Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, việc đi lại bằng đường hàng không ngày càng an toàn hơn nhờ phương pháp, nguyên liệu chế tạo máy bay và quy trình, thiết bị an toàn. Theo thống kê, từ những năm 1970 đến nay, số hành khách đi máy bay tử nạn hàng năm đã giảm từ 1.800 người xuống còn 500 người. Tuy nhiên, những vụ máy bay gặp nạn hy hữu hay đột nhiên biến mất không rõ nguyên nhân luôn là tâm điểm của truyền thông thế giới.
Dưới đây là 10 dòng máy bay dân dụng kém an toàn nhất đang hoạt động.
10. Tupolev 154
Số vụ tai nạn gây chết người: 7
Kể từ khi ra đời vào đầu những năm 1970, máy bay Tupolev 154 được xem là “con ngựa thồ” của ngành công nghiệp hàng không Nga và thời đại Xô Viết. Từng là dòng máy bay chở khách chính của Nga, Tu-154 nổi tiếng là chuyên cơ khỏe, được chế tạo để vận hành trong môi trường khách nghiệt và ít cần bảo trì. Với tốc độ bay 850km/h, Tu-154 là một trong những máy bay chở khách nhanh nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nó đã bị cấm bay qua một số vùng vì gây ra tiếng ồn quá lớn.
Trong thập kỷ vừa qua, có tổng cộng 7 vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay Tu-154. Trong đó, trường hợp thảm khốc nhất là 2 vụ xảy ra vào năm 2006 và 2009 với con số hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng lần lượt là 170 và 168. Hiện nay, khoảng 12 chiếc máy bay Tu-154 vẫn được sử dụng.
9. Antonov 32
Số vụ tai nạn gây chết người: 7
Chiếc máy bay cánh quạt từ thời Xô Viết này đi vào hoạt động từ năm 1976. Được chế tạo để phục vụ trong điều kiện thời tiết khó khăn với động cơ cực khỏe, An-32 nổi tiếng với khả năng cất cánh và bay tại những vùng nhiệt đới và địa hình đồi núi. Với sức chứa 50 hành khách và tốc độ bay đạt 470km/h, An- 32 đã trở thành dòng máy bay được các tổ chức quân đội trên toàn thế giới tin dùng. Ngoài ra, An- 32 cũng được các công ty nhỏ có trụ sở tại Angola, Libya, và Philippines sử dụng.
Không giống như dòng Tu-154, các vụ tai nạn của máy bay An- 32 thường gây hậu quả ít nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như trong vụ chiếc An- 32 của Sudan bốc cháy vào năm 2008 khi đang hạ cánh ở Maldova, chỉ có 8 người trên khoang bị tử vong.
8. Antonov 28
Số vụ tai nạn gây chết người: 8
Dòng máy bay đường ngắn với động cơ kép này được đưa vào sử dụng từ năm 1986. An-28 là dòng phi cơ nhỏ chở được 15 hành khách trên quãng đường 500km. Với khả năng cất cánh và hạ cánh nhanh, máy bay An-28 là lựa chon lý tưởng để chuyên chở người và hàng hóa trên những chặng ngắn, bị cô lập mà máy bay cỡ lớn không thể tiếp cận được. Mặc dù có những điểm ưu việt như vậy, hiện chỉ có 6 hãng hàng không dân dụng và 4 tổ chức quân sự dùng dòng máy bay này, hầu hết là tại các nước Liên Xô cũ hoặc nước đồng minh trước đây.
Trong một thập kỷ vừa qua, có tổng cộng 8 tai nạn chết người xảy ra với máy bay An-28. Trong đó, trường hợp xấu nhất vào năm 2005 gây ra cái chết của 27 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
7. Boeing 737
Số vụ tai nạn gây chết người: 10
Đi vào hoạt động từ năm 1968, Boeing 737 là dòng máy bay chở khách được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Những chiếc Boeing 737 mới sản xuất có thể chở 215 hành khách, bay với tốc độ 800km/h trên quãng đường tối đa 10.000km. Những chiếc cũ hơn như 737–100 và 737–200 được trang bị động cơ JT8D và bay ổn định ở tốc độ 780km/h trên phạm vi tối đa là 4.000km.
Những máy bay đời cổ này không còn được các hãng hàng không lớn ở nước phát triển sử dụng, nhưng vẫn “bay nhiệt tình” cho các hãng nhỏ, đặc biệt ở nước kém phát triển hơn. Không ngạc nhiên khi Boeing 737 nằm trong danh sách này bởi nó phải bay trong điều kiện khó khăn với quy tắc an toàn yếu kém. Một trong những vụ tai nạn gần đây nhất là của chiếc 737-200 xảy ra năm 2012, gây ra cái chết của 127 người.
6. DC-9/MD-80
Số vụ tai nạn gây chết người: 10
McDonnell Douglas DC-9 là dòng máy bay có động cơ kép được chế tạo từ năm 1965 để phục vụ cho những chặng ngắn thường xuyên. DC-9 bay ổn định ở tốc độ 900km/h với sức chứa 135 hành khách trên quãng đường tối đa là 3.000km. MD-80 ra mắt năm 1980, là phiên bản được nâng cấp của DC-9 với khả năng chuyên chở lên đến 170 hành khách trên phạm vi 4.600km. Giống như Boeing 737, dòng MD-80 rất phổ biến và vẫn được sử dụng rộng rãi ở nhiều hãng hàng không từ American Airlines đến Mali Airlines.
Trong một thập kỷ vừa qua, cũng giống như 737, việc vận hành MD-80 trong điều kiện khí hậu cực đoan hay ở các nước đang phát triển thường gặp phải nhiều tai nạn hơn. Năm 2012, chuyến bay của Nigeria, do mất năng lượng ở cả hai động cơ, đã đâm vào một khu dân cư ở Lago, khiến toàn bộ 153 người trên máy bay và 10 cư dân thiệt mạng.
5. CASA C-212
Số vụ tai nạn gây chết người: 11
Ra mắt vào năm 1974, dòng máy bay dùng tua-bin phản lực cánh quạt C-212 phù hợp với những chặng ngắn. Đây là lựa chọn số một khi phải hạ cánh ở những đường băng bị cô lập. Dòng phi cơ này hiện được hơn 36 tổ chức quân sự trên toàn thế giới và hơn 12 hãng hàng không dân dụng (chủ yếu có trụ sở tại Mỹ), sử dụng.
Với sức chứa 26 hành khách và phạm vi bay là 1.800 km, C-212 được tin dùng bởi quân đội các nước. Mặc dù được chế tạo để bay trong điều kiện khắc nghiệt, máy bay C-212 gặp phải nhiều tai nạn. Trong năm 2011, bốn chiếc C-212 đã gặp tai nạn chết người, trong đó 2 vụ ở Indonesia, một vụ ở Canada và 1 vụ ở Chile. Tổng số người thiệt mạng trong cả bốn vụ là 45.
4. Antonov 12
Số vụ tai nạn gây chết người: 17
Antonov 12 là dòng máy bay cánh quạt từ thời Xô Viết được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân dụng từ năm 1959. Với sức chứa tối đa 85 hành khách, An-12 bay ổn định ở tốc độ 670km/h trên quãng đường 3.600km.
Mặc dù có sức chứa 85 hành khách nếu được vận hành đúng cách nhưng mục đích chính của An-12 là chuyên chở hàng hóa. Trong suốt một thập kỷ vừa qua, nhiều tai nạn chết người đã xảy ra với dòng máy bay này. Gần đây nhất là chiếc An-12 gặp nạn ở gần Irkutsk, Nga, khiến 9 người tử vong. Năm 2006, phiên bản sao chép của An-12 với tên Shaanxi Y-8 gặp tai nạn gây ra cái chết của 40 người.
3. Ilyushin 72
Số vụ tai nạn gây chết người: 17
Ra mắt vào năm 1974, Il -76 là dòng thay thế của An-12. Ngoài việc có đến 4 động cơ, Il- 76 lớn hơn An-12 về sải cánh và chiều dài. Dòng máy bay này có thể chở khoảng 40 đến 60 tấn trên quãng đường 4.300km, thậm chí vẫn có thể tiếp tục bay khi bị dính tên lửa và bị bắn bởi súng máy hạng nặng tại Afghanistan. Khả năng chịu đựng cao khiến máy bay Il-76 được nhiều quốc gia sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân dụng. Những nước hiện sử dụng Il-76 bao gồm Nga, Ukraina, Trung Quốc và Liên hợp quốc.
Với danh tiếng như vậy, bạn có thể bất ngờ khi thấy Il-76 xuất hiện trong danh sách này. Tuy nhiên, những tai nạn với dòng phi cơ này xảy ra khá thường xuyên. Tồi tệ nhất là vụ năm 2003 khi chiếc Il-76 của Iran khiến 275 người tử vong bao gồm cả binh lính quân đội. Gần đây, một máy bay Il-76 gặp nạn ở Brazzaville gây ra cái chết của 37 người trên máy bay và 26 người dưới mặt đất.
2. DeHavilland Twin Otter
Số vụ tai nạn gây chết người: 19
DeHavilland Twin Otter là dòng máy bay đường ngắn có khả năng cất và hạ cánh nhanh, được Canada cho ra mắt lần đầu tiên vào năm 1966 và vẫn còn phổ biến đến tận ngày nay. Với sức chứa 19 hàng khách, dòng máy bay này cực kì linh hoạt. Được trang bị cầu phao, ván trượt và nhiều loại bánh khác nhau giúp DeHavilland Twin Otter có thể hạ cánh ở nhiều bề mặt. Dòng phi cơ này bay ổn định ở tốc độ 280km/h trên quãng đường khoảng 1.400km mà không cần bình nhiên liệu dự trữ.
Ngoài mục đích dân dụng, dòng máy bay DeHavilland Twin Otter còn được dùng với mục đích quân sự trên toàn thế giới và được sử dụng rộng rãi ở những nước có địa hình đồi núi cũng như các đường băng ngắn. Sự cố chết người gần đây nhất là vào tháng 2/2014, khi chiếc Twin Otter của hãng hàng không Nepal gặp nạn khiến 18 người trên khoang tử vong. Tai nạn thảm khốc nhất trong một thập kỷ vừa qua đối với dòng Twin Otter xảy ra khi một máy bay lao xuống rừng, khiến 22 người thiệt mạng.
1. LET L-410
Số vụ tai nạn gây chết người: 20
Đứng vị trí số 1 trong danh sách này là dòng máy bay L-410 của Tiệp Khắc ra đời từ năm 1970. Với khả năng cất, hạ cánh nhanh và sức chứa 19 hành khách, máy bay L-410 có thể bay ổn định ở tốc độ 365km/h trên phạm vi không quá 1.400km. Có khoảng vài trăm chiếc L-410 hiện vẫn hoạt động, đặc biệt là ở các nước Liên Xô cũ, châu Phi và Mỹ La tinh. L-410 cũng khá phổ biến với cộng đồng những người mê môn thể thao Skydiving (môn thể thao nhảy ra từ máy bay và biểu diễn khi để rơi tự do một lúc lâu rồi mới bung dù).
Trong suốt 10 năm qua, L-410 gặp rất nhiều sự cố mà đa số là những tai nạn chết người. Vụ lạ lùng nhất tính đến nay có lẽ là tai nạn vào tháng 8/2010 tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo, khi hành khách chạy tán loạn trên máy bay vì một chú cá sấu trong cabin bị sổng ra ngoài. Kết cục là 20 người tử vong trong khi chú cá sấu vẫn sống sót.