Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đại gia Việt gặp vận đen năm 2015

2015 có vẻ là năm kém vui đối với nhiều đại gia Việt khi tài sản bốc hơi, thị phi đeo đuổi, thậm chí có người dính líu tới pháp luật, tù tội.

Bầu Đức: Tài sản bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng

Mặc dù gặt hái được một số thành quả trong lĩnh vực bóng đá nhưng năm 2015, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lại gặp khó khăn trong kinh doanh. 

Đầu tiên là tin đồn liên quan Hoàng Anh Gia Lai vỡ nợ khiến Bầu Đức phải lên tiếng phủ nhận và tuyên bố sẽ báo cáo cơ quan chức năng xử lý người tung tin.

Trước việc cổ phiếu lao dốc, tháng 6/2015, ông Đức đã mua thêm 5 triệu cổ phiếu HAG để nâng sở hữu lên 347,7 triệu. Tuy nhiên, việc liên tục mất giá, có lúc còn 10.600 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi lên niêm yết trên sàn chứng khoán và giảm giá tới 52% tính từ đầu năm đã khiến tài sản của doanh nhân này bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng.

2015, bầu Đức mất vị trí người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh minh họa: Tùng Lê.

Tính đến 28/12/2015, tài sản của người nhiều năm giàu thứ hai Việt Nam chỉ còn 3.686 tỷ đồng, giảm tới 3.889 tỷ so với mức 7.575 tỷ của cuối năm 2014.

Cú bốc hơi tài sản mạnh đã khiến Bầu Đức lần lượt mất vị trí thứ hai trong top người giàu trên sàn chứng khoán Việt. Người "tiếp quản" vị trí số 2 của bầu Đức là ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát).

Có thể nói, năm 2015 là một năm đáng quên đối với ông Đoàn Nguyên Đức, đại gia 53 tuổi.

Đại gia Lê Văn Hướng bị bắt giam

Ngày 17/6/2015, ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội khởi tố bị can về hành vi "lừa dối khách hàng" quy định tại điều 162 Bộ Luật hình sự.

Từ một đại gia nằm trong top 100 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán năm 2014 với số tiền quy đổi theo cổ phiếu lên đến 222 tỷ đồng, ông Hướng hiện tại chỉ còn nắm trong tay 24,5 tỷ đồng.

Kể từ khi ông bị tạm giam để phục vụ điều tra, cổ phiếu JVC rớt giá 4 lần, từ mức 21.000-22.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 5.100 đồng ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, số lượng cổ phiếu của ông nắm giữ cũng bị giảm từ 11 triệu xuống còn 4,8 triệu do bị công ty chứng khoán bán giải chấp để thu hồi công nợ.

Ông Hướng sinh năm 1976, giữ chức Giám đốc kiêm Chủ tịch JVC từ tháng 10/2010 đến thời điểm bị bắt giam.

“Vua tôm” Minh Phú: Tôm Việt Nam "tứ bề thọ địch"  

Năm Ất Mùi cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ đối với ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Minh Phú.

Cuối tháng 3/2015, Minh Phú xin hủy niêm yết tự nguyện trên sàn chứng khoán. Lý do được đơn vị này đưa ra là bán cổ phần để huy động vốn ngoại với tham vọng trở thành một hãng tôm có quy mô toàn cầu vào năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin nào về việc Minh Phú sẽ hợp tác với đối tác nước ngoài để huy động vốn. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của đơn vị này năm 2015  lao dốc không phanh so với năm 2014.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú đạt 371 triệu USD, giảm 30% so với năm trước. Lợi nhuận đạt 67 tỷ đồng, giảm tới gần 500 tỷ đồng so với mức lãi 565 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2014.

Theo kế hoạch đặt ra là đạt 1.416 tỷ đồng lợi nhuận thì Minh Phú chưa hoàn thành 1% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2015.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT của CTCP Thủy sản Minh Phú.

Nguyên nhân chính được cho là giá thành tôm giảm mạnh trong năm 2015. Tôm Việt Nam cũng đắt hơn các nước xuất khẩu tôm lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ do các nước này phá giá đồng nội tệ của họ rất mạnh (từ 18% đến 42%). Ngoài ra, tôm Việt Nam còn bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá rất cao, lên tới 6,37%.

Trong lần trả lời báo chí gần đây, ông Lê Văn Quang cho biết con tôm Việt Nam đang “tứ bề thọ địch”. Vì vậy, việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015 của doanh nghiệp gần như là không tưởng.

