Nhìn từ trên cao, khu trại Al Hol - nơi vợ con các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tá túc - giống như một biển lều trắng, nổi bật trên khung cảnh hoang tàn ở vùng đông bắc Syria.
Khoảng 93% trong số 55.000 người ở đây là phụ nữ và trẻ em và một nửa dưới 12 tuổi, theo New York Times.
Sự chú ý của thế giới phần lớn đã chuyển hướng kể từ khi ngôi làng cuối cùng do IS nắm giữ bị giành lại vào năm 2019, xóa bỏ sự thống trị của IS kéo dài hai năm. Nhưng bỏ lại phía sau đó là hàng chục nghìn trẻ em lớn lên trong hoàn cảnh tàn bạo và rất dễ bị cực đoan hóa.
Những đứa trẻ này được bao quanh bởi những phụ nữ cứng rắn và chủ chiến. Nhiều phụ nữ ở đây không biết chồng hay các con trai họ đang ở đâu. Họ cho biết họ đang dạy các con nhỏ thù ghét những ai chống đạo Hồi, bởi họ đã bắt và giết hại cha của những đứa trẻ.
“Chúng tôi đã chứng kiến cảnh bạo lực và chúng tôi cũng biết rằng có một lượng lớn trẻ em đang lớn lên ở đây”, Daoud Ghaznawi, người giám sát việc quản lý các dịch vụ trong trại tị nạn, cho biết.
“Nếu cứ tiếp tục như vậy, sẽ không kết quả tốt đẹp nào”, ông nhấn mạnh.
Một bé trai chơi đùa với thanh kiếm gãy ở trại al Hol. Ảnh: AP. |
Không ai muốn tiếp nhận
Trại tị nạn dành cho phụ nữ và trẻ em Al Hol nằm trong số các cơ sở ở phía đông bắc Syria do lực lượng dân quân người Kurd giám sát, bên cạnh gần 20 nhà tù giam giữ khoảng 10.000 người đàn ông trưởng thành là những tay súng IS bị tình nghi.
Vào cuối năm 2018, Al Hol tiếp nhận khoảng 10.000 người tị nạn và phải di dời vì chiến tranh.
Nhưng vào đầu năm 2019, khi liên minh do Mỹ hậu thuẫn bao vây Baghuz - thành trì còn lại của IS - thân nhân các tay súng đã được gửi đến Al Hol. Dân số của trại tị nạn tăng gấp 7 lần.
Các nhóm nhân quyền và quân đội Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm khi để con cái của các tay súng IS sống mòn mỏi trong sa mạc. Ngoài sự tàn nhẫn, điều kiện khốn khó có nguy cơ biến chúng thành một thế hệ cực đoan chỉ biết đến bạo lực và phẫn nộ với thế giới.
Trẻ em tại trại Al Hol thuộc đông bắc Syria, nơi giữ gia đình các chiến binh IS. Ảnh: AFP. |
Trong nhiều năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi các quốc gia hồi hương công dân có mặt tại khu trại. Tuy nhiên, lời kêu gọi vẫn chưa được phản hồi khi các nhà chức trách lo ngại mối liên hệ với Nhà nước Hồi giáo khiến những đối tượng này trở nên nguy hiểm.
Một trong những nguyên nhân khác là tâm lý thù địch các gia đình IS. Người dân bị ảnh hưởng bởi hành động của IS sẽ khó quên được những gì đã xảy ra với họ và gia đình.
Điều này có thể thấy rõ ở Iraq, quốc gia được cho là có đông số lượng người yêu cầu hồi hương đông nhất trong khu trại.
Tại hội nghị của Viện Trung Đông, Timothy Betts, điều phối viên chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết tới nay, Iraq mới hồi hương khoảng 600 tay súng IS và 2.500 người khác từ Al Hol - khoảng 1/10 công dân của họ ở đây.
Trong khi đó, an ninh bên trong Al Hol ngày càng xấu đi. Đã có khoảng 25 vụ giết người trong năm nay. Mặc dù dữ liệu hiện có không chính xác, tốc độ của các vụ giết người đã tăng lên kể từ cuối mùa xuân, bao gồm một vụ giết người vào tuần trước và một phụ nữ bị chặt đầu vào tháng 6.
Nhiều phụ nữ trong trại đang dạy con nhỏ thù ghét những kẻ chống đạo Hồi, bởi đã bắt và giết hại cha anh. Ảnh: AFP. |
Những phụ nữ IS có quan điểm cứng rắn được cho là chịu trách nhiệm cho nhiều vụ giết người. Họ tự bổ nhiệm mình là lực lượng cảnh sát kiểm soát đạo đức và có quyền trả thù những người có hành vi “sai trái” như nói chuyện với chính quyền trại.
Bất ổn gia tăng
Không chỉ vậy, tình hình tồi tệ thêm khi Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng dân quân người Kurd đang kiểm soát đông bắc Syria có liên hệ với nhóm khủng bố ly khai. Lực lượng dân quân, được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), từng là đồng minh trên thực địa của Mỹ khi chiến đấu chống IS ở Syria.
Gần đây, trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này dự tính mở cuộc tấn công quân sự mới vào miền Bắc Syria nhằm dựng vùng đệm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria 30 km về phía nam.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố vùng đệm sẽ che chắn cho Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc tấn công của người Kurd. Đồng thời, khu vực này cũng cung cấp không gian sống cho khoảng một triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tin rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ mở một cuộc tấn công khác, hàng trăm nghìn người sống ở khu vực biên giới có thể phải di dời, làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn.
Họ cũng lo sợ rằng các lính gác SDF và lực lượng an ninh tại Al Hol sẽ bố trí lại nhân viên ở đây - như đã xảy ra vào năm 2019 - và có thể đánh mất quyền kiểm soát khu trại nếu có người nổi loạn.
"Nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực sự tấn công, chúng ta có khả năng sẽ có thế hệ IS 2.0”, tướng Claude Tudor của Lực lượng Không quân, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm đánh bại IS ở Iraq và Syria, cho biết.
Ông cũng cảnh báo rằng các tay súng có thể cố gắng tập hợp lại thông qua hàng loạt cuộc vượt ngục trên quy mô lớn.
"Chúng tôi nghĩ IS đang tìm cách tấn công một nhà tù khác hoặc làm điều gì đó ở Al Hol", ông nói.
Một người lính gác SDF gần trại Al Hol. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, sự kiểm soát của lính gác SDF trở nên mỏng manh. Đứng dưới cái nắng oi ả trên sân thượng tòa nhà quản lý nhà tù ở Hasaka gần đó, tướng Amuda, người đứng đầu đơn vị biệt kích SDF, kể lại một cuộc tấn công của IS vào đây hồi tháng 1.
Một trận chiến kéo dài hai tuần xảy ra sau đó đã khiến hàng chục lính canh SDF và hàng trăm tay súng IS bị bắt giữ thiệt mạng. Ông Amuda chỉ vào những tòa nhà đầy vết đạn và một nơi mà các tay súng đã thiêu sống hai lính canh.
Trong bối cảnh đó, năm 2022, quân đội Mỹ dự tính chi 155 triệu USD ở Syria để huấn luyện và trang bị cho SDF, cũng như củng cố các nhà tù giam giữ tay súng IS.
Các quỹ do Lầu Năm Góc hỗ trợ cũng sẽ được sử dụng để chi trả cho lực lượng bảo vệ và cơ sở hạ tầng, bao gồm máy dò kim loại tại Al Hol. Một hàng rào phía trong dự kiến được xây dựng thêm vào tháng này, cho phép lính canh đóng cửa các khu vực xảy ra bạo loạn, hoặc sau các cuộc đột kích.
Cuộc chiến lặp đi lặp lại
Trong số khoảng 10.000 nam giới trưởng thành bị bắt giữ vì chiến đấu cho IS, khoảng 5.000 người là người Syria, 3.000 là người Iraq, và 2.000 người đến từ khoảng 60 quốc gia khác, các quan chức cho biết.
Tỷ lệ tương tự cũng được thấy tại Al Hol. Trại tị nạn chính đang có khoảng 47.000 người Syria và Iraq sinh sống. Trong khi đó, 8.000 vợ con của các chiến binh IS từ các quốc gia khác sống ở một tòa nhà phụ. Theo báo cáo, khoảng 66 trẻ sơ sinh được sinh ra mỗi tháng vào năm ngoái.
“Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng cuộc chiến với IS đã kết thúc”, Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham cho biết.
“Họ không nghĩ về cách sửa chữa những thiệt hại. Chúng ta sẽ làm gì với các tù nhân? Làm thế nào để giúp những người trẻ tuổi có những lựa chọn tốt hơn?”, ông nói. “Họ chỉ biết đưa ra những con số về cuộc chiến và đó là lý do chúng cứ lặp đi lặp lại”.
Lực lượng SDF di dời thi thể tay súng IS từ bên trong một trường học ở Hasaka sau khi tìm cách vượt ngục. Ảnh: New York Times. |
Hầu hết trẻ em ở Al Hol không đi học. Không có đủ trường học cho chúng và thậm chí, một số phụ nữ từ chối cho con cái của họ đi học.
Ông Ghaznawi cho biết hai trường học gần đây đã buộc phải đóng cửa và họ đã ngừng tuyển dụng người trong trại làm nhân viên hỗ trợ vì liên tục bị tấn công.
Kathryn Achilles, giám đốc vận động và truyền thông của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Syria, cho biết tổ chức này vận hành 6 “không gian học tập tạm thời” tại Al Hol, trong đó có một không gian được xây dựng lại sau trận hỏa hoạn.
Họ dạy chương trình cơ bản về tiếng Anh, tiếng Ả Rập, toán và khoa học. Nhưng bạo lực ngày càng gia tăng khiến bọn trẻ càng thêm tổn thương.
“Những đứa trẻ này không chọn đến Syria hay sinh ra ở đó. Nhưng chúng bị mắc kẹt trong vòng xoáy bạo lực và bị trừng phạt cho những tội lỗi của cha chúng”, bà Kathryn Achilles nói.