Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điểm vượt trội về kinh tế sau 40 năm thống nhất

Dưới góc nhìn của quốc tế, Việt Nam được coi là một câu chuyện thành công về quá trình phát triển, với những thành tựu to lớn đã đạt được trong thời gian qua.

Có thể nói, tăng trưởng kinh tế đã đạt được nhiều điểm vượt trội kể từ khi đất nước thống nhất. Trước hết, quy mô GDP năm 2015 cao gấp gần 8,3 lần năm 1976… Bình quân một năm đã tăng 5,72%, trong đó thời kỳ 1991-2005 còn tăng cao hơn (7,17%/năm). Tăng trưởng kinh tế năm 2012 bị rơi xuống đáy nhưng từ quý I/2015 tốc độ tăng đã vượt qua mốc 6%, có dấu hiệu phục hồi.

Tăng trưởng kinh tế đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Năm 2015 so với 1976, GDP của nông, lâm nghiệp, thủy sản cao gấp 5,8 lần, của công nghiệp - xây dựng gấp 34,7 lần, của dịch vụ gấp 8,7 lần.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã đạt liên tục trong thời gian khá dài (35 năm), có chăng chỉ thấp thua kỷ lục thế giới tăng liên tục mà CHND Trung Hoa hiện đang nắm giữ (38 năm).

Lắp ráp điện tử công nghệ cao tại Công ty Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng long. Ảnh: Anh Đức
Lắp ráp điện tử công nghệ cao tại Công ty Panasonic Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng long. 

Do tốc độ tăng của GDP cao hơn nhiều lần so với của dân số (cao gấp 8,27 lần so với 1,85 lần), nên GDP bình quân đầu người năm 2014 tính theo giá so sánh đã cao gấp gần 4,5 lần năm 1976, bình quân một năm tăng trên 4%.

Do tốc độ tăng GDP cao gấp nhiều lần của lao động đang làm việc tăng (8,27 lần so với 2,9 lần), nên năng suất lao động tính theo giá so sánh đã tăng gần 2,8%/năm.

Do tăng trưởng kinh tế khá, với tốc độ tăng dân số chậm lại, giá USD tăng chậm hơn nhiều so với giá tiêu dùng, nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng khá cao. 

Vào năm 1985 con số này mới đạt 235 USD, nằm trong vài chục nước có mức thu nhập thấp nhất thế giới, thì đến năm 2014 vượt qua mốc 2000 USD, khả năng năm 2015 sẽ vượt qua mốc 2.250 USD/người - đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình từ 2010 và đây là bước chuyển đổi vị thế có tầm quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Cùng với việc chuyển đổi cơ chế ở trong nước là sự mở cửa, hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao, đầu tư, thương mại với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ chủ yếu trên thế giới.

Hiện có khoảng 110 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam, với lượng vốn đăng ký đạt trên 290 tỷ USD, với lượng vốn thực hiện đạt 127 tỷ USD; khu vực FDI đã chiếm trên dưới 45% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% GDP, trên 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 1/4 tổng lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tổng lượng vỗn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo cam kết đạt khoảng 81 tỷ USD, giải ngân gần 47 tỷ USD

Hiện, Việt Nam có quan hệ buôn bán với khoảng 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có hầu hết là nền kinh tế phát triển, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu lên đến gần 300 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 150 tỷ USD; tỷ lệ xuất, nhập khẩu/GDP đạt gần 160%, nằm trong tốp 5 nước cao nhất trên thế giới. Sau các Hiệp định thương mại (FTA) truyền thống, Việt Nam đã và đang ký các FTA thế hệ mới tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 và khả năng tham gia TPP.

Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, về tăng trưởng kinh tế hiện cũng có những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Từ năm 2012, tăng trưởng chậm lại và tính chung thời kỳ 2011- 2014 vẫn nằm trong “vùng đáy” tính từ năm 1991 đến nay). Tốc độ tăng này có nguyên nhân khách quan từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, nhưng cũng có nguyên nhân quan trọng từ chủ quan ở trong nước.

Nông nghiệp vẫn chủ yếu là “lấy công làm lãi”; công nghiệp vẫn còn mang nặng tính gia công, lắp ráp; dịch vụ tính chuyên nghiệp thấp. Tỷ trọng của kinh tế Nhà nước còn cao; của kinh tế ngoài Nhà nước tăng, nhưng còn nhỏ; của khu vực FDI khá cao, nhưng tính lan tỏa còn thấp. Tăng trưởng kinh tế nhìn chung vừa thấp hơn tiềm năng, vừa thấp hơn mục tiêu, làm xuất hiện nguy cơ tụt hậu xa hơn. Chất lượng tăng trưởng nhìn chung còn thấp, nhất là về hiệu quả đầu tư và năng suất lao động.

http://www.ktdt.vn/kinh-te/tin-tuc/2015/04/8102bbc3/nhung-diem-vuot-troi-ve-tang-truong-kinh-te-sau-40-nam-thong-nhat/

Theo Đức Minh/Kinh Tế Đô Thị

Bạn có thể quan tâm