Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Những gặp gỡ không thể có' trong văn chương Việt

Tập truyện ngắn của nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng không chỉ có nội dung khó tìm thấy trong đời sống, mà thể loại văn học fantasy cũng ít được các nhà văn Việt lựa chọn.

Lâu nay, cái tên Trần Tiễn Cao Đăng gắn liền với địa hạt dịch thuật. Ông tạo lập được danh tiếng trên văn đàn trong vai trò một dịch giả.

Nhiều tác phẩm của Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ được nhiều người yêu thích, đều là những tác phẩm văn chương xuất sắc, hoặc các công trình nghiên cứu giá trị cao như: Biên niên ký chim vặn dây cót (Harumi Murakami), Nếu một đêm đông có người lữ khách (Italo Calvino), Súng, Vi trùng và Thép (Jared Diamond), Thế giới như tôi thấy (Albert Einstein), Từ điển Khazar (Milorad Pavic)…

Để dịch những tác phẩm này, dịch giả không chỉ có khả năng ngôn ngữ, mà còn cần sự hiểu biết về văn hóa, tôn giáo, lịch sử, sự nghiêm túc và cẩn trọng trong nghề.

Nhung gap go khong the co anh 1
Dịch giả, nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng.

Trần Tiễn Cao Đăng nói việc dịch văn chương đóng vai trò đánh thức thiên hướng viết lách từ lâu ngủ yên trong ông. Năm 2016, ông cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay Life Navigator 25: Người tình của cả thế gian.

Cho tới mùa hè này, tập truyện ngắn Những gặp gỡ không thể có của Trần Tiễn Cao Đăng phát hành, cũng với thể loại fantasy, cho thấy quan điểm thẩm mỹ riêng biệt của nhà văn.

Bốn truyện ngắn trong Những gặp gỡ không thể có của Trần Tiễn Cao Đăng là bốn câu chuyện về những cuộc gặp nằm giữa lằn ranh thật và ảo, giữa hiện hữu và giấc mơ.

Đẹp mà lạ lùng, nên thơ nhưng cũng không kém phần gai góc, Trần Tiễn Cao Đăng đưa người đọc bước vào thế giới siêu thực mà ông vẽ nên, nơi mà ý chí của con người được giải phóng và không còn bị ngăn trở bởi bất cứ rào cản nào nữa.

Nhung gap go khong the co anh 2
Tập truyện ngắn Những gặp gỡ không thể có mới ra mắt bạn đọc.

Những gặp gỡ không thể có của Trần Tiễn Cao Đăng đã dệt nên bức tranh về sự sống và cái chết, về tình yêu và sự cách chia, về mê đắm và dục vọng, về tình người, tình đồng đội và cả sự lạc lõng của mỗi bản thể trong cuộc đời.

Với kết cấu, thể loại, cách kể lạ, nội dung gần như rất khó tìm thấy ở đời sống Việt Nam, các truyện ngắn phi hiện thực của Những gặp gỡ không thể có được thể hiện một cách ngoạn mục.

Có lẽ thời gian tiếp cận với văn học tinh hoa đã mở cho Trần Tiễn Cao Đăng con đường đi riêng. Truyện do ông sáng tác không chạy theo các trào lưu văn học hiện thời, không đánh vào thị hiếu của độc giả, và cũng không đi theo bất kỳ lối mòn nào trước đó.

Với Cao Đăng,“viết là để tự tiến hóa, để tự định nghĩa mình, viết là để có tiếng nói của riêng tôi về cái đẹp và nỗi đau - của những thực thể, hữu sinh hay vô sinh, không tự nói hoặc không có cơ hội nói về cái đẹp và nỗi đau của mình".

Theo quan điểm của ông, nhà văn phải bay bổng trên các cấp độ hiện thực để tái hiện một thế giới là cái mình muốn.



Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm