Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dịch vụ nào ở TP.HCM còn được hoạt động?

Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, TP.HCM yêu cầu tạm dừng hoạt động các dịch vụ văn hóa, thể thao vui chơi, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu từ 28/3 đến 15/4.

Ngày 27/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký văn bản khẩn về việc tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, UBND TP.HCM chỉ đạo tạm thời ngưng hoạt động các dịch vụ văn hóa, thể thao vui chơi, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ như cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi, tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, beer club, hát với nhau, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (internet, game online).

Các điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện (vẫn cung cấp tài liệu qua internet), các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga), các trung tâm thể dục thể thao và các khu tập luyện thể thao công cộng trên địa bàn thành phố cũng tạm dừng hoạt động.

TP.HCM yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Các cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, xăng dầu, dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh vẫn được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan y tế.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thực hiện theo hướng dẫn của Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố.

TP.HCM anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu về các biện pháp chống dịch trước HĐND TP chiều 27/3. Ảnh: HCM.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu tạm dừng tất cả hoạt động hội họp không cần thiết, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến, không tổ chức các cuộc họp tập trung trên 20 người tham dự trong một phòng, cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở, trường học, bệnh viện.

Các cơ quan đơn vị phải tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của các cơ quan đơn vị.

Đối với các cuộc họp, người dự họp phải đeo khẩu trang, ngồi cách nhau ít nhất 2 mét, hạn chế bắt tay, trao đổi ở cự li gần, rửa tay trước và sau cuộc họp, tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.

UBND TP.HCM đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người trong một cuộc họp, hội nghị.

Về tổ chức hoạt động vận tải, UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải tại Công văn số 3713 ngày 27/3 và giao Sở tổ chức triển khai.

Thời gian áp dụng các biện pháp trên từ 28/3 đến 15/4. Công văn này thay thế cho công văn ngày 14/3 và 24/3 trước đó của UBND TP.HCM. UBND TP giao các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện.

Cũng trong hôm nay (28/3), Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo UBND 24 quận, huyện hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang đi.

Cụ thể, các địa điểm kinh doanh ăn uống như cửa hàng, quầy hàng, quán ăn, quán giải khát, nhà hàng, khách sạn, canteen cơ quan, bệnh viện, thức ăn đường phố không được phục vụ khách ăn uống tại chỗ từ nay đến hết ngày 15/4.

Hàng quán lề đường ở TP.HCM cũng phải dừng bán tại chỗ

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo UBND 24 quận, huyện hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang đi.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm