Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dự án BT dính vi phạm ở Hà Nội được đổi lấy đất ra sao?

Đổi đất lấy hạ tầng bằng các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đã được Hà Nội áp dụng khá phổ biến, có hàng nghìn ha đất được đối ứng cho các dự án này.

Toàn Hà Nội có khoảng 70 dự án BT đã ký hợp đồng. Hiện mới có một số công trình hoàn thành, là: Bảo tàng Hà Nội, Cung trí thức thành phố, đường trục phát triển bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Trạm xử lý nước thải Hồ Tây, tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương…

Tổng mức đầu tư các dự án đã hoàn thành trên 13.000 tỷ đồng, tương ứng 15 km đường, 46.000 m2 diện tích sàn xây dựng, công suất xử lý nước thải khoảng 215.000 m3/ngày đêm.

Khu đô thị tỷ USD của Bitexco trên đất đổi từ dự án BT

Khoảng đầu năm 2014, Bitexco được chỉ định là nhà đầu tư tuyến đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An theo hình thức BT, gồm phần tuyến đường (bao gồm tuyến số 1, tuyến số 5) và nút giao tuyến số 1 & đường 70.

Dự án gồm 2 tuyến đường. Tuyến số 1 có chiều dài hơn 2,5 km có điểm đầu giao với đường vành đai 3, điểm cuối nối với đường 70.

cac du an bt tai ha noi anh 1
Sau khi đầu tư dự án đường quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, Bitexco được đổi lấy khu đất rộng lớn ngay bên cạnh. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tuyến số 2 (trong dự án gọi là tuyến số 5) là tuyến đường giáp ranh giữa Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và khu chức năng đô thị nam đường vành đai 3. Tuyến này có chiều dài gần 1,2 km, điểm đầu giao cắt với tuyến số 1, điểm cuối giao cắt với dự án đường vào phía đông Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.475 tỷ đồng. Để đổi lại khoản vốn này, Bitexco được UBND TP. Hà Nội đổi khu đất phía nam đường vành đai 3 (thuộc phường Đại Kim - quận Hoàng Mai và phường Thanh Liệt - huyện Thanh Trì). Đây là khu đất rộng khoảng 90 ha. Nếu tính cả hồ nước xung quanh có thể lên đến gần 200 ha.

Khu đất mà Bitexco đổi được đánh giá khá đẹp với vị trí nằm cạnh đường vành đai 3, không phải giải phóng mặt bằng nhiều. Ngoài ra, bên trong khu đất có nhiều ao hồ tự nhiên, cảnh quan thuận lợi để xây dựng khu đô thị sinh thái.

Hiện tại trên đất này, Bitexco công bố dự án đầu tư khu đô thị sinh thái trị giá lên đến 1,9 tỷ USD. Sẽ có trên 1.000 căn hộ thấp tầng, 18 tòa cao ốc, trường học, trung tâm thương mại... xây dựng.

Bitexco quảng cáo đây sẽ là một trong những khu đô thị sinh thái cuối cùng được xây dựng trong lòng Hà Nội. Khu đô thị này có công viên trung tâm rộng 7 ha và 5 công viên nhánh. Ngoài ra có thể thừa hưởng cảnh quan khu tưởng niệm Chu Văn An rộng khoảng 100 ha.

Biệt thự, chung cư ra đời cạnh những tuyến đường BT

cac du an bt tai ha noi anh 2
Khu đô thị "thẳng cánh cò bay" Dương Nội của Nam Cường. Ảnh: Hoàng Hà.

Tại dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu), theo hợp đồng BT, sau khi chuyển giao, Tập đoàn Nam Cường được sử dụng 174,23 ha đất để khai thác tạo vốn. 174,23 ha đất này được bố trí nay hình thành khu đô thị Dương Nội và một số khu đất khác dọc tuyến Lê Văn Lương.

Dự án nối từ đường vành đai 3 (Khuất Duy Tiến) và đường vành đai 4 có độ dài 7,8 km mặt cắt 40 m, vỉa hè rộng 6 m, chỉ giới xây dựng cho các công trình dọc tuyến đường tối thiểu là 10 m.