Đầu tháng 12 vừa qua, Thủy sản Minh Phú đã quyết định bổ sung thêm ngành nghề “Vận chuyển và cho thuê đầu kéo container”, ngành khá xa với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là chế biến thủy sản của công ty. 

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản liên tiếp gặp vận đen

Ông chủ của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên, Lê Thanh Thản nổi tiếng bởi là một trong ít người đi tiên phong trong việc xây nhà giá rẻ dành cho người có mức thu nhập thấp, trung bình ở Hà Nội.

Các dự án của đại gia này hầu như đều gây sốt và được bán với giá chênh tương đối cao. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề xảy ra liên quan đến chất lượng, công tác phòng cháy chữa cháy tại những công trình này trong năm 2015.

Cụ thể, ngày 16/9/2015, một vụ cháy được phát ra từ tầng 34 và 36 tại chung cư HH4A ở Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nhiều người mắc kẹt, cảnh sát phải dùng búa phá cửa sổ, giải cứu nạn nân bằng thang. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định là cháy hộp kỹ thuật ở tầng 33, sau đó lan sang các khu vực bên cạnh.

"Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản. 

Ngày 11/10, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chung cư CT4A, CT4B ở khu đô thị Xa La, quận Hà Đông. Nhiều người náo loạn chạy khỏi tòa nhà, một số khác mắc kẹt nhưng được giải cứu. Thiệt hại vật chất của chủ đầu tư tại dự án này là không hề ít khi nhiều xe máy, xe ôtô bị thiêu rụi tại tầng hầm của tòa nhà, hệ thống điện bị hỏng hóc nặng.

Không những bị "bà hỏa" sờ gáy, năm 2015, công ty của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản còn vướng vào nhiều vụ lùm xùm khác như Dự án Đại Thanh bị thanh tra  do xây vượt tầng, cấp sổ đỏ,…

Ngày 7/12 vừa qua, UBND đã ra văn bản yêu cầu việc dừng cấp phép xây dựng các dự án mới của đại gia Lê Thanh Thản theo đề xuất của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Việc xem xét cấp phép trở lại được kiến nghị chỉ thực hiện khi doanh nghiệp khắc phục đủ các kiến nghị của cảnh sát phòng cháy chữa cháy, có cam kết lộ trình thực hiện các biện pháp khắc phục.

Ông chủ Tân Hiệp Phát: Mất 2.000 tỷ vì vụ "con ruồi"

2015 có lẽ là năm gây tổn thất nhiều nhất cho Tân Hiệp Phát (THP) kể từ khi thương hiệu này ra đời và được định vị như một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực nước giải khát.

Mặc dù ông Trần Quí Thanh chỉ còn nắm vốn tại hai nhà máy của Tân Hiệp Phát (THP) tại Hà Nam, Chu Lai còn lại đã chuyển phần lớn vốn cổ phần sang vợ và hai con gái của ông Thanh tại tập đoàn.

Tuy nhiên, nhắc đến Tân Hiệp Phát là người ta nhắc tới ngay ông Thanh, người đã gây dựng thương hiệu này trở thành một “ông lớn” có thị phần hàng đầu trong lĩnh vực nước giải khát không ga tại Việt Nam.

THP cho biết con số thiệt hại thực tế cho tập đoàn trong vụ án "con ruồi" khoảng 2.000 tỷ đồng. Ảnh: L.H.

Nguyên nhân của khủng hoảng THP xuất phát từ vụ án liên quan đến sản phẩm có chứa dị vật (con ruồi) mang thương hiệu của Tập đoàn Number 1- Tân Hiệp Phát. Sau khi anh Võ Văn Minh bị tuyên án 7 năm, nhiều luồng ý kiến tranh cãi đúng sai. Trong năm 2015, hàng loạt vụ phát hiện, báo lỗi chất lượng sản phẩm của THP xuất hiện ở nhiều tỉnh thành cũng khiến làn sóng tẩy chay các sản phẩm của tập đoàn này rộ lên.

Phát biểu với báo chí vào tháng 3/2015, ông Trần Quí Thanh, khi đó vẫn là Chủ tịch HĐQT, cho biết, THP đang ở "vị trí dẫn đầu nên có sự cạnh tranh không lành mạnh" và các sản phẩm bị tố có vật thể lạ không do quá trình sản xuất. Ông chủ THP cũng thách thức sẽ thưởng 500 triệu cho người bỏ được vật lạ vào dây chuyền sản xuất. 

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 17/12, THP cho biết “sự việc đã làm ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu và doanh thu của Tập đoàn. Ước tính, sự việc đã gây thiệt hại thực tế cho Tập đoàn khoảng hơn 2.000 tỷ đồng”.

 




Phương Diệp (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm