Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dấu hỏi khi Eximbank - Sacombank sáp nhập

Sáp nhập Eximbank và Sacombank để tăng sức cạnh tranh hay chủ yếu nhằm thâu tóm quyền lực và lợi ích nhóm là những câu hỏi đang được đặt ra.

Những dấu hỏi khi Eximbank - Sacombank sáp nhập

Sáp nhập Eximbank và Sacombank để tăng sức cạnh tranh hay chủ yếu nhằm thâu tóm quyền lực và lợi ích nhóm là những câu hỏi đang được đặt ra.

Chia sẻ về kế hoạch sáp nhập Sacombank và Eximbank, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, ban đầu chỉ định đầu tư vào Sacombank như đã từng làm với một số ngân hàng khác với mục đích kiếm lợi nhuận, nhưng sau thấy “cần ở lại lâu hơn” vì có một số vấn đề. Đây cũng là lý do, Eximbank có thể sáp nhập với Sacombank, nhưng bước đầu chỉ dừng lại ở kế hoạch, thỏa thuận hợp tác.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Eximbank và Sacombank tối 29/1.  Ảnh: Tuổi trẻ

Tại buổi họp chiều nay, lãnh đạo này cũng cho biết, đã từng bàn với ACB, Sacombank về việc hợp nhất 3 ngân hàng khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO. Do đó, việc hợp nhất Sacombank với Eximbank nằm trong kịch bản, cổ đông của Eximbank cũng rất phấn khởi với các khoản đầu tư vào Sacombank.

Việc hợp nhất cũng nhằm đảm bảo 4 nội dung là quyền lợi của quốc gia, quyền lợi của hệ thống ngân hàng, quyền lợi của cổ đông và quyền lợi của cán bộ công nhân viên. Ngoài ra, lãnh đạo Eximbank cho biết, theo nội dung tái cơ cấu đến năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước là phải có ngân hàng đạt tầm cỡ quốc tế, nên việc hợp nhất hay sáp nhập 2 ngân hàng là hợp lý.

Vậy đâu là “vấn đề” của Sacombank khi ông Dũng chia sẻ chỉ đầu tư vào đây để kiếm lợi nhuận nhưng "có một số vấn đề nên cần ở lại lâu hơn"? Nhìn lại tình hình tài chính của Sacombank trong những năm vừa qua, “tiếng” mà ngân hàng này đạt được là một trong những nhà băng có tổng tài sản, vốn điều lệ và hệ thống mạng lưới lớn nhất trong ngành. Báo cáo thường niên 2011 của Sacombank - cũng là một trong những sự kiện đánh dấu 20 năm nhà băng này tham gia thị trường cho thấy, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận… và các chỉ tiêu khác đều tăng gấp đôi hoặc hơn theo từng năm.

Trong 3 năm, từ 2008 đến 2011, tổng tài sản đã tăng từ hơn 67.460 tỷ đồng lên trên 140.130 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu từ hơn 7.600 tỷ đồng lên gấp đôi là hơn 14.200 tỷ đồng, dư nợ cho vay từ hơn 33.700 tỷ lên trên 79.400, còn tổng lợi nhuận sau thuế năm 2008 chỉ là 937 tỷ đồng thì đến năm 2011 đã vượt con số 2.000 tỷ. Liên tục trong các năm từ 2008 đến 2012, Sacombank nhận được nhiều giải thưởng là ngân hàng tốt nhất Việt Nam.

Để ngỏ khả năng sáp nhập, thông báo thỏa thuận hợp tác của Eximbank và Sacombank phát đi chiều nay cũng cho biết, các lĩnh vực được hợp tác là cho vay đồng tài trợ, cấp hạn mức trong hoạt động liên ngân hàng, kinh doanh tiền tệ, nhân sự, đào tạo, tái cấu trúc, hỗ trợ kỹ thuật, chiến lược sáp nhập. Mục đích của hợp tác này là giúp nhau tăng cường năng lực cạnh tranh. Một chuyên gia trong ngành bình luận, như vậy là Eximbank tham gia hầu hết các mảng kinh doanh chính của Sacombank, điều mà “không sớm thì muộn” cũng sẽ xảy đến, kể từ khi Eximbank gom cổ phiếu và đưa người vào quản trị ngân hàng này.

 
 Sáp nhập hai ngân hàng Sacombank và Eximbank có thể tạo ra định chế tài chính lớn, xứng tầm và có sức cạnh tranh trong khu vực.

Lãnh đạo Eximbank không nắm cổ phiếu Sacombank

Báo cáo tình hình quản trị 2012 của Sacombank cho biết, Chủ tịch Phạm Hữu Phú (nguyên Phó chủ tịch Eximbank) không sở hữu cổ phiếu nào của Sacombank, ông Trầm Bê (Phó chủ tịch HĐQT) nắm 0,01% (115.000 cổ phiếu).