Ngay sai đó, Nam Cường đã công bố rót khoảng 7.600 tỷ đồng xây dựng khu đô thị mới Dương Nội với nhiều tiện ích, phân khu khác nhau. Dương Nội có biệt thự liền kề, chung cư cao tầng, công viên, bệnh viện, trường học.... Quy mô dân số khoảng 25.000-30.000 người.

Tương tự, Công ty cổ phần Tasco sau khi làm tuyến đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (dài 3,5 km) được Hà Nội đổi cho 70 ha đất tại khu đô thị Xuân Phương và đường Trần Duy Hưng.

cac du an bt tai ha noi anh 3
Tasco cũng được đối ứng hàng chục ha đất cạnh đường Xuân Phương - Lê Đức Thọ. Ảnh: Lê Hiếu.

Công ty cổ phần Tasco cũng công bố xây dựng khu đô thị sinh thái Xuân Phương Tasco với diện tích khoảng gần 50 ha với cao ốc, biệt thự liền kề tại đây, quy mô dân số khoảng 4.000 người.

Theo một số chuyên gia bất động sản, các con đường được làm theo hình thức BT đi ngang qua chính các khu đất được giao giúp tăng giá trị địa tô lên rất nhiều. Cả khu Dương Nội cũng như Xuân Phương trước kia chủ yếu là đất nông nghiệp. Khi hoàn thành các dự án giao thông, giá đất đã tăng lên gấp nhiều lần.

Các dự án chung cư của Nam Cường chào bán với giá khoảng 23-25 triệu đồng/m2, khu biệt thự lên tới 17-50 tỷ đồng/căn.

Tại khu đô thị Xuân Phương Tasco, giá bán đất biệt thự 35-50 triệu đồng/m2, giá bán căn hộ chung cư 17-25 triệu đồng/m2.

Nhà máy nước, công viên đổi lấy các khu đất "khủng"

Tại quận Hoàng Mai, Công ty Gamuda Land Việt Nam xây dựng 2 hạng mục là Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và Công viên Yên Sở (tổng số vốn khoảng 1,1 tỷ USD). Đổi lại, Gamuda Land được nhận khu đất gần 500 ha ngay cạnh công viên. Hiện tại khu đất đã được hình thành khu đô thị Gamuda City.

Sau khi nhận đất, Gamuda tuyên bố rót 5 tỷ USD đầu tư khu đô thị Gamuda City với nhiều hạng mục như biệt thự liền kề, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại... Đáng chú ý, khu đô thị trên lại được thừa hưởng tiện ích là chính công viên mới xây dựng và hồ Yên Sở sau khi nạo vét.

Giá bán căn hộ của Gamuda City khoảng 25-30 triệu đồng/m2, còn các căn biệt thự lên tới hàng chục tỷ đồng. Với vị trí giao thông thuận lợi, hạ tầng tốt, khu đô thị trên nhận được nhiều sự chú ý trên thị trường.

cac du an bt tai ha noi anh 4
Khu đô thị Gamuda City được đối ứng sau khi Gamuda Land thi công xây dựng Nhà máy nước Yên Sở. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tương tự, Công ty cổ phần Him Lam sau khi thi công nút giao thông tại trung tâm quận Long Biên được Hà Nội đổi cho tới 475 ha đất. Quỹ đất bao gồm: 20 ha tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), 320 ha tại các phường Long Biên, Cự Khối (quận Long Biên) và bổ sung thêm 135 ha ngoài bãi sông Hồng có khả năng khai thác.

Tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên có tổng chiều dài hơn 21 km, trong đó riêng đoạn thuộc địa phận Hà Nội dài 4,2 km. Dự án có trị giá khoảng 400 tỷ đồng. Hà Nội cũng dành nhiều khu đất "khủng" khoảng 63 ha tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) để làm vốn đối ứng thực hiện dự án.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm