Cận cảnh các dự án này ngõ hầu cung cấp thêm tư liệu giúp cơ quan chức năng có giải pháp xử lí thấu đáo.
Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên đã “đắp chiếu” hơn 4 năm nay và chưa biết số phận về đâu? |
Trong khi ngân sách nhà nước khó khăn, ở một số nơi vẫn có những khoản chi lãng phí. Chuyện về cái chết của “con chim đầu đàn” ngành thép là một trường hợp như vậy. Hơn 4.500 tỷ đồng đã được rót cho dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Sau gần 10 năm, số tiền thành đống sắt hoen gỉ, cỏ dại um tùm, “con chim đầu đàn” rơi vào cảnh thoi thóp đòi “bơm” vốn tiếp…
Chùng cánh vì nặng vốn
Thành phố Thái Nguyên có một khu gọi là “đảo gang thép”, đó cũng là địa danh gắn với công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), tên gọi đó đủ nói lên quy mô của nhà máy. Nhưng nay, một phần trong đảo đó là nhà xưởng xây dở dang, máy móc vứt chỏng chơ, hoang phế, gỉ sét, cỏ mọc um tùm. Trước TISCO được xem là “con chim đầu đàn” ngành thép Việt Nam, nhưng với dự án mở rộng đang “đắp chiếu”, giờ TISCO đuổi được theo đàn cũng là điều khó. Chỉ riêng tiền lãi vay cho phần vốn đã giải ngân vào dự án mở rộng nhà máy mỗi tháng đã ngốn của TISCO khoảng 30 tỷ đồng.
Hỏi lãnh đạo TISCO về diện tích dự án mở rộng nhà máy họ cũng chỉ có thể ước lượng hàng chục hécta, vì những công trình dở dang nằm xen lẫn với phân xưởng, lò đúc đang hoạt động.
TISCO được thành lập năm 1959. Năm 2005, Thủ tướng đồng ý cho TISCO thực hiện dự án mở rộng nhà máy giai đoạn 2, tổng vốn đầu tư 3.843 tỷ đồng. Năm 2007, TISCO ký hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) với Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC), với tổng giá trị 160,88 triệu USD để thực hiện dự án mở rộng.
Ngày 29/9/2007, dự án được khởi công. Nhưng ngay sau đó, do giá vật tư, nguyên liệu tăng vù vù, dự án phải nằm im tới tháng 2/2009. Cuối năm 2012, dự án thi công trở lại được 143/163 tiểu hạng mục, tổng thầu MCC cung cấp đến hiện trường 35.800 tấn thiết bị, chủ đầu tư giải ngân hơn 4.500 tỷ đồng thì hết vốn, phải dừng thi công.
Để “vớt” dự án, Chính phủ cho phép TISCO tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với ban đầu). Năm 2014, Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp 1.000 tỷ đồng vào TISCO. Với sự tham gia của SCIC, chủ đầu tư thuê đơn vị thẩm định độc lập thì vốn dự án lại đội lên hơn 9.000 tỷ đồng.
Để giảm mức đầu tư và đảm bảo hiệu quả đầu tư, TISCO đề xuất Chính phủ cho hưởng một số ưu đãi, cơ chế đặc thù, giúp giảm mức đầu tư xuống khoảng 7.871 tỷ đồng. Theo TISCO, nếu không đầu tư tiếp, nguy cơ công ty phải đối mặt một vụ kiện quốc tế với nhà thầu MCC. Đặc biệt, những khó khăn có thể đẩy TISCO tới bờ vực phá sản, hàng ngàn lao động mất việc làm; lãng phí hơn 4.500 tỷ đồng đã giải ngân…
Hầu hết máy móc thiết bị của dự án đã hoen gỉ. |
Sợ đầu tư như bơm tiền cho con nghiện
Trước những “lùng nhùng” của dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ và Kiểm toán Nhà nước vào cuộc. Kiểm toán phát hiện hàng loạt sai phạm tại dự án, như: Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu MCC tới 93% giá trị vật tư, thiết bị nhập về (trong khi nhà thầu chỉ yêu cầu thanh toán 90%); thanh toán gần hết nhưng phần thiết bị quan trọng nhất là bộ phận điện và điều khiển MCC vẫn chưa đưa sang Việt Nam. Ngoài ra, giá trị hợp đồng thanh toán theo giá không cố định (giá tăng sẽ thanh toán tăng và ngược lại), khi giá vật tư tăng đã làm đội vốn và phải dừng thi công.
Tới nay, sau 10 phiên đàm phán, nhà thầu MCC đồng ý cùng TISCO tháo gỡ khó khăn để tái khởi động dự án. Tuy nhiên, MCC yêu cầu thanh toán ngay trên 571 triệu USD (chưa tính thuế) chi phí bồi thường và phần việc đã thực hiện. Trong đó, chi phí bồi thường do dự án dừng thi công hơn 4,39 triệu USD, tiền mua thiết bị thay thế số hư hỏng khoảng 5 triệu USD, tiền lắp đặt thiết bị hơn 38,6 triệu USD…
Trong báo cáo gửi Chính phủ mới đây, SCIC cho rằng, một số chi phí MCC đưa ra chưa phù hợp. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư sau khi hưởng cơ chế đặc thù còn 7.871 tỷ đồng (như đề xuất của TISCO) chưa vững chắc, do chi phí thay thiết bị hư hỏng, phần xây dựng dở dang chưa tính chính xác. Bên cạnh đó, các giả định về giá bán sản phẩm năm tới, rủi ro đội vốn… khiến hiệu quả của dự án thiếu vững chắc.
Để giảm tổng mức đầu tư còn 7.871 tỷ đồng, TISCO đề nghị VietinBank khoanh nợ gốc, miễn tối thiểu 50% lãi vay trong thời gian dự án dừng thi công (hơn 4 năm); TISCO cũng đề nghị miễn một số khoản thuế… Tổng các khoản công ty đề nghị miễn khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản bác toàn bộ đề xuất ưu đãi về thuế, lãi suất, khoanh nợ của TISCO vì vượt khung cho phép. Tới nay, việc có tiếp tục “bơm vốn” để chắp cánh cho con chim đầu đàn ngành thép nữa hay không vẫn chưa có hồi kết.
Hiện TISCO có 2 cổ đông chính đều là doanh nghiệp nhà nước, gồm Tổng công ty Thép Việt Nam nắm 42,1% cổ phần, SCIC nắm hơn 35% cổ phần. Theo TISCO, trong tổng số vốn đầu tư tăng từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng, có: Giá nguyên vật liệu tăng trên 1.298 tỷ đồng; lương tăng trên 1.060 tỷ đồng; lãi vay tăng 632,6 tỷ đồng; thuế tăng 619 tỷ đồng; biến động tỷ giá tăng 408 tỷ đồng; dự án kéo dài làm chi phí tư vấn, quản lý dự án tăng 73 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng tăng 22 tỷ đồng; vốn dự phòng tăng 144 tỷ đồng…