Cơ quan Y tế Hong Kong tối 25/11 cho biết phân tích trình tự bộ gene đã xác nhận nam bệnh nhân 36 tuổi - đến từ Nam Phi - và một vị khách khác xét nghiệm dương tính sau người này vài ngày đều mắc biến chủng B.1.1.529, theo South China Morning Post.
Biến chủng mới này - dự kiến được gọi là “Nu” theo cách đặt tên các biến chủng toàn cầu dựa trên bảng chữ cái Hy Lạp - được phát hiện đầu tiên ở Botswana. Ngoài 2 ca nhiễm ở Hong Kong, chỉ có 9 trường hợp khác được xác định trên toàn thế giới cho tới nay, với 3 ca nhiễm ở Botswana và 6 bệnh nhân tại Nam Phi.
Mặc dù khả năng lây nhiễm của biến chủng mới vẫn chưa được xác định, một số nhà khoa học cho rằng nó có thể thực sự đáng lo ngại vì “số lượng đột biến cao bất thường”.
Các nhà khoa học cảnh báo biến chủng mới rất đáng lo ngại vì một số đột biến có thể giúp virus tránh được khả năng miễn dịch. Ảnh: Alamy. |
Biến chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai, so với 13-17 đột biến được ghi nhận ở biến chủng Delta. Các nhà khoa học Nam Phi hôm 25/11 lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về biến chủng này, đổ lỗi cho B.1.1.529 đã khiến ca nhiễm bùng phát trở lại ở nước này.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết biến chủng mới gây "lo ngại nghiêm trọng" và là nguyên nhân khiến ca nhiễm hàng ngày tăng "theo cấp số nhân".
Nam Phi hôm 24/11 ghi nhận thêm hơn 1.200 ca mắc Covid-19, tăng 12 lần so với 100 ca hồi đầu tháng.
Theo South China Morning Post, bệnh nhân đầu tiên ở Hong Kong được phát hiện nhiễm biến chủng B.1.1.52 đến từ Nam Phi hôm 11/11. Người này cách ly tại khách sạn Regal Airport và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hôm 15/11.
Một vị khách 62 tuổi - đến từ Canada - ở phòng đối diện với bệnh nhân trên - cũng xét nghiệm dương tính 5 ngày sau đó.
Sau các trường hợp trên, giới chức trách đã yêu cầu toàn bộ khách trong 12 phòng khác cùng tầng cách ly thêm 14 ngày. Tới nay, chưa có ca nhiễm mới liên quan nào được ghi nhận.
Trước khi việc nhiễm biến chủng mới được xác nhận hôm 25/11, trường hợp bệnh nhân 36 tuổi nói trên đã gây chú ý trên truyền thông liên quan tới chiếc khẩu trang có van khí được người này sử dụng nhiều lần khi nhận đồ ăn và đổ rác.
Van khí của loại khẩu trang nói trên chỉ có tác dụng lọc khí đi vào chứ không lọc khí đi ra. Chuyên gia sinh vật học hàng đầu Hong Kong Yuen Kwok-yung gọi loại khẩu trang đó là “ích kỷ”.
Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe (CHP) Hong Kong sau đó đã thông báo những người ở trong bất kỳ khách sạn nào được chỉ định làm nơi cách ly của thành phố sẽ không còn được phép đeo khẩu trang có van khí kể từ ngày 25/11. Thay vào đó, mọi người phải đeo khẩu trang y tế khi mở cửa phòng để lấy đồ ăn và đổ rác.