Tiền mặt luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động liên tục của mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh diễn phiến phức tạp như quý I, nguồn tiền tích lũy từ những năm trước đó trở thành dòng tiền chính duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trên thị trường hiện nay có hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp đủ tiềm lực để sở hữu lượng tiền mặt trên 1 tỷ USD trong tài khoản.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện là doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết.
Tính đến cuối tháng 3, riêng tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của doanh nghiệp này đã đạt trên 32.900 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm (tiền và các khoản tương đương tiền tăng 130 tỷ đồng; tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng tăng 1.500 tỷ đồng).
Lượng tiền này chiếm tới 56% tổng tài sản doanh nghiệp (trên 58.700 tỷ đồng) đến cuối quý I.
ACV lãi hàng tỷ đồng mỗi ngày nhờ lượng tiền mặt xấp xỉ 1,4 tỷ USD (cuối quý I/2020). Ảnh: Hoàng Hải. |
Cũng nhờ khoản tiền mặt xấp xỉ 1,4 tỷ USD nói trên, lãi tiền gửi ngân hàng trong quý I của ACV cũng là gần 540 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Bình quân trong quý I vừa qua, mỗi ngày doanh nghiệp này thu gần 6 tỷ đồng chỉ từ lãi tiền gửi.
Thực tế những năm trước đó, ACV luôn duy trì lượng tiền mặt trên dưới 50% tài sản doanh nghiệp. Cũng chính hàng chục nghìn tỷ tiền mặt này mỗi năm đều đặn mang về cho công ty hàng nghìn tỷ tiền lãi mà không cần hoạt động kinh doanh.
Giữa lúc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, lãnh đạo ACV cũng cho biết lợi nhuận năm 2020 sẽ chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng từ dòng tiền tích lũy nói trên. Tuy nhiên công ty dự tính, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi cũng sẽ giảm trong năm 2020 này.
Cùng nắm giữ trên 1 tỷ USD tiền mặt giữa đại dịch là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas). Đây cũng là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn thứ 2 trong số các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.
Cụ thể, tổng lượng tiền mặt của doanh nghiệp này hiện ở mức 31.169 tỷ đồng, tương đương 48% tổng tài sản. So với đầu năm, con số này đã tăng gần 1.800 tỷ đồng, tương ứng 6%. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng 800 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng tăng gần 1.000 tỷ đồng.
Cũng nhờ lượng tiền mặt khổng lồ này, riêng quý I, PV Gas đã thu về gần 365 tỷ đồng tiền lãi, tương đương mỗi ngày thu về 1 tỷ đồng. Tuy vậy, do mặt bằng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng có xu hướng giảm trong quý nên khoản tiền lãi nói trên đã giảm 5% so với cùng kỳ.
Trong những năm trước, hơn 1 tỷ USD tiền mặt nói trên đều đặn mang về về cho PV Gas trên dưới 1.500 tỷ đồng tiền lãi.
Lượng tiền mặt của Vinamilk hiện đã lên tới 15.750 tỷ đồng, tăng 650 tỷ đồng (4%) so với đầu năm. Trong những năm trước, Vinamilk thường xuyên nằm trong nhóm sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất. Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, khoản tiền khổng lồ nói trên là nguồn tiền để chuẩn bị cho những thương vụ mua bán và sáp nhập mở rộng hoạt động kinh doanh theo kế hoạch.
Mới nhất Vinamilk cũng đã chi hàng nghìn tỷ để thâu tóm GTNFoods – công ty mẹ của sữa Mộc Châu cuối năm 2019.
Tiền mặt đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong mùa dịch, điều này thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý I của Vingroup.
Đầu năm 2020, tập đoàn này nắm giữ 18.447 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng với 1.663 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi dưới 12 tháng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khoản tiền mặt của tập đoàn này đã giảm xuống còn 11.901 tỷ đồng cuối quý I, giảm 40%. Tập đoàn này cũng thừa nhận, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn thu quý I không tốt, trong khi vẫn phải trang trải các khoản chi phí phát sinh.
Trong quý I, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng duy trì lượng tiền mặt trên 10.000 tỷ đồng trong tài khoản bao gồm Petrolimex (15.046 tỷ đồng); Sabeco (13.272 tỷ đồng); VEAM (13.099 tỷ đồng)… Tuy nhiên, số dư tiền cuối quý I của các doanh nghiệp này đều có xu hướng giảm so với đầu năm.