Tuy nhiên, các con ông Bê là Trầm Khải Hòa (thành viên HĐQT) nắm 1,94%, Trầm Trọng Ngân nắm 4,47%, con gái Trầm Thuyết Kiều có 0,29%.

Trên lý thuyết, các thương vụ sáp nhập, hợp nhất diễn ra trong năm qua phần lớn phục vụ mục đích của lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp hệ thống ngân hàng trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Habubank có nợ xấu quá nhiều, phải sáp nhập với SHB; còn các ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn hợp nhất với nhau thành một hệ thống khác cũng do không tự lèo lái được. Trường hợp của Eximbank và Sacombank, việc sáp nhập có thể xuất phát từ nhiều lý do, nhưng theo đánh giá của không ít chuyên gia trong lĩnh vực này, không hẳn vì Sacombank quá khó khăn đến mức không thể tự cơ cấu. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu ủng hộ việc sáp nhập 2 ngân hàng này với nhau, để tạo nên một định chế tài chính có tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh với các định chế khác trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý một số vấn đề liên quan đến việc sáp nhập. Trong đó, mục đích cuối cùng của sáp nhập là để tạo ra một ngân hàng lớn, có ưu thế cạnh tranh trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống, hay để tạo uy thế về quyền lực của một nhóm người? Theo ông Hiếu, các cơ quan chức năng trong đó có Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán cần tham gia vào việc này sát sao, nắm được ý đồ, thành phần, chiến lược sáp nhập của các ngân hàng này.

Đồng thời, 2 ngân hàng là Eximbank và Sacombank cần minh bạch về ý đồ sáp nhập cũng như mọi thông tin khác liên quan đến tình hình hoạt động. Một số lưu ý được ông Nguyễn Trí Hiếu vạch ra là tỷ lệ sở hữu cổ phần, cổ phiếu của cổ đông và người có liên quan; quyền lợi của khách hàng gửi tiền, người đi vay, cổ đông của Sacombank khi sáp nhập vào Eximbank. “Yếu tố mà khách hàng quan tâm, bên cạnh thế độc quyền hay cạnh tranh trong hoạt động, còn là quyền lợi. Liệu sau sáp nhập, người gửi tiền, đi vay sẽ được hưởng những quyền lợi gì. Các cổ đông của Sacombank sẽ được đối xử như thế nào? Điều này cần rõ ràng minh bạch trên tinh thần và mục tiêu chung là xây dựng ngân hàng mang tầm cỡ khu vực”, chuyên gia nói trên nhận định.

Một chuyên gia khác bình luận, không phải đến giờ, trước đây, thị trường đã xôn xao thông tin sáp nhập của Eximbank và Sacombank với việc ồ ạt mua cổ phiếu STB trên thị trường của cổ đông EIB. “Đây có thể là mầm mống để Eximbank tăng quyền lực tại Sacombank. Do đó, chỉ khi sáp nhập vì mục đích trong sáng, tạo ra ngân hàng lớn, thống nhất quy mô hoạt động thì mới ủng hộ. Còn ngược lại nếu có dấu hiệu chỉ phục vụ một nhóm lợi ích, thì nên xem xét kỹ lưỡng vì nếu để lợi ích nhóm chi phối, nguy cơ lũng đoạn nền kinh tế là hiện hữu”, chuyên gia nói trên chia sẻ.

Tuy nhiên, nguồn tin là lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần thì đánh giá thương vụ này cũng là bình thường trong bối cảnh tái sắp xếp lại hệ thống, vì cả hai phía đều tự nguyện để thực hiện chủ trương tạo lập một ngân hàng cổ phần quy mô tầm cỡ khu vực của Ngân hàng Nhà nước. Tuy không bình luận về “giá trị thấp” của yếu tố tự nguyện, đồng thuận do các cổ đông lớn hiện nay ở Sacombank hiện nay phần lớn là lãnh đạo cũ của Eximbank hoặc có cổ phần liên quan đến nhà băng này, nhưng vị này nói thêm: “Đây cũng là chuyện bình thường khi Eximbank nắm giữ phần lớn cổ phần ở Sacombank”.

Theo dự thảo thông tư về tổ chức lại các tổ chức tín dụng, sáp nhập là hình thức một hoặc một số tổ chức sáp nhập vào một tổ chức khác cùng hình thức bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của mình. Trường hợp SHB và Habubank là một ví dụ, Habubank sau khi sáp nhập vào SHB sẽ phải chuyển giao toàn bộ hệ thống cho SHB. Như vậy, ở thương vụ Eximbank- Sacombank, nếu thành công, có thể một trong 2 cái tên sẽ "biến mất" trên thị trường.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm