bị hãng sa thải và phải ra hầu tòa. Sunwing Airline cũng thành lập một ủy ban để xem xét và xử lý các tình huống tương tự.
Xác máy bay mang số hiệu 8387 của hãng Henan Airlines. Ảnh: AFP. |
Vi phạm quy định an toàn buồng lái
Năm 2012, một người đàn ông Italy 32 tuổi đã bị bắt sau khi giả làm phi công và ngồi miễn phí trong buồng lái của một máy bay thuộc hãng hàng không Lufthansa, Đức. Ông này sau đó bị xử phạt vì đe dọa an ninh hàng không và sử dụng chứng minh thư giả.
Tháng 2/2009, máy bay của hãng Colgan Air Flight, Mỹ mang số hiệu 3407 đâm xuống thành phố Buffalo, bang New York, khiến 50 người thiệt mạng. Kết luận về nguyên nhân vụ việc là các phi công vi phạm quy định cấm thảo luận về chủ đề ngoài nội dung về chuyến bay mà họ đang điều khiển khi thực hiện các thao tác phức tạp như hạ cánh.
Cơ trưởng và cơ phó đã thảo luận về các chuyến bay trước, chứng bệnh liên quan đến não cùng nhiều chủ đề khác, khiến họ mất tập trung và gây ra tai nạn đáng tiếc.