Các nhà khoa học Nam Phi hôm 25/11 phát hiện một biến chủng Covid-19 mới mang tên B.1.1.529. Chủng virus này là sự kết hợp bất thường của nhiều đột biến, dấy lên lo ngại virus sẽ có khả năng xâm nhập hệ miễn dịch tốt hơn, cũng như dễ lây lan hơn trong cộng đồng.
“Thật không may, chúng tôi đã tìm thấy một biến chủng mới đáng lo ngại ở Nam Phi”, giáo sư Tulio de Oliveira, chuyên gia virus học hàng đầu Nam Phi, nói. “Biến chủng này làm chúng tôi bất ngờ. Đây là một bước tiến triển lớn của virus”.
Cho đến nay, Nam Phi, Botswana và Hong Kong là những nơi đã ghi nhận các ca dương tính với chủng virus mới. Nếu B.1.1.529 thực sự có khả năng kháng vaccine hay có tốc độ lan truyền nhanh hơn biến chủng Delta, biến chủng này sẽ gây ra mối đe dọa lớn khi thế giới dần bước ra khỏi đại dịch.
Sự lây lan đáng lo ngại
Các kết quả thí nghiệm ban đầu cho thấy virus đang lây lan nhanh chóng ở tỉnh Gauteng, Nam Phi. Một số nhà khoa học tin tưởng 90% ca mắc mới Covid-19 tại địa phương trên nhiễm biến chủng B.1.1.529. Chủng virus trên nhiều khả năng đã lan ra 8 tỉnh còn lại của quốc gia này, theo Guardian.
Ngày 25/11, Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi (NICD) thông báo nước này ghi nhận 2.465 ca mắc mới Covid-19, gần gấp đôi con số của ngày trước đó. NICD chưa khẳng định nguyên nhân của đợt bùng phát mới là biến chủng B.1.1.529. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học tin vào khả năng này. Nam Phi đã phát hiện khoảng 100 mẫu bệnh phẩm dương tính với biến chủng B.1.1.529.
Nam Phi đang là quốc gia ghi nhận số bệnh nhân mắc biến chủng B.1.1.529 nhiều nhất thế giới. Ảnh: Guardian. |
Ngoài ra, các ca bệnh còn được phát hiện ở Botswana và Hong Kong. Ca bệnh tại Hong Kong đến đặc khu hành chính này từ Nam Phi ngày 11/11 và được phát hiện dương tính với Covid-19 ngày 15/11.
Lo ngại trước sự lây lan của biến chủng mới, Anh áp đặt lệnh cấm bay đối với Nam Phi và 5 quốc gia láng giềng (Namibia, Lesotho, Botswana, Eswatini và Zimbabwe) từ trưa 26/11.
Vùng Scotland yêu cầu toàn bộ người đến từ các quốc gia trên phải tự cách ly và xét nghiệm PCR hai lần. Những ai đến Scotland sau 4 giờ sáng ngày 27/11 sẽ phải cách ly tại khách sạn.
Ngoài ra, những người đến Anh trong những ngày qua sẽ được truy vết và đề nghị xét nghiệm để tránh gây ra chuỗi lây nhiễm mới.
Israel cũng ban hành lệnh cấm công dân đến khu vực phía Nam châu Phi, bao gồm 6 quốc gia trong danh sách cấm bay của Anh và Mozambique. Những du khách nước ngoài từ các nước này cũng bị cấm nhập cảnh.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đề nghị “chuẩn bị cho khả năng dừng toàn bộ chuyến bay đi và đến từ các quốc gia này đến Israel, hoặc một phương án khác để ngăn chặn chủng virus mới lan đến Israel”, Times of Israel đưa tin.
Nhiều dạng đột biến
Giới khoa học Nam Phi cho biết B.1.1.529 là biến chủng đáng sợ nhất mà họ phải đối mặt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Chủng virus này có tổng cộng 50 đột biến, theo giáo sư De Oliveira. Trong đó, 32 đột biến được phát hiện ở protein gai, gấp đôi so với biến chủng Delta.
Đột biến ở protein gai có thể tác động tới khả năng lây lan và độc lực của virus, cũng như khiến hệ miễn dịch gặp thêm khó khăn khi tấn công các mầm bệnh này.
Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện tới 32 đột biến ở protein gai của biến chủng B.1.1.529. Ảnh: BBC. |
Trong miền liên kết thụ thể (RBD) của biến chủng B.1.1.529, các nhà khoa học phát hiện 10 đột biến, gấp 5 lần biến chủng Delta. RBD là bộ phận đầu tiên của virus tiếp xúc với tế bào, giúp virus tấn công và giành quyền kiểm soát.
Theo giới khoa học, nhiều đột biến trong số này có khả năng đến từ chỉ một bệnh nhân.
Virus chứa nhiều dạng đột biến chưa hẳn là tin xấu. Các nhà khoa học cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ cơ chế hoạt động của chúng. Tuy vậy, qua nhiều lần biến đổi, các chủng virus mới khác biệt đáng kể so với virus gốc, gây ra nguy cơ suy giảm hiệu quả của vaccine.
Một số đột biến trong chủng B.1.1.529 từng xuất hiện ở các chủng khác, giúp các nhà khoa học có thể dự đoán phần nào về mối nguy hiểm của virus. Ví dụ, đột biến N501Y được xác định làm tăng khả năng lây lan của virus trong cộng đồng.
Tuy vậy, từng có nhiều chủng virus có vẻ nguy hiểm trên lý thuyết, nhưng không gây ra nhiều tác động trên thực tế. Nam Phi là quốc gia hiểu rõ điều này.
Đầu năm 2021, mối lo ngại lớn nhất của cộng đồng quốc tế là biến chủng Beta, cũng xuất phát từ Nam Phi. Tuy nhiên, chủng Beta sớm bị biến chủng Delta áp đảo chỉ sau một vài tháng.
“Biến chủng Beta chỉ có sức chống chọi tốt hơn với hệ miễn dịch. Trong khi đó, chủng Delta vừa có khả năng kháng hệ miễn dịch, vừa có khả năng lây lan mạnh”, giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge giải thích.