Những điểm nóng nhất thế giới trong năm 2013
Trong năm con Rắn, thế giới vẫn phải đối mặt với các cuộc xung đột cũ kéo dài, trong khi các điểm nóng xung đột mới tiếp tục xuất hiện.
Thế giới năm 2013 vẫn đầy rẫy bất ổn và các chuyên gia của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) nêu ra 10 điểm nóng xung đột quốc tế trong năm.
1.Sudan
Cuộc chiến ở Darfur |
Không có gì ngạc nhiên khi "vấn đề Sudan" đã không biến mất sau quyết định ly khai của miền Nam nước này vào năm 2011. Được khơi mào từ sự tập trung quyền lực và các nguồn lực trong tay một nhóm nhỏ cầm quyền, nội chiến tiếp tục tàn phá Sudan. Ngoài Nam Sudan, chính phủ Sudan còn phải chiến đấu với Mặt trận cách mạng Sudan (SRF) quy tụ các nhóm phiến quân chính ở Darfur, Nam Kordofan và Blue Nile.
2. Thổ Nhĩ Kỳ và PKK
Máy bay lên thẳng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ. |
Đã có 870 người thiệt mạng kể từ khi Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) nối lại các cuộc tấn công trong khi lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tái phát động các hoạt động chống khủng bố vào giữa năm 2011.
Được khích lệ từ thành công của các đồng minh tại Syria, các nhóm quân phiệt trong PKK đang thắng thế và tiếp tục cố nắm giữ quyền kiểm soát tại khu vực phía Đông Nam, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các biểu tượng của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2013.
3. Afghanistan
Tình hình Afghanistan có nguy cơ bất ổn lớn sau khi NATO rút đi. |
Bị suy yếu bởi các cuộc đấu đá nội bộ và nạn tham nhũng, Chính phủ Afghanistan chưa thể đảm nhận trách nhiệm bảo vệ an ninh sau khi các lực lượng của Mỹ và NATO rút khỏi nước này trong năm 2014.
Quan hệ giữa Afghanistan và Mỹ tiếp tục xấu đi trong năm 2012, nhất là sau làn sóng biểu tình phản đối Mỹ đốt kinh Koran khiến hàng chục người thiệt mạng vào tháng 2/2012. Hàng loạt vụ tấn công nội bộ đã làm tăng thêm sự thiếu tin cậy giữa các nhà lãnh đạo quân sự Afghanistan và Mỹ.
Nếu tiến trình chuyển tiếp chính trị thất bại, giai đoạn sắp tới sẽ chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc và xung đột trong tầng lớp lãnh đạo Afghanistan. Điều này có thể dẫn đến sự tan rã của các cơ quan an ninh và xung đột nội bộ quy mô lớn.
4. Pakistan
Việc máy bay không người lái Mỹ không kích đang "đổ thêm dầu vào lửa" cuộc xung đột ở Pakistan |
Trong bối cảnh tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào năm 2013, Đảng Nhân dân Pakistan cầm quyền và Liên đoàn Hồi giáo Pakistan – Nawaz, đối thủ chính trong Quốc hội, cần gác lại những mâu thuẫn chính trị và tìm cách ngăn chặn quân đội lại thao túng tiến trình dân chủ. Hai đảng này cũng cần ngăn chặn các cơ quan tư pháp can thiệp và gây mất ổn định trật tự chính trị, phá hoại cơ hội chuyển giao quyền lực trong hòa bình đầu tiên giữa chính phủ cũ và chính phủ mới.
Trong ba năm liền, các trận lụt lớn đã đe dọa cuộc sống của hàng triệu người Pakistan, trong khi hàng trăm nghìn người khác đã phải đi lánh nạn do các cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và phiến quân. Cuộc khủng hoảng kép này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan tăng cường lực lượng và làm gia tăng nguy cơ xung đột.
5. Khu vực Sahel bất ổn
Miền Bắc Mali bị các lực lượng ly khai và Hồi giáo chính thống có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda chiếm giữ. |
Tình hình bất ổn tại khu vực Sahel đã trở nên tồi tệ hơn trong năm 2012.
Mali bị suy yếu bởi cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ vào tháng 3/2012, trong khi khu vực miền Bắc rộng lớn bị các lực lượng ly khai và Hồi giáo chính thống có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda chiếm giữ. Năm 2013 đánh dấu sự khởi đầu của một chiến dịch can thiệp quân sự của cộng đồng quốc tế tại Mali. Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh châu Phi (AU) đã thông qua kế hoạch cử 3.300 binh sĩ tới giúp đỡ Chính phủ Mali giành lại quyền kiểm soát khu vực miền Bắc từ tay phiến quân Hồi giáo cực đoan.
Khu vực Sahel cũng đang chứng kiến một cuộc xung đột khác rất đáng báo động tại khu vực miền Bắc Nigeria, nơi lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram đã sát hại hàng nghìn người trong những năm qua. Nếu Chính phủ Nigeria không thay đổi chính sách hiện hành, năm 2013 sẽ tiếp tục là một năm đụng độ đẫm máu tại miền Bắc Nigeria.
6. Cộng hòa dân chủ Congo
Câu chuyện buồn nội chiến ở Congo có thể sẽ kéo dài trong suốt năm 2013 |
Tháng 4/2012, các thành viên Phong trào 23/3 (M23) đã nổi dậy tại khu vực phía Đông Cộng hòa dân chủ Congo. Đợt bùng phát bạo lực này đã để lại những hậu quả bi thảm cho dân thường với các vụ vi phạm nhân quyền trên quy mô lớn, các vụ hành hình ngoài khuôn khổ pháp luật và làn sóng tị nạn hàng loạt của người dân địa phương.
Các nỗ lực hòa giải của Hội nghị các nhà lãnh đạo khu vực Hồ lớn đã dẫn đến quyết định M23 rút quân khỏi thành phố Goma và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ các cuộc nổi loạn bùng phát trở lại và xảy ra xung đột bạo lực. Câu chuyện buồn nội chiến ở Congo có thể sẽ kéo dài trong suốt năm 2013.
7. Kenya
Càng tới gần cuộc bầu cử tháng 3/2013, nguy cơ bạo lực càng gia tăng |
Tình trạng thanh niên thất nghiệp, đói nghèo và bất bình đẳng đã lên đến đỉnh điểm trong khi chương trình cải cách an sinh xã hội đình trệ và các cuộc tranh chấp lãnh thổ tiếp tục đào sâu hố ngăn cách giữa các sắc tộc. Càng tới gần cuộc bầu cử tháng 3/2013, nguy cơ bạo lực càng gia tăng.
Tòa án hình sự quốc tế cáo buộc hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu Uhuru Kenyatta và William Ruto phạm các tội ác chống loài người và sẽ đưa hai nhân vật này ra xét xử vào tháng 4/2013. Tuy nhiên, các vụ án này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng sắc tộc và làm bùng phát bạo lực mới.
8. Syria và Lebanon
Cuộc xung đột Syria đang lan sang Lebanon |
Cuộc khủng hoảng Syria ngày càng tồi tệ và có thể sẽ tiếp tục diễn biến theo hướng xấu hơn. Chế độ Assad vẫn còn đó và các lực lượng đối lập vẫn gặp khó khăn trong việc loại bỏ Tổng thống Assad. Dư luận khu vực và thế giới đồn đoán về khả năng chế độ Syria sắp sụp đổ, tuy nhiên giai đoạn đầu “hậu Assad” ẩn chứa nhiều rủi ro không chỉ đối với người dân Syria mà còn đối với cả người dân các nước trong khu vực.
Cuộc xung đột Syria đang lan sang Lebanon. Các nhà lãnh đạo Lebanon cần giải quyết những nhược điểm cơ bản trong cấu trúc bộ máy chính phủ vốn đang là nguyên nhân gây xung đột nội bộ và khiến quốc gia này dễ bị tổn thương trước tình trạng bất ổn của nước láng giềng Syria.
9. Trung Á
Các nước Trung Á đang đứng bên bờ vực bất ổn |
Một danh sách dài các nước trong khu vực này đang đứng bên bờ vực bất ổn. Tátgikixtan khởi đầu năm 2013 với những tín hiệu không có gì tích cực. Quan hệ với Uzebekistan tiếp tục xấu đi trong khi các cuộc đấu đá nội bộ đe dọa làm bùng phát tham vọng ly khai của tỉnh tự trị Gorno-Badakhshan.
Tình hình Kyrgyzstan cũng không khá hơn là bao. Chính phủ nước này đang tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước những căng thẳng sắc tộc âm ỉ và vấn đề nhà nước pháp quyền tại khu vực miền Nam.
Kazakhstan sẽ tiếp tục đối mặt với một năm đầy bạo lực. Năm 2012, quốc gia này từng hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố lớn kỷ lục do các nhóm thánh chiến tiến hành tại khu vực phía Tây và phía Nam .
10. Iraq
Thủ tướng Maliki đang phải đối mặt với làn sóng phản kháng. |
Trong khi Syria ngày càng chìm sâu vào hỗn loạn thì tại Iraq, các bên đang chuẩn bị vũ khí và sẵn sàng đánh nhau.
Thủ tướng Maliki đang phải đối mặt với làn sóng phản kháng không chỉ từ Chính phủ khu vực tự trị Kurdistan mà cả từ các lực lượng đối lập người Sunni và thế tục, thậm chí cả từ giáo sĩ Muqtada al-Sadr thuộc phe Hồi giáo Shiite. Mạng lưới khủng bố al-Qaeda “đổ thêm dầu vào lửa” khi tiếp tục phá vỡ sự yên tĩnh tương đối tại Iraq bằng hàng loạt các vụ đánh bom khủng bố.
Nhiều khả năng cuộc nội chiến mang màu sắc phe phái tại nước láng giềng Syria sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở Iraq và đẩy nước này vào một chu kỳ xung đột mới trong năm 2013.
Theo Kiến Thức