Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19/8/1945, quần chúng nhân dân đã lần lượt chiếm Bắc Bộ phủ, Trại Bảo an, Sở Mật thám, Sở Bưu điện…
Ngoài ra, các trụ sở do chính phủ Trần Trọng Kim quản lý như Tòa thị chính, Sở Kho bạc, Sở Cảnh sát trung ương… cũng lần lượt nằm trong tay quần chúng nhân dân.
Các địa danh Bắc Bộ phủ (Phủ Khâm sai Bắc bộ), Trại Bảo an, Sở Bưu điện đã quen thuộc với mọi người, do lưu giữ được nhiều bức ảnh tư liệu. Tuy nhiên, có những địa danh như Sở Mật thám, Sở Kho bạc, do sau này không còn giữ chức năng cũ, nên ít người biết các công trình đó nằm ở đâu.
Chiếm Phủ Khâm sai Bắc bộ. Ảnh tư liệu. |
Cuốn Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875-1975) do nhóm tác giả thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và Trường Viễn Đông Bác cổ, Lưu trữ Quốc gia Pháp biên soạn (NXB Thế giới, 2014) đã giới thiệu tới công chúng 53 bản vẽ thiết kế và 23 bức ảnh minh họa của 32 công trình kiến trúc tiêu biểu cho các di sản kiến trúc của Hà Nội thời thuộc địa.
Trong 32 công trình này, có những địa danh nổi tiếng liên quan trực tiếp đến cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử của dân tộc.
Công trình Trại Bảo an binh là địa điểm quan trọng nhất của cuộc cách mạng tháng Tám, vì nơi đây tập trung 1.000 lính bảo an có trang bị đầy đủ vũ khí. Theo hồi ký của Đại tướng Nguyễn Quyết, tại trại này, quần chúng nhân dân và lực lượng tự vệ đã phải đấu tranh, thuyết phục rất vất vả, thậm chí gây áp lực với người chỉ huy bảo an binh tên là Thụ, ông ta mới chấp nhận đầu hàng và giao nộp kho vũ khí cho cách mạng.
Theo nội dung cuốn sách, trại Bảo an binh nguyên là trại Lính khố xanh, được xây dựng trên đại lộ Đồng Khánh (nay là phố Hàng Bài). Theo các bản vẽ lưu trữ tại cơ quan lưu trữ Việt Nam, một số khu nhà trong trại đã được xây dựng trước năm 1895. Từ năm 1895 đến 1903, một số hạng mục công trình được xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Henri Vildieu. Từ năm 1923 đến 1944, một số tòa nhà đã được xây dựng và mở rộng thêm làm nơi ở và sinh hoạt của lính bảo an của chính phủ Nam triều.
Cổng trại Bảo an binh, nay vẫn còn tại số 40A phố Hàng Bài, Hà Nội. |
Công trình Trại Bảo an binh sau này là nơi làm việc của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Dấu tích còn lại của công trình này là chiếc cổng xây kiểu truyền thống, dẫn vào số 40A phố Hàng Bài. Hiện một số cơ quan thuộc Bộ đội Biên phòng cũng đang làm việc tại đây.
Tại Phủ Thống sứ Bắc kỳ, trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, ông Nguyễn Xuân Chữ, đại diện Ủy ban Giám đốc chính trị miền Bắc đã yêu cầu 50 lính bảo an buông súng, bàn giao nguyên vẹn dinh thự cho lực lượng cách mạng.
Phủ Thống sứ Bắc kỳ là cơ quan đứng đầu bộ máy cai trị của Pháp tại Bắc kỳ, đặt dưới sự giám sát của Toàn quyền Đông Dương. Phủ Thống sứ Bắc kỳ nằm ở trung tâm Hà Nội, mặt chính hướng đông là phố Ngô Quyền, về phía bắc dọc theo phố Lê Thạch, phía nam dọc theo phố Đinh Lễ, phía sau giáp khu Bưu điện.
Công trình này do kiến trúc sư Aldophe Bussy thiết kế theo phong cách kiến trúc cổ điển Pháp có ảnh hưởng của thời kỳ Napoleon III. Phủ Thống sứ Bắc kỳ gồm khu văn phòng được xây dựng năm 1892, nay là trụ sở Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, và Dinh thự Thống sứ được xây dựng năm 1918. Sau khi cách mạng thành công, Dinh thự này là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Lâm thời. Ngày nay tòa nhà được dùng làm Nhà khách của Chính phủ.
Sau khi đánh chiếm Bắc Bộ phủ, trại bảo an binh, quần chúng cách mạng tiếp tục đánh chiếm Sở Cảnh sát trung ương bên hồ Gươm (còn gọi là Bót Hàng Trống). Tòa nhà này ngày nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm.
Tiếp theo, lực lượng cách mạng lần lượt chiếm Tòa Thị chính, Sở Bưu điện, Sở Kho bạc. Đây là ba cơ quan nằm cạnh nhau tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Tòa Thị chính Hà Nội (trước đó gọi là Tòa Đốc lý) cũng nằm trên mặt phố Đinh Tiên Hoàng, được hoàn thành từ năm 1887 với kiến trúc cổ điển. Khu nhà còn có một cổng hướng ra Vườn hoa Paul Bert (nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ). Vị trí của tòa Thị chính ngày nay là công trình UBND thành phố Hà Nội.
Vị trí Tòa Thị chính Hà Nội nay là trụ sở UBND thành phố Hà Nội. |
Kho bạc Đông Dương được xây dựng từ năm 1898 ở góc phố Lê Lai và Lý Thái Tổ, theo thiết kế của kiến trúc sư Lichtenfelder theo phong cách tân cổ điển. Ngày nay, công trình này được dùng làm văn phòng các cơ quan của thành phố Hà Nội, sử dụng cổng số 8 phố Lê Lai.
Tài liệu của Bộ Tài chính Chính phủ Lâm thời cho biết, sau khi tiếp quản, trong kho bạc chỉ còn 1,25 triệu đồng tiền Đông Dương.
Sở Bưu điện Hà Nội nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng, ven hồ Hoàn Kiếm, là một trong những công trình được xây dựng rất sớm trong công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Tòa nhà đầu tiên được xây dựng thời kỳ 1894-1899, theo kiến trúc tân cổ điển, do kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế. Năm 1942, Sở Bưu điện Hà Nội xây thêm một tòa nhà mới theo phong cách kiến trúc hiện đại do kiến trúc sư Felix Godard thiết kế, nằm ở góc Đinh Tiên Hoàng và Đinh Lễ. Hai tòa nhà này hiện do VNPT Hà Nội quản lý.
Bản vẽ thiết kế mặt trước phòng thu cước phí của Sở Bưu điện. Ảnh đăng trong sách Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875-1975) |
Sở Mật thám (còn có tên là sở Liêm phóng) Bắc kỳ là công trình do kiến trúc sư Aldophe Bussy thiết kế và được xây dựng vào các năm 1914-1915, quay ra phố Trần Hưng Đạo. Sách cũng cho biết, ngày 22/5/1930, Toàn quyền Đông Dương đã phê duyệt việc mở rộng Sở Mật thám thành Khu Cảnh sát với quy mô và diện tích lớn. Khu vực Sở Mật thám cũ nay là trụ sở Công an Thành phố Hà Nội. Toàn bộ Khu cảnh sát nay được dùng làm văn phòng một số cơ quan thuộc Bộ Công an, bao quanh bởi các phố Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du.
Ngoài các công trình kể trên, cuốn sách còn giới thiệu thông tin cùng bản vẽ, hình ảnh những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu khác tại thủ đô như Nhà hát thành phố, Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử hiện nay), Đại học Đông Dương, Viện Pasteur, Sở Tài chính Đông Dương (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao)…