Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những góa phụ sẵn sàng kích bom tự sát cùng con

Vợ của những kẻ đánh bom khủng bố sẵn sàng kích hoạt các thiết bị nổ, tự sát cùng các con nhỏ để tránh bị cảnh sát bắt giữ, với niềm tin sẽ cùng đoàn tụ trên thiên đường.

Màn đêm buông xuống đất nước Sri Lanka vẫn đang phục hồi lại sau ngày đẫm máu 21/4, với các cuộc đánh bom làm hơn 300 người thiệt mạng. Cảnh sát xông vào một ngôi nhà thuộc khu căn hộ cao cấp, nơi ở của hai trong số những kẻ đánh bom cảm tử.

Tại đây, lực lượng chấp pháp gặp Fatima Ibrahim, người vợ khi đó đang mang thai của kẻ đánh bom tên Ilham Ibrahim. Nhìn thấy bóng dáng cảnh sát, người phụ nữ tháo chạy vào bên trong và kích hoạt một thiết bị nổ, tự sát cùng 3 đứa con của mình, đứa lớn nhất mới chỉ 5 tuổi. Ít nhất 3 cảnh sát cũng thiệt mạng trong vụ khám xét đó.

Trong một vụ việc tương tự hồi tháng 3, cảnh sát chống khủng bố bắt giữ một nghi phạm được cho là sản xuất bom cho các nhóm thân IS ở Indonesia có tên Abu Hamzah. Khi cảnh sát tới tư gia để bắt vợ ông ta, người bị cáo buộc là đồng phạm chế tạo bom, người phụ nữ đã tự sát bằng bom cùng đứa con gái mới 2 tuổi.

Đường lên thiên đường

South China Morning Post nhận định từ Sri Lanka đến Indonesia, một làn sóng cực đoan hóa đang xuất hiện trong nữ giới, họ bị lôi kéo bởi tư tưởng của tổ chức IS, sẵn sàng tự sát cùng con cái để bảo vệ lý tưởng tử vì đạo.

"Chúng ta không gặp những trường hợp như vậy đối với Al Qaeda. Trong Hồi giáo, lý tưởng của những người phụ nữ là chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng và giáo dục con trẻ, không phải là cầm vũ khí", Sofyan Tsauri, cựu thành viên của Al Qaeda chi nhánh Đông Nam Á, cho biết.

Nasir Abbas, cựu thủ lĩnh của tổ chức Jemaah Islamiah ở Malaysia có liên hệ với Al Qaeda, người từng bị truy nã gắt gao nhất Đông Nam Á, cho rằng bản năng bảo vệ con cái của những người phụ nữ này đã bị thay thế bằng "đường lên thiên đàng".

"Những người này tin rằng bảo vệ con cái của họ có nghĩa là giúp chúng không bị biến thành những kẻ ngoại đạo khi họ bị tiêu diệt", Abbas nói. Ông này hiện đã đầu hàng chính phủ Indonesia, đang tham gia các hoạt động chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan tại quốc gia vạn đảo.

danh bom tu sat anh 1
Dian Yulia Novi (giữa) bị xét xử do âm mưu đánh bom phủ tổng thống Indonesia năm 2017. Ảnh: AP.

"Trong đức tin lệch lạc của họ, họ tin rằng lũ trẻ sẽ được lên thiên đàng nếu chúng chết cùng họ hoặc chúng cũng thực hiện những vụ đánh bom", Abbas cho biết.

Theo cảnh sát Indonesia, làn sóng cực đoan hóa này bắt đầu thu hút sự chú ý từ vụ việc một gia đình 6 người đánh bom 3 nhà thờ ở Surabaya tháng 5/2018. Những kẻ đánh bom là thành viên một gia đình, gồm cha, mẹ và 4 đứa trẻ tuổi từ 9 đến 18.

Người cha của gia đình là một thương nhân giàu có tên Dita Oepriarto, cài bom lên người vợ và 2 con gái, và kích nổ các thiết bị tại một nhà thờ. Tên này yêu cầu 2 người con trai lái xe máy cài bom tới một nhà thờ khác và cũng kích nổ họ. Dita sau đó lái xe ôtô chứa đầy chất nổ tới một nhà thờ thứ 3. 

Trong khoảng 10 phút, cả gia đình 6 người đều thiệt mạng trong các vụ đánh bom. Các nhân chứng cho biết người con trai 16 tuổi của Dita tên Firman Halim đã khóc không ngừng trong buổi cầu nguyện lúc bình minh, chỉ vài giờ trước khi vụ đánh bom xảy ra.

"Chúng tôi tin rằng vào đêm trước vụ đánh bom, Dita đã yêu cầu các con sẵn sàng đi tới chỗ chết", South China Morning Post dẫn lời Rizka Nurul, nhà nghiên cứu tại Viện Xây dựng hòa bình quốc tế, tổ chức tư nhân về các hoạt động phi cực đoan hóa, cho biết.

Tuân lệnh chồng

Làn sóng cực đoan hóa gia tăng trong các cặp đôi mới kết hôn đã được chứng minh là mang tới hiểm nguy cho con cái của chính họ.

"Lũ trẻ sẽ rơi vào hiểm họa chết người nếu cả cha và mẹ quyết định đi theo con đường thánh chiến, phải chuộc lại tội lỗi trong cuộc đời bằng cách thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Các cặp vợ chồng này tin rằng họ đang đưa con cái theo mình tới thiên đàng", ông Nasir nói.

Một nghiên cứu trong lĩnh vực chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực cho thấy phụ nữ có khả năng trở nên cực đoan và bạo lực hơn đàn ông.

"Điều này là bởi phụ nữ dựa vào trái tim của họ. Họ sẽ nguy hiểm hơn bởi họ sẵn sàng hy sinh hơn, so với đàn ông, những người có xu hướng lý trí hơn khi cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại", Rizka cho biết.

danh bom tu sat anh 2
Vụ đánh bom liên hoàn tại Surabaya năm 2018. Ảnh: AFP.

Như trong vụ việc của Solimah, vợ của Hamzah, người phụ nữ này sẵn sàng kích hoạt nổ bom để tự sát sau khi chồng bị bắt giữ. Trong quá trình thẩm vấn, Hamzah thừa nhận người vợ có xu hướng cực đoan hơn bản thân mình.

Hai vợ chồng Hamzah đã bị cực đoan hóa sau khi đọc các tài liệu trực tuyến của Aman Abdurrahman, một phần tử phụ trách tuyên truyền của IS. Abdurrahman hiện nằm trong danh sách tử tù chờ thi hành án vì hành vi xúi giục người khác tấn công khủng bố.

Nhiều phụ nữ được cho là tiếp cận với các tài liệu cực đoan theo lệnh của chồng, đây được coi là biểu hiện của sự tuân phục phu quân. Đây là điều không bất ngờ với một số chuyên gia về Hồi giáo.

"Trong nghiên cứu trước đây của tôi về vợ của những kẻ khủng bố, hầu hết họ đều chỉ cố gắng thể hiện sự vâng lời với chồng. Chỉ một số ít trong đó có thể kháng cự lại tư tưởng cực đoan của những người chồng khủng bố, kết quả là họ phải chịu hậu quả, như bị tách ra khỏi chồng con", Ani Rufaida, giảng viên tâm lý học tại Đại học Hồi giao Nahdlatul Ulama của Indonesia, cho biết.

Nỗ lực không có hồi kết

Cơ quan Chống khủng bố quốc gia Indonesia (BNPT) đã thiết lập chương trình phi cực đoan hóa cho các tù nhân, nhằm cải tạo lý tưởng về Hồi giáo của những người này, thông qua việc trình chiếu các bài phát biểu của các lãnh đạo tôn giáo và các nhà tâm lý học.

Indonesia cũng chủ động trang bị cho các phạm nhân kỹ năng cần thiết họ có thể sử dụng khi được tái hòa nhập vào cộng đồng. Bên cạnh đó, BNPT đang đẩy mạnh đấu tranh chống bạo lực cực đoan tại các cơ sở giáo dục đại học.

Cựu chiến binh thánh chiến Nasir cho biết việc các phần tử cực đoan đầu hàng và làm việc cùng các trường đại học và nhà chức trách trong sáng kiến phi cực đoan hóa giúp cho những chương trình này đạt được hiệu quả, nhờ có được hiểu biết từ chính những người bên trong các tổ chức thánh chiến.

danh bom tu sat anh 3
Cảnh sát thu giữ một số vật dụng liên quan tới các vụ tấn công ở Sri Lanka hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

Một cựu chiến binh thánh chiến khác là Ali Fauzi, em trai của hai kẻ gây ra vụ đánh bom ở Bali nay đã bị xử tử, đã sáng lập tổ chức phi chính phủ có tên Circle of Peace. Tổ chức này tham gia và đẩy mạnh các hoạt động chống bạo lực cực đoan và phi cực đoan hóa.

Nay, các chuyên gia nhận định phụ nữ nên là mục tiêu ưu tiên của các chương trình phi cực đoan hóa, và đây là một nỗ lực thiết thực nhằm đẩy lùi xu hướng cực đoan hóa đang hiện hữu tại khu vực.

Trong báo cáo mới đây của Viện phân tích chính sách xung đột (IPAC), cơ quan này kêu gọi chính phủ Indonesia tuyển dụng thêm phụ nữ vào lực lượng cảnh sát chống khủng bố, có tên Đơn vị 88, trong bối cảnh số lượng chiến binh nữ giới của các tổ chức khủng bố đang tăng dần.

"Chỉ có 8% nữ giới trong lực lượng cảnh sát, đây là một con số thấp", báo cáo nhận xét.

Những chương trình hiệu quả hơn dành cho các nữ phạm nhân ủng hộ IS cũng cần được triển khai. Hiện tại, nhà chức trách đang giam giữ 15 phụ nữ có liên quan tới IS, một số từng dính lứu trong các vụ bạo lực. IPAC cho rằng thấu hiểu hoàn cảnh và động cơ của những người này là điều thiết yếu để xây dựng chương trình phi cực đoan hóa hiệu quả hơn.

Hai gia đình giàu có ở hai phía thảm kịch Sri Lanka

Gia đình giàu nhất Đan Mạch, và một trong những gia đình giàu nhất Sri Lanka, mất tổng cộng 5 thành viên trong tấn thảm kịch cướp đi sinh mạng của 250 người xảy ra hôm 21/4.

16 người thiệt mạng trong cuộc bố ráp nghi phạm khủng bố Sri Lanka

Lực lượng chức năng Sri Lanka đột kích vào hang ổ của những kẻ tình nghi liên quan đến loạt vụ đánh bom hôm 21/4, tiêu diệt 6 nghi phạm. 10 dân thường thiệt mạng trong vụ đấu súng.

Duy Anh

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm