Ảnh: Thomas J. Abercrombie/National Geographic. |
Con người, giống như tất cả động vật có vú, là những cỗ máy phát nhiệt; sống sót đồng nghĩa với việc phải liên tục hạ nhiệt, giống như loài chó thường thè lưỡi thở hổn hển. Vì thế, nhiệt độ môi trường cần ở mức thấp đủ để không khí hoạt động như một loại chất làm mát, hút nhiệt khỏi da để cơ thể tiếp tục hoạt động.
[...] Với nắng nóng trực tiếp, nhân tố quan trọng nhất được gọi là “nhiệt độ bầu ướt”, đo độ ẩm theo phương pháp kết hợp giống một bộ dụng cụ thí nghiệm tại nhà, đúng như tên gọi: nhiệt độ được ghi nhận trên nhiệt kế bọc trong tất ẩm khi nó treo lúc lắc trong không khí. Hiện tại, hầu hết khu vực đạt nhiệt độ bầu ướt tối đa 26 hoặc 27 độ Celsius; lằn ranh để có thể sinh sống được là 35 độ, vượt qua ngưỡng đó con người bắt đầu chết vì nóng. Chúng ta còn cách ranh giới 8 độ. Hiện tượng “căng thẳng nhiệt” sẽ xuất hiện sớm hơn nhiều.
Thật ra, chúng ta đang ở trong tình trạng đó rồi. Kể từ năm 1980, địa cầu đã trải qua sự gia tăng gấp 50 lần lượng sóng nhiệt nguy hiểm; lượng gia tăng lớn hơn sắp xảy đến.
Tính từ năm 1500, năm mùa hè nóng nhất ở châu Âu diễn ra bắt đầu từ năm 2002, và IPCC cảnh báo, tại nhiều khu vực trên toàn cầu, làm việc ngoài trời vào thời điểm đó trong năm cũng sẽ hại đến sức khỏe. Ngay cả khi đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận chung Paris thì hàng năm, các thành phố như Karachi và Kolkata vẫn phải đối mặt với nắng nóng chết người giống như những đợt từng khiến chúng tê liệt vào năm 2015, khi sức nóng giết chết hàng nghìn người tại Ấn Độ và Pakistan.
Ở mức bốn độ, đợt nắng nóng tại châu Âu vào năm 2003, giết chết tới 2.000 người mỗi ngày, sẽ trở thành mùa hè bình thường. Nó là một trong những sự kiện thời tiết tồi tệ nhất trong lịch sử lục địa này, giết chết 35.000 người dân châu Âu, trong đó có 14.000 người Pháp... [...]
Dĩ nhiên chúng ta từng trải qua những đợt nắng nóng chết người, như hè năm 1998 ở Ấn Độ đã giết chết 2.500 người. Gần đây, nhiệt độ tăng đột biến. Năm 2010, 55.000 người chết trong một đợt nắng nóng ở Nga, với 700 người thiệt mạng ở Moscow mỗi ngày.
Vào năm 2016, giữa một đợt nắng nóng tại Trung Đông kéo dài vài tháng, nhiệt độ ở Iraq đã phá vỡ mốc 100 độ Fahrenheit (37°C) vào tháng năm, 110 độ (43,3°C) vào tháng sáu, và 120 độ (48,8°C) vào tháng bảy, và hầu hết thời gian nhiệt độ hạ xuống dưới 100 độ là vào ban đêm. (Theo tạp chí The Wall Street Journal, một giáo sĩ Shiite ở Najaf tuyên bố sức nóng là kết quả của các cuộc tấn công điện từ của quân đội Mỹ lên nước này, và một số nhà khí tượng học liên bang đã đồng ý).
Năm 2018, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận vào tháng tư tại phía đông nam Pakistan. Tại Ấn Độ, một ngày nóng trên 95 độ Fahrenheit làm tăng tỷ lệ tử vong hàng năm lên ba phần tư phần trăm; năm 2016, có một chuỗi ngày đạt đỉnh 120 độ vào tháng năm. Tại Saudi Arabia, nơi nhiệt độ mùa hè thường đạt đến mốc đó, 700.000 thùng dầu được tiêu thụ mỗi ngày hè, chủ yếu để cung cấp năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí của nước này. [...]
Liệu môi trường sẽ nóng thêm bao nhiêu? Câu hỏi nghe có vẻ chuyên môn đầy khoa học và hấp dẫn, nhưng câu trả lời gần như hoàn toàn mang tính con người - cũng có thể nói là mang tính chính trị. Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa khó đoán; sự không chắc chắn làm cho nó trở thành mối đe dọa thay đổi hình thức. Khi nào địa cầu sẽ nóng lên hai độ, và khi nào là ba? Mực nước biển sẽ đạt mức nào vào năm 2030, 2050, và 2100, khi con cái của chúng ta để lại hành tinh cho con cháu của chúng? Những thành phố nào sẽ bị ngập, những khu rừng nào sẽ khô cằn, những vựa ngũ cốc nào sẽ chỉ còn vỏ trấu?
Sự không chắc chắn kia là một trong những câu chuyện quan trọng nhất mà biến đổi khí hậu đem đến cho nền văn hóa của chúng ta trong những thập kỷ tới - một sự mù mờ kỳ lạ về việc thế giới chúng ta đang sống liệu sẽ như thế nào, chỉ một hoặc hai thập kỷ nữa, khi chúng ta vẫn sống trong cùng ngôi nhà đó, trả cùng một khoản thế chấp, xem cùng các chương trình truyền hình, và ra lời kêu gọi tới cùng những vị thẩm phán ở Tòa án Tối cao.
Nhưng, trong khi có một số điều giới khoa học chưa hiểu rõ về cách hệ thống khí hậu phản ứng lại với toàn bộ lượng carbon chúng ta đã bơm vào bầu không khí, thì sự không chắc chắn của những điều sẽ xảy ra - một sự không chắc chắn đầy ám ảnh - xuất hiện không phải do thiếu kiến thức khoa học, mà bị lấn át bởi câu hỏi mở về cách phản ứng của chúng ta.
Chủ yếu là chúng ta quyết định phát thải thêm bao nhiêu carbon, đây không phải một câu hỏi dành cho ngành khoa học tự nhiên, mà là cho loài người. Hiện nay, các nhà khí hậu học có thể dự đoán với độ chính xác khó tin về nơi một cơn bão sẽ đổ bộ, và cường độ của nó, trước khoảng một tuần; điều này không chỉ bởi vì các mô hình được thực hiện tốt mà còn nhờ tất cả các thông số đầu vào đều rõ ràng. Khi nói đến hiện tượng nóng lên toàn cầu, các mô hình cũng tốt như vậy, nhưng thông số đầu vào lại chính là một bí ẩn: Liệu chúng ta sẽ làm gì?