Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điều kỳ thú từ Wimbledon

Wimbledon, nơi tổ chức giải quần vợt trên mặt sân cỏ danh giá nhất thế giới, cũng là nơi hái ra tiền không thua gì các CLB bóng đá nhờ có cả triệu du khách đến thưởng ngoạn.

Những điều kỳ thú từ Wimbledon

Wimbledon, nơi tổ chức giải quần vợt trên mặt sân cỏ danh giá nhất thế giới, cũng là nơi hái ra tiền không thua gì các CLB bóng đá nhờ có cả triệu du khách đến thưởng ngoạn.

Những điều kỳ thú từ Wimbledon

Bạn sẽ không thể tin nổi con đường Church dẫn đến cụm sân quần vợt khổng lồ Wimbledon lại ngoằn ngoèo và nhỏ hẹp chỉ đủ hai làn xe chạy không khác gì những con đường nhỏ ở phố cổ Hội An. Vì vậy thật khó để hiểu nổi làm sao họ có thể giải quyết cả trăm ngàn người đến xem thi đấu mà không bị ùn tắc giao thông.

Chuyên nghiệp bắt đầu từ chỗ đậu xe

Điều này khiến các nhà tổ chức ở Wimbledon hãnh diện vì chưa có ai than phiền, bởi họ đã tính toán chi li sức chứa của các sân đấu để thông báo việc đặt chỗ trước ở bãi giữ xe. Và những người đã mua vé đậu xe cũng được hướng dẫn chi tiết đường đến các khu vực đậu xe tiết kiệm thời gian nhất. Ai không nhanh tay đặt chỗ đậu xe trước chỉ còn cách sử dụng xe buýt và tàu điện ngầm.

Có lẽ đây là một kinh nghiệm đáng quý cho các nhà tổ chức các sự kiện lớn của VN, vì tất cả chỉ nghĩ đến chuyện bán vé xem trận đấu chứ chưa ai nghĩ đến chuyện đặt chỗ cho việc đậu xe. Nhưng đó lại chính là khâu quyết định trong việc giải quyết ùn tắc giao thông khi có một sự kiện lớn, hấp dẫn được tổ chức ở một nơi khá nhỏ hẹp như Wimbledon.

Cái giá của buổi tham quan Wimbledon

Với giá vé 15,5 bảng Anh (khoảng 420.000 đồng) thăm Viện bảo tàng quần vợt Wimbledon và tham quan các sân thi đấu, có lẽ bạn sẽ thắc mắc quần vợt có gì hay mà phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tham quan?

Tôi cũng thầm nghĩ như thế. Nhưng khi bước vào Viện bảo tàng Wimbledon, tôi mới thấy giá của chiếc vé chẳng là bao so với việc thu thập tư liệu, hiện vật để xây dựng một bảo tàng rất ấn tượng từ thiết kế ánh sáng nhằm tạo sự tập trung cho khách tham quan đến việc tận dụng công nghệ điện ảnh hiện đại để minh họa sự phát triển quần vợt chuyên nghiệp ngày nay.

Những cây vợt gỗ đầu tiên vừa nặng vừa dài như cái xẻng xúc đất được cải tiến dần nhờ sự sáng tạo công nghệ composite, rồi đến công nghệ nano với thiết kế đẹp hơn về mẫu mã, trọng lượng nhẹ hơn mười lần được trưng bày cạnh nhau dễ làm người xem thán phục những người mở đường môn quần vợt... Gây ngạc nhiên nhất chính là bộ trang phục của các tay vợt nữ vào những năm 1880 có trọng lượng 2,9-4,1kg. Bộ trang phục này không khác gì bộ đầm dự dạ hội, gò bó đến nỗi vào thập niên 1920 các nhà thiết kế thời bấy giờ phải bỏ bộ áo lót để các tay vợt nữ có thể thoải mái hơn khi đánh bóng.

Wimbledon cũng chứng tỏ nét bảo thủ của người Anh thông qua sắc trắng bắt buộc của trang phục thi đấu. Trải qua hơn 100 năm, màu trắng sang trọng trên thảm cỏ xanh ở Wimbledon gần như là một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa truyền thống bảo thủ, khắt khe về luật của một giải Grand Slam lâu đời nhất thế giới, đồng thời tạo cho Wimbledon một nét riêng biệt độc đáo và duy nhất trong thế giới quần vợt hiện nay.

Một ấn tượng nổi bật khác là rạp hát trong Viện bảo tàng Wimbledon. Đây là rạp chiếu phim đặc biệt trên thế giới có màn ảnh vòng cung rộng 200 độ. Ban tổ chức đã sử dụng trận đấu năm 2005 giữa Maria Sharapova và tay vợt người Tây Ban Nha Nuria Llagostera Vives để dựng thành một phim khoa học về quần vợt “đẹp đến từng centimet”.

Nó giúp người xem thưởng thức từng cú smash, từng cú phát bóng, đỡ bóng tuyệt đẹp và còn được các nhà khoa học, bác sĩ minh họa hơn 20 cuộc phân tích tác động của cơ thể và tác động của các dụng cụ như vợt, giày, quần áo của một tay vợt chuyên nghiệp hiện đại đến hiệu quả của từng cú đánh như thế nào thông qua các hình ảnh 3D vô cùng hấp dẫn.

Wimbledon 2009 có gì mới?

Theo cô Karen, hướng dẫn viên chuyên nghiệp được Liên đoàn Quần vợt Anh hợp đồng cho các chương trình tour tại Wimbledon, cho biết điểm mới nhất, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất là kể từ năm 2009, các trận đấu bán kết và chung kết tại giải Wimbledon sẽ không còn bị gián đoạn khi trời mưa bởi sân trung tâm của Wimbledon đã hoàn thành một mái che lớn nhất thế giới. Ngay Karen cũng bất ngờ khi 15.000 vé vào cửa dành cho buổi lễ khánh thành mái che này được tổ chức giữa tháng 5-2009 đã được bán hết trong vòng 5 phút.

Các nhà tổ chức giải Wimbledon rất hãnh diện vì với kinh phí 100 triệu bảng Anh, họ đã xây dựng được chiếc mái che có diện tích khổng lồ 5.200m2 sẽ phủ kín sân đấu trung tâm trong 10 phút. Và việc cộng thêm 30 phút để hệ thống điều hòa không khí trên sân ổn định là các tay vợt có thể quần nhau đến điểm số cuối cùng, mà không còn lo lắng về kết quả trận đấu bị thay đổi do trời mưa.

Việc bảo dưỡng mặt sân cỏ ở Wimbledon cũng là điểm sáng hiếm thấy. Các nhân viên bảo vệ sân không bao giờ dám chạy vào sân để đuổi các con chim bồ câu đáp xuống mặt cỏ. Họ chỉ đứng ở rìa sân thực hiện nhiều hành động để xua đuổi đàn chim bay đi. Trách nhiệm giữ gìn sân cỏ mượt mà, không một khoảng lõm nào trên sân đấu của các nhân viên phục vụ ở Wimbledon làm hầu hết khách tham quan không giấu được những tiếng cười ồ thán phục.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm