Những mặt thuận lợi, khó khăn của năm 2014 cũng mở ra bài học kinh nghiệm cho người dân và các nhà đầu tư khi bỏ tiền tham gia vào các kênh đầu tư cơ bản như vàng, ngoại tệ, gửi ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Để phần nào giải đáp câu hỏi này, phóng viên Kinh tế Việt Nam và Thế giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh.
-Thưa ông Vũ Đình Ánh, ông có thể đưa ra những nhận định khái quát về tính hiệu quả của các kênh đầu tư trong năm 2014 vừa qua thưa ông?
- Năm 2014 vừa qua, cùng với sự tăng trưởng cũng như sự phục hồi và ổn định của kinh tế vĩ mô thì có thể nói tất cả các kênh đầu tư đều có bước phát triển, tiến triển tốt hơn hẳn năm 2013.
Khái quát nhất, chúng ta thấy mức độ tăng trưởng kinh tế đã vượt được mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra. Những vấn đề như tồn kho, thị trường tiêu thụ khó khăn ở một chừng mực nhất định đã được giải quyết trong năm 2014.
Các kênh cơ bản mà các nhà đầu tư quan tâm, ngoài kênh hoạt động sản xuất kinh doanh như đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng hay ngoại tệ cũng đã có những tiến triển khả quan.
Chẳng hạn như thị trường đầu tư chứng khoán hay bất động sản đều ấm lên hẳn trong năm 2014 so với năm 2013. Vàng và ngoại tệ là những kênh mà chúng ta không khuyến khích đầu tư thì năm 2014 diễn biến của giá vàng cũng như là giá ngoại tệ tương đối ổn định. Điều đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hướng dòng vốn sang các lĩnh vực mà chúng ta quan tâm hơn.
Vì vậy, có thể nói các kênh đầu tư trong năm 2014 đều có sự phát triển nhất định và có sự chuyển hướng theo đúng mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra cho năm 2014.
- Thưa ông, chúng ta sẽ bắt đầu nhận định những kênh đầu tư của năm 2015 bắt đầu từ thị trường chứng khoán. Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về diễn biến của thị trường chứng khoán trong năm 2014 và kênh đầu tư này sẽ có hiểu quả thế nào trong năm 2015?
- Chứng khoán là thị trường rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Năm 2014, thị trường chứng khoán đã có những bước phát triển, đến cuối năm chỉ số chứng khoán của cả hai thị trường kể cả sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh và sàn giao dịch Hà Nội đều có mức tăng trên 10%.
Còn năm 2015, tôi cho rằng sẽ có mấy điểm nổi bật sau: thứ nhất về phía cung nếu thực hiện tốt quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có không ít tập đoàn, tổng công ty gắn với việc sau cổ phần hóa phải niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán theo chủ trương chung của chính phủ thì rõ ràng chúng ta sẽ có nguồn cung tốt hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã niêm yết cả trên sàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tốt hơn. Thông qua đó, chỉ số giá chứng khoán chung cũng như giá của từng loại chứng khoán đối với thị trường này cũng sẽ được cải thiện trong năm 2015 theo xu hướng chung. Và như vậy chắc chắn sẽ tạo những cơ hội tốt tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.
- Thưa ông, năm 2014 là một năm được đánh giá là thành công của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý và kiểm soát thị trường vàng. Nhận định của ông thế nào về vấn đề này và đầu tư vào vàng có cơ hội thế nào trong năm 2015 thưa ông?
- Thị trường đầu tư vàng Việt Nam trong năm 2014 có vai trò can thiệp, quản lý nhà nước của ngân hàng nhà nước đối với thị trường vàng thông qua một loạt các biện pháp củng cố, lập lại trật tự trên thị trường vàng, ổn định cả về giá cũng như không tạo ra các cơn sốt nóng, cơn sốt lạnh trên thị trường vàng Việt Nam.
Đây là những bước chúng ta tiếp tục cần củng cố và làm tới đây trong năm 2015 để giúp cho việc chống vàng hóa hay nói cách khác cơ hội thu lợi được từ các diễn biến trên thị trường vàng sẽ giảm thiểu trong năm 2015.
- Dưới góc nhìn của mình, năm 2015 sẽ có những nguồn lực nào được đổ vào thị trường bất động sản và ông đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất động sản năm 2015?
- Năm 2015, cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản ở hầu hết các phân khúc, có thể nói thị trường bất động sản 2015 sẽ thu hút được các nguồn lực để cùng với sự ấm lên đó sẽ giúp cho thị trường bất động sản quay lại trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2015.
Trong đó đáng kể là nhà nước tiếp tục đưa ra các chương trình, chính sách liên quan đến phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp bên cạnh chương trình giải ngân gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng sẽ làm cho kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn.
Bên cạnh đó, việc nới lỏng nhất định trong chính sách tiền tệ tín dụng để nguồn vốn ngân hàng được khơi thông, chúng ta không chỉ cho các bà con Việt kiều mà còn cho các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả nhà đầu tư nước ngoài thuộc tổ chức và các nhà đầu tư nước ngoài cá nhân được đầu tư vào bất động sản của Việt Nam trong năm 2015.
Nhìn một cách tổng quát, tôi cho rằng năm 2015, bất động sản sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư kể cả nhà đầu tư tổ chức cũng như các nhà đầu tư cá nhân.
- Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, không nên đụng vào vàng và đôla trong năm 2015 bởi tính rủi ro cao. Về vàng thì ông đã phân tích ở trên, vậy còn vấn đề tỷ giá thì sẽ thế nào thưa ông?
- Tỉ giá hối đoái hay việc kinh doanh ngoại tệ theo tôi đó là một kênh đầu tư theo thói quen khá hấp dẫn bên cạnh kênh đầu tư khác ở Việt Nam. Đối với kênh ngoại tệ sẽ có một diễn biến khác đó là sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế các nước, đặc biệt liên quan đến ba khu vực kinh tế lớn đó là: Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu và vùng Đông Bắc Á gồm Nhật Bản và Trung Quốc.
Dự báo những tháng tới của năm 2015, vị thế của đồng đôla Mỹ sẽ được củng cố cùng với sự tăng trưởng rất khả quan của nền kinh tế Mỹ. Đó là tình hình và diễn biến chung khách quan trên thị trường tiền tệ, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường thế giới.
Đối với Việt Nam, năm 2015 có điểm cần lưu ý đó là tiếp tục đẩy mạnh chống đô la hóa nền kinh tế và đồng thời đó là mối tương quan giữa đồng đôla Mỹ và đồng Việt Nam được điều chỉnh và sự can thiệp rất mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể đây là Ngân hàng Nhà nước, cộng với việc lãi suất tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng hiện nay rất thấp, chỉ ở mức 0,75%/năm tức là gần như không có lãi suất.
Do đó, những nhà đầu tư dự định đầu tư đồng tiền này hay đang đầu tư vào đồng ngoại tệ này cần cân nhắc các yếu tố trên thị trường thế giới cũng như thị trường nội địa, đặc biệt là yếu tố liên quan đến việc quản lý ngoại tệ.
- Mặc dù gửi tiết kiệm không phải là một kênh đầu tư nhưng vẫn được các chuyên gia đánh giá là nơi trú ẩn an toàn và sinh lời hiệu quả trong năm 2015. Ý kiến của ông thì sao thưa ông?
- Tôi cho rằng xét về mặt tổng thế của nền kinh tế thì gửi tiết kiệm không phải là một kênh đầu tư. Nhưng nếu xét về từng cá nhân, từng hộ gia đình thì tiết kiệm vẫn có thể là một kênh đầu tư.
Tôi cho rằng, về mặt cơ bản thì đại đa số hộ gia đình ở Việt Nam chúng ta khi có tiền dư thừa thì lựa chọn hợp lý nhất và cũng dễ dàng nhất đó là đem gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng để có một lãi suất tiết kiệm nhất định.
Tuy nhiên, năm 2015 diễn biến của lãi suất tiền gửi sẽ giữ ở mức độ thấp như hiện nay và thậm chí có xu hướng xuống thấp hơn nữa. Rõ ràng, xu thế chung của thị trường tiền gửi tiết kiệm vào các tổ chức tín dụng và các tổ chức ngân hàng thương mại với lãi suất sẽ có thể tiếp tục đi xuống, nằm ở khoảng 3-4%/năm phụ thuộc vào diễn biến lạm phát của năm 2015 tới đây, đặc biệt là liên quan đến các dự báo.
Nói tóm lại, đây vẫn là một kênh đầu tư dù sức hấp dẫn của nó có thể giảm xuống ở khía cạnh lãi suất tiền gửi, nhưng vẫn được đánh giá là một kênh an toàn nhất, và về cơ bản đây là một kênh phù hợp với đại đa số hộ gia đình, cá nhân Việt Nam.