1. Dịch vụ xe khách
Không ít hãng xe tranh thủ đợt nghỉ lễ để chặt chém, chèn khách. Ảnh: Ngọc Lan. |
Trong những ngày nghỉ lễ, chiều đi và chiều về tại các điểm xe khách các đầu cầu cả nước đều tắc nghẽn. Với lượng người di chuyển đông, dồn dập, nhiều nhà xe bất chấp nhồi nhét và chặt chém khách để thu lời.
Theo phản ánh của một khách du lịch, tuyến Hà Nội (bến xe Giáp Bát) đến Triệu Sơn (Thanh Hoá) có mức giá niêm yết là 90.000 đồng mỗi người. Tuy nhiên, ngày nghỉ lễ, do lượng khách quá đông, nhà xe tăng giá lên 120.000 đồng.
Không những thế, nhà xe nói trên còn chở quá số người quy định. Nhiều xe nhồi 6-7 khách cho ghế dành cho 4 người. Điều hoà không đủ mạnh, không khí trong xe ngột ngạt khiến nhiều người khó thở hoặc say xe. "Dù bức xúc nhưng vì thiếu xe, sợ lỡ việc nên chúng tôi phải cắn răng chịu đựng", một khách đi xe kể lại.
Giải thích về việc tăng giá vé trong ngày nghỉ lễ, anh T., phụ xe khách trên cho biết, những ngày nghỉ, chiều đi rất ít, trong khi chiều về quá tải. Việc tăng giá vé sẽ bù lại chi phí chiều đi rỗng. Ngoài ra, vào thời điểm "sốt" của xe khách, dù không muốn nhồi nhét quá tải nhưng nhiều khách vẫn năn nỉ để lên xe.
"Dịp lễ cũng chỉ kéo dài gần 1 tuần trong khi lượng khách đông thường chỉ một chiều đi hoặc về. Vì thế, việc các nhà xe tăng giá vé là giải pháp bù lỗ cho thời điểm sau lễ khi chiều xe rỗng và những ngày khách thưa thớt trong tuần", phụ xe này nói.
2. Cho thuê phòng nghỉ
Khách sạn, nhà nghỉ, homestay thu chục triệu đồng mỗi ngày dịp nghỉ lễ. Ảnh: Ngọc Lan. |
Một chủ nhà nghỉ ở Sapa (Lào Cai) tiết lộ, chỉ trong gần 1 tuần, ông đã thu vài chục triệu đồng từ dịch vụ cho khách thuê phòng.
Mức giá cho thuê đối với phòng 1 giường (dành cho 1-2 người) là hơn 1 triệu đồng, phòng 2-3 giường (cho 2-4 người) giá 2-2,5 triệu đồng một ngày. Nhà nghỉ có 8 phòng, gồm 6 phòng 1 giường và 2 phòng giường đôi. Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài, nên phòng luôn hết. Chỉ trong một ngày, chủ nhà thu được trên chục triệu đồng, chưa kể tiền phụ thu như nước, trà, đồ ăn,...
Chị Đặng Linh, chủ nhà ở đường đi thác Bạc (Sapa, Lào Cai) cũng tận dụng 3 phòng trống trong căn nhà 3 tầng để cho thuê. Mỗi phòng 1 giường, khách nghỉ tối đa 3 người với mức giá 400.000 đồng. Trong những ngày nghỉ lễ từ 28/4-2/5, không một ngày nào nhà chị còn phòng trống.
Ngoài cho thuê phòng, chị Linh còn nhận làm cơm bình dân. Một suất ăn gồm 4-5 món dành cho một người là 40.000 đồng. Trừ chi phí, chị Linh kiếm được gần 1 triệu.
3. Cho thuê xe máy
70.000-180.000 đồng một lần cho thuê xe máy ở Sapa, Lào Cai. Ảnh: Ngọc Lan. |
Tại một số điểm du lịch ở Lào Cai, Hà Giang, Sầm Sơn, Đà Nẵng... dịch vụ cho thuê xe máy cũng được dịp hốt bạc. Cụ thể bảng giá treo tại một cửa hàng ở Sapa (Lào Cai) niêm yết xe số giá 70.000-100.000 đồng, xe ga từ 150.000 đến 180.000 đồng mỗi xe. Vào tuần lễ 30/4-1/5, dịch vụ này tăng giá từ 30.000 đến 40.000 đồng mỗi xe cho một lần thuê.
Anh Bảng, một chủ cho thuê xe tại Sapa cho biết, vào tuần lễ Văn hóa - Du lịch Sapa, cửa hàng luôn trong tình trạng thiếu xe. Mỗi ngày, anh cho thuê khoảng 50 lượt khách, thu được 5-6 triệu đồng. Ngoài cho thuê xe, anh Bảng cũng có nguồn phụ thu từ xăng thừa của khách. Hầu hết khách đổ xe, còn dư sẽ được hút ra, bán với giá niêm yết là hơn 17.000 đồng mỗi lít.
