Thị trường thẻ Việt Nam đang dần tiến tới bão hòa khi tốc độ tăng số lượng thẻ giảm rõ rệt. Nếu như giai đoạn 2010 - 2012, số lượng thẻ tăng trưởng trung bình khoảng 30%, thì đến năm 2013 chỉ tăng trên 4%, bất chấp việc triển khai nhiều chương trình ưu đãi phát hành thẻ mới. Thực tế này khiến cho các ngân
hàng phải tìm ra những cách thu hút khách mới mẻ và sáng tạo, hơn ngoài cách ưu đãi giảm giá tương đương như nhau.
Phát hành thẻ đồng thương hiệu được coi là một cách làm hay. Chẳng hạn Seabank phát hành thẻ đồng thương hiệu Visa SeaBank Mobile phone. Thực chất, thẻ đồng thương hiệu vẫn là thẻ VISA do Sea Bank phát hành. Ngoài tính năng thông thường, thẻ này còn cho phép hội viên hưởng các ưu đãi hấp dẫn của chương trình khách hàng thân thiết của MobiFone. Thẻ Visa Techcombank Vietnam Airlines cho phép khách hàng của Techcombank tích điểm mỗi khi giao dịch bằng thẻ, và đổi điểm thành dặm bay miễn phí.
Thẻ đồng thương hiệu mang lại lợi ích lớn hơn cho chủ thẻ, đặc biệt là những người thường sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp đối tác, như đi lại bằng đường hàng không, hoặc dùng điện thoại di động. Ngân hàng có thể mở rộng thị phần nhờ tiếp cận được cơ sở khách hàng của doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp được ngân hàng hỗ trợ trong công tác quản lý thông tin khách hàng, tiết kiệm chi phí nhờ thanh toán không dùng tiền mặt.
Gần đây, khách hàng đánh giá cao xu hướng ngân hàng đầu tư mạnh cho dịch vụ gia tăng tiện ích cho khách hàng. Techcombank có dịch vụ Concierge dành cho chủ thẻ Visa Platinum, công cụ trợ giúp những khách hàng có nhiều nhu cầu cao cấp.
Đại diện ngân hàng này cho biết, những người sở hữu loại thể nói trên thường có thu nhập cao, đi công tác, du lịch nhiều, cần được trợ giúp thông tin về khách sạn, mua sắm, ẩm thực, giải trí, y tế… ở nước ngoài. Do vậy ngân hàng đã đăng ký dịch vụ Concierge với một hãng cung cấp trên toàn cầu, dịch vụ được cung cấp 24/7, miễn phí hoàn toàn, trợ giúp bằng tiếng việt cho khách hàng. Với dịch vụ này, thẻ Techcombank Visa Platinum không còn chỉ là chiếc thẻ với dịch vụ thanh toán đơn thuần, mà là một trợ lý riêng thực thụ, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu hỗ trợ về thời trang, du lịch, thể thao, giải trí theo cách chuyên nghiệp nhất.
Anh Quốc Bảo, Giám đốc điều hành công ty cổ phần Nhựa Đức Tiến chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ với dịch vụ này. Hè vừa qua, công ty anh tổ chức chuyến du lịch Thái Lan cho đoàn đối tác gồm các đại lý phân phối sản phẩm. Do bất cẩn, nhân viên công ty đặt vé sai ngày về và cả đoàn bị nhỡ chuyến bay về. Trước giờ ra sân bay vài tiếng, bộ phận đối ngoại mới phát hiện ra sai sót này và gọi điện hỏi phòng vé, mà chỉ nhận được câu trả lời trong ngày không có chuyến bay nào gần nhất. Trong tình huống khẩn cấp, anh Bảo bấm máy hỏi dịch vụ Concierge, chỉ 15 phút sau, anh đã có được thông tin về chuyến bay gần nhất trong ngày của Thái Airlines, vẫn còn đủ chỗ cho 10 người. Ngay lập tức anh sử dụng dịch vụ này và đặt vé. Trở về Việt Nam, các đối tác đều đánh giá cao công tác tổ chức, chuyến đi thành công ngoài mong đợi. Ban tổ chức thì nhẹ nhõm vì may có Concierge mà hóa giải được “tai nạn nhầm vé”.
Bấy lâu nay, chỉ những thương hiệu lớn, đẳng cấp mới cung cấp dịch vụ Concierge cho khách hàng, đơn cử như Vertu, các tập đoàn khách sạn hạng sang trên thế giới. Nay việc ngân hàng Việt tiên phong tạo ra các giá trị gia tăng cho khách hàng thông qua dịch vụ này là một nét mới.
Trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để giành lấy thị phần, các ngân hàng không thể chỉ tập trung tăng số lượng, mà còn phải chú trọng phát triển về chiều sâu, cải thiện, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ thẻ. Lắng nghe, nắm bắt nhu cầu khách hàng và cung cấp dịch vụ để họ có trải nghiệm cuộc sống tiện nghi và thoải mái nhất, đây là một xu hướng cạnh tranh hứa hẹn nhiều tiềm năng. Với xu hướng này, khách hàng sẽ được hưởng nhiều lợi ích, bên cạnh những dịch vụ giao dịch tiền tệ đơn thuần.
Tư liệu: Techcombank