Trưa 4/12, Nguyễn Thị Vân đã mang về tấm HCB hạng cân 71 kg môn cử tạ. Theo tính toán của ban huấn luyện, Vân hoàn toàn có cơ hội giành HCV, nhưng thất bại trong những lần cử giật đầu tiên khiến cô bỏ lỡ cơ hội.
"Trước khi thi đấu, chúng tôi tin chắc Nguyễn Thị Vân sẽ có HCV ở nội dung này. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị phá sản khi phải đến lần cử giật thứ 3 Vân mới thành công. Dù vậy, chúng tôi vẫn trông chờ vào cử đẩy, nhưng đối phương cũng không dễ chơi", ông Đỗ Đình Kháng, Phó vụ trưởng Thể thao thành tích cao II chia sẻ với Zing.vn.
Ông Đỗ Đình Kháng, Phó vụ trưởng Thể thao thành tích cao II. Ảnh: Quang Thịnh. |
Thất bại của Nguyễn Thị Vân được cho là cô thi đấu không tốt ở phần thi cử giật. Nữ đô cử Việt Nam thực hiện hỏng 2 lần cử giật đầu tiên ở mức tạ 92 kg. Phải đến lần thứ 3, cô mới thực hiện thành công.
Khi được hỏi về việc đăng ký mức tạ cao cho Vân, ông Kháng chia sẻ: "Việc đăng ký mức cử giật lúc đầu cho Vân vượt trội các đối thủ không hề sai lầm, bởi có 2 mặt của vấn đề. Bình thường, Vân có thể giật từ 95 kg đến 98 kg. Vì vậy mức đăng ký 92 kg là mức thấp nhất. Nếu nâng thành công, Vân sẽ vượt hẳn lên và là đòn đánh mạnh vào các đối thủ".
"Đây không phải là sai lầm về chiến thuật mà là lỗi của vận động viên không thực hiện được, do tâm lý không vững vàng. Với sức lực của Vân, cô hoàn toàn có thể thực hiện ở các mức cao hơn. Trong ngày hôm qua, cũng ở tình huống tương tự thế này, chúng ta đã lật thế cờ, giành HCV của Philippines ở hạng 64 kg. Hôm nay, họ cũng cẩn thận hơn và có tính toán bài bản hơn, làm cho sự khó khăn của Vân tăng lên. Vân không phát huy được ở động tác cử giật, đâm ra sang động tác cử đẩy dù rất cố gắng, cũng không thể cứu vãn được tình thế", ông Kháng cho biết thêm.
Trong lượt cử đẩy cuối cùng của phần thi chung kết hạng 71 kg nữ, VĐV chủ nhà Kristel đăng ký mức tạ 123 kg và gặp nhiều khó khăn để nâng tạ. Lúc đầu, trọng tài quyết định phần thi không thành công, nhưng đổi lại sau đó vì có ý kiến đến từ ban giám sát.
Hai đô cử của Việt Nam và Philippines thể hiện cảm xúc trái chiều sau phần thi cuối cùng. Ảnh: Thuận Thắng. |
"Đây là chủ nhà nên ban giám sát có thể có những quyết định nhẹ hơn so với các đoàn khác. Ba trọng tài chính thì có 2 trọng tài phất cờ đỏ, quyết định không thành công cho VĐV chủ nhà. Theo luật, nếu giám sát không có ý kiến thì lần cử đó thất bại", ông Kháng cho biết thêm.
"Tuy nhiên, giám sát lại có quyền ý kiến (cũng giống VAR trong bóng đá nhưng không có video xem lại), họ đoán theo cảm tính và quyết định để cho VĐV của Philippines được thành công ở lần đó. Theo ý kiến chủ quan của tôi và theo dõi được qua màn hình, rõ ràng VĐV của Philippines đẩy 2 nhịp. Trong luật cử tạ, khi đã đẩy thì phải thẳng tay luôn, còn nếu để tay co xuống rồi mới tiếp tục đẩy lên thì đó là lỗi và động tác đó không được công nhận là hoàn thành", ông Kháng thể hiện sự bất bình.
Kết thúc môn cử tạ tại SEA Games 30, Việt Nam dẫn đầu với 4 HCV, 5 HCB và 1 HCĐ, xuất sắc vượt chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu tiếp theo của cử tạ Việt Nam là giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020.