Một số chủ nhà xe tại thành phố Hà Giang cho biết, dịp nghỉ lễ trùng với thời điểm hoa tam giác mạch nở nên nhu cầu đi phượt ở đây khá đông. Kéo theo dịch vụ cho thuê xe tại điểm này cũng thu bạc triệu mỗi ngày.
Anh Thành, chủ nhà xe H.T cho biết, chỉ trong tuần nghỉ lễ, với dịch vụ cho thuê xe máy, anh đã kiếm được 40 chục triệu đồng. Giá thuê xe dao động khoảng 200.000 đồng một ngày. Mỗi đoàn khách khoảng 6-8 người. Khách thuê từ 3 xe trở lên, ngoài được tặng bản đồ du lịch Hà Giang, còn được sử dụng miễn phí bộ dụng cụ sửa xe.
"Dự kiến từ giờ đến hết tháng 11, nhà xe sẽ bổ sung thêm 4-5 xe để tăng thu nhập cũng như đáp ứng đủ cho khách phượt yêu thích cao nguyên đá, hoa tam giác mạch", anh Thành cho hay.
4. Hàng giải khát, dịch vụ đồ ăn
Bữa cơm bình dân với các món thịt rang 160.000 đồng, trứng 45.000 đồng, canh 20.000 đồng, cơm 30.000 đồng của một du khách trong dịp nghỉ lễ tại Sapa. Ảnh: NVCC. |
Bán đồ giải khát, ăn uống ngay tại điểm du lịch là những dịch vụ kiếm bạc triệu mỗi ngày. Theo chị Phương, người bán nước giải khát và đồ ăn vặt tại điểm du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An), trong những ngày lễ, chỉ bán nước và đồ ăn vặt như bim bim, kẹo cao su, kẹo lạc,...chị thu được 3 triệu đồng mỗi ngày.
Ngoài thuê mặt bằng 1 triệu đồng mỗi tháng, chị Phương không mất chi phí gì thêm."Trong khi các hàng quán tăng giá bán, tôi chỉ lấy giá bình dân. Một gói bim bim 5.000-7.000 đồng, chai nước suối- nước ngọt 10.000-15.000 đồng, kẹo cao su 5.000 đồng 2 chiếc,.... Cũng vì thế, khách mua đông hơn so với các hàng khác", chị cho hay.
Theo phản ánh của một khách du lịch tại Sapa (Lào Cai), giá cơm bình dân của một nhà hàng ăn trên đường Mã Mây rất đắt. Cụ thể suất cơm dành cho 2 người ăn với thịt rang cháy cạnh là 150.000 đồng, trứng rán 45.000 đồng, canh chua 25.000 đồng, cơm 30.000 đồng.
"Mặc dù treo biển tiệm cơm bình dân nhưng giá lại đắt đỏ vô cùng. Thực tính, một đĩa thịt khoảng 2 lạng giá 16.000 đồng, trứng 3 quả 9.000 đồng, 2 quả sấu nấu canh chua 1.000 đồng, 5.000 đồng tiền cơm trắng, cộng thêm chi phí nấu nướng phục vụ 10.000 đồng cũng chỉ khoảng hơn 40.000 đồng. Trong khi đó, chi phí cho bữa ăn lên tới 250.000 đồng. Thế cũng đủ biết, các nhà hàng thu lời tới mức nào", nạn nhân bức xúc cho rằng mình bị chặt chém.
5. Bán hàng lưu niệm
Nhiều khách du lịch bị chặt chém nếu không biết mặc cả tại các điểm du lịch. Ảnh: Ngọc Lan. |
Tại một điểm bán hàng lưu niệm ở Sapa, khách nước ngoài thường thích những sản phẩm handmade như váy xoè, khăn đan thổ cẩm, mũ thêu tay,… Nhưng khách du lịch trong nước thường thích những đặc sản như đào, mận, thuốc nam và một số đồ trang sức như dây bạc, vòng đeo tay,… Tuy nhiên, dù bán tại chợ hay cửa hàng, những sản phẩm này đều bị đội giá lên gấp nhiều lần.
Một chiếc váy xòe tại cửa hàng lưu niệm trên đường Hàm Rồng được chủ hàng hét giá 200.000 đồng trong khi ngày thường chỉ 40.000-45.000 đồng. Tuy nhiên, khi người mua mặc cả xuống 60.000 đồng, người bán gật đầu đồng ý.
Theo chia sẻ một chủ hàng bán đồ lưu niệm ở đây, chỉ trong một ngày, doanh thu của hàng chị không dưới 50 triệu đồng. Trừ chi phí giá nguyên liệu, thuê mặt bằng, chị cũng thu về khoảng 10 triệu đồng.