Ngoài các nút giao lớn như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, các tuyến đường nhỏ ở nhiều khu vực cũng trở thành điểm nóng về nạn ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.
Có tới hàng chục tuyến đường ở Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Đường Nguyễn Trãi được coi là "con đường đau khổ" mới của Hà Nội vài năm nay kể từ khi công trình đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông khởi công xây dựng. Ảnh: Hoàng Hà.
Dọc toàn tuyến từ cầu vượt Ngã Tư Sở đến khu vực Trần Phú (quận Hà Đông), các phương tiện luôn gặp khó khăn bất kể thời gian nào trong ngày. Ảnh: Hoàng Hà.
Ngoài ra, tuyến đường ùn tắc không kém Nguyễn Trãi là Nguyễn Xiển. Do khu vực này có làn xuống của đường trên cao nên ôtô thường bị ùn lại, xếp hàng ngang lấn hết đường dành cho xe máy. Mặt khác, ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (điểm cuối của đường Nguyễn Xiển) đang có đại công trường thi công hầm chui Thanh Xuân cùng hệ thống nút giao 4 tầng nên cảnh tượng kẹt cứng rất dễ xảy ra. Ảnh: Hoàng Anh.
Đường Phạm Hùng (đoạn trước cổng Bến xe Mỹ Đình), cửa ngõ phía Tây Bắc thủ đô là một trong những nút mà người tham gia giao thông luôn phải chôn chân tại chỗ mỗi khi đi qua. Ảnh: Lê Hiếu.
Ùn ứ kéo dài vào mỗi buổi sáng là tuyến Tố Hữu, đoạn từ ngã tư Trung Văn tới nơi giao cắt với phố Thanh Bình (quận Hà Đông). Do mật độ dân di cư nhiều về phía Tây Nam thủ đô, hàng loạt khu đô thị mới mọc lên tại các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm đã khiến cho khu vực này có một số lượng lớn người dân ùn ùn đến hoặc rời thành phố vào giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Hà - Duy Hiếu.
Các con đường nhỏ như Trung Văn nay cũng cõng một lưu lượng phương tiện dày đặc. Ảnh: Lê Hiếu.
Mỗi lần phải đi qua nút giao Hoàng Minh Giám - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh là một nỗi lo lắng đối với người đi đường ở khu vực quận Cầu Giấy. Đặc biệt, khi trời mưa, ngã tư này thường bị rối loạn, không xe nào chịu nhường xe nào dẫn đến cảnh các phương tiện đi phía sau phải chôn chân đợi khá lâu, ùn ứ kéo dài. Ảnh: Hoàng Hà.
Đường Lê Văn Lương đoạn từ cầu vượt giao cắt đường Láng đến ngã tư Khuất Duy Tiến thường xuyên kẹt cứng với 4 làn ôtô lấn át xe máy. Ảnh: Lê Hiếu.
Đường Bưởi mới (ven sông Tô Lịch) mới được xây dựng và mở rộng. Các phương tiện phải chờ đợi 3 đến 4 nhịp đèn mới thoát qua. Ảnh: Lê Hiếu.
Đường Nguyễn Khánh Toàn thời gian gần đây bỗng trở thành tuyến đường trọng điểm, nơi xe cộ đi về các hướng như Bưởi, Đào Tấn, Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy... Ảnh: Lê Hiếu.
Trong nhiều năm qua, tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy (cửa ngõ phía Tây thủ đô) là một trong những điểm đen về ùn tắc giao thông. Kể từ khi đơn vị thi công lập lô cốt rào chắn để thi công công trình Metro, nơi đây dù cấm taxi nhưng vẫn là tuyến đường nhiều người ngại đi vào mỗi khi đi làm về. Ảnh: Anh Tuấn.
Đường Trường Chinh tuy được mở rộng nhưng một số điểm bị bẻ cong và tạo thành nút thắt cổ chai khiến cho người tham gia giao thông rất vất vả. Ảnh: Anh Tuấn.
Phố Đào Duy Anh, Xã Đàn kết nối với Phạm Ngọc Thạch cũng là các tuyến thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt khi trời mưa. Ảnh: Anh Tuấn.
Trong khi tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc, Công an Hà Nội đã đề xuất giảm tần suất xe buýt, dỡ lô cốt rào chắn không thi công và hết hạn thi công.
Khi đang đi đá bóng, gặp cảnh tắc đường, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã cầm 'vỉ ruồi' xuống đường phân làn giao thông.