Tuần này có lẽ là một trong những tuần nóng nhất của mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm 2015. Rất nhiều nhà băng có ý định mua bán, sáp nhập (M&A) đều tổ chức ĐHCĐ trong tuần này.
Ngày mai (14/4), VietinBank và PGBank, hai ngân hàng dự định về một nhà, sẽ cùng tổ chức ĐHCĐ. Thứ sáu tới (17/4) là ngày BIDV và MHB tổ chức ĐHCĐ. MHB cũng đã xây dựng kế hoạch sáp nhập vào BIDV. Cũng trong ngày 17/4, ĐHCĐ của NamABank sẽ làm rõ việc sáp nhập với Eximbank.
Việc hai ngân hàng có ý định sáp nhập với nhau tổ chức ĐHCĐ cùng một ngày dường như đã thành tiền lệ. Với trường hợp PGBank, mặc dù ý định sáp nhập đã được hé lộ từ trước kỳ ĐHCĐ năm ngoái, song năm nay, khả năng đó mới có thể trở thành hiện thực.
Trong tài liệu trình ĐHCĐ năm nay, lãnh đạo PGBank đã xin thông qua việc chưa bầu Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới, dù nhiệm kỳ 5 năm đã hết (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Lý do xin tại nhiệm, theo HĐQT, là PGBank đang trong quá trình tái cơ cấu, dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Vì vậy, HĐQT "xin" cổ đông phê duyệt việc chưa tiến hành bầu cử HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới. Đồng thời cho phép ban lãnh đạo hiện tại tiếp tục hoạt động cho đến khi ngân hàng hoàn thành tái cấu trúc.
Số phận PGBank sẽ được "quyết" tuần này. |
Phương án sáp nhập vào VietinBank theo mô hình ngân hàng con trong ngân hàng mẹ, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu không thấp hơn 0,82 cổ phiếu PGBank lấy một cổ phiếu VietinBank, đã được PGbank đưa ra từ năm 2014, nhưng sau đó đã nhanh chóng được gỡ khỏi trang web ngân hàng. Trả lời phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn thời điểm đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT PGBank cho biết, sáp nhập vào Vietinbank chỉ là một trong nhiều phương án mà PGBank xây dựng.
Còn trả lời báo chí đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank cũng đã xác nhận việc sáp nhập PGBank, và cho biết, sáp nhập PGBank vào hệ thống là con đường ngắn nhất để tăng vốn, tổng tài sản và mở rộng mạng lưới của VietinBank.
Báo cáo kết quả kinh doanh 2014 của PGBank cho thấy, năm 2014, PGBank tăng trưởng huy động vốn khách hàng đạt 29%, với hơn 18.000 tỷ đồng. Ngân hàng có dư nợ cho vay tăng 5%, đạt 14.579 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,26% trên tổng dư nợ, giảm 0,7% so với 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 168 tỷ đồng, vốn điều lệ giữ nguyên tại 3.000 tỷ.
Năm 2015, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 5% lên 176 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 16%; dư nợ tín dụng tăng 7%; huy động vốn tăng 9%, đồng thời giữ vốn ở mức 3.000 tỷ.
Tương tự PGBank, Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cũng đã hoàn thành phương án sáp nhập vào BIDV. Trong tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) diễn ra vào ngày 17/4 công bố cách đây không lâu, MHB cho biết, đã hoàn tất việc xây dựng đề án tái cơ cấu, trình NHNN.
Từ quý IV/2014, MHB đã phối hợp với BIDV triển khai việc xây dựng đề án sáp nhập MHB vào BIDV, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Tuy thông tin này cũng đã được MHB gỡ khỏi hệ thống, song thương vụ này, theo một số chuyên gia trong ngành là "đã được chốt".
Thông tin sáp nhập MHB và BIDV đã rộ lên từ mấy tháng nay, song BIDV đến nay vẫn giữ im lặng. Trong tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ mà BIDV đưa ra, không thấy nhắc gì đến M&A.
Cũng giống BIDV, MHB là một ngân hàng TMCP nhà nước. Nếu sáp nhập, số ngân hàng thương mại nhà nước sẽ chỉ còn 4 ngân hàng, thay vì 5 ngân hàng như trước đây.
Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 45.313 tỷ đồng, tăng 17,4% so với 2013. Huy động vốn đạt trên 37.000 tỷ đồng, tăng 14,4%; tăng trưởng tín dụng đạt 13,8% với tổng dư nợ 30.605 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu 2,72% tổng dư nợ.
Cũng nóng không kém 4 ngân hàng trên là ĐHCĐ của NamABank, sẽ diễn ra trùng ngày với BIDV và MHB. Theo dự kiến ban đầu, NamABank sẽ tổ chức ĐHCĐ vào 28/3, song cuối cùng đã được lùi về 17/4.
Cho đến nay, thương vụ NamABank - Eximbank không còn ở dạng tin đồn nữa. Cụ thể, Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ và Nguyên phó tổng giám đốc vừa thôi nhiệm của NamABank sẽ ứng cử thành viên HĐQT của Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020.
Nếu các thương vụ trên được cổ đông thông qua tuần này, thị trường sẽ thu gọn được thêm 3 ngân hàng, đồng nghĩa thêm 3 thương hiệu ngân hàng sẽ biến mất.