Con số này đã cao hơn mức 21,9 tỷ USD của năm 2014, dù trong tám tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Phải chăng các dự án “tỷ đô” đã quyết định thành tích của VN trong thu hút FDI?
Câu trả lời rõ ràng là “có”, vì cách đánh giá thành tích của FDI hiện nay vẫn nặng về hình thức, về số vốn “đăng ký” cam kết khi được cấp phép.
Còn cam kết - đăng ký đó có thực hiện ra sao, tỉ lệ thực hiện hằng năm là bao nhiêu, hàm lượng công nghệ đưa vào như thế nào... lại chưa được quan tâm.
Trong thực tế, chênh lệch giữa vốn đăng ký với vốn thực hiện hiện lên tới hơn 100 tỷ USD, trong đó tỉ lệ vốn đăng ký của các dự án “tỷ đô” chưa thực hiện khá lớn.
Việc nhiều dự án “tỷ đô” từng được ca ngợi khi đăng ký trước đây, như dự án thép Quảng Liên ở Quảng Ngãi (cấp phép năm 2006, vốn đầu tư đăng ký ban đầu trên 1 tỷ USD, sau đó tăng lên 3 tỷ USD) vừa nói lời chia tay, hay một số dự án bất động sản “tỷ đô” chiếm giữ hàng trăm hecta đất bỏ không trong nhiều năm ở nhiều địa phương là những ví dụ về tác động trái chiều của các dự án “tỷ đô”, thậm chí để lại nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết trong nhiều năm.
Trong khi đó, điểm yếu trong công tác thống kê là chỉ công bố con số tổng vốn FDI thực hiện hằng năm ở tất cả các ngành kinh tế, mà chưa phân chia cụ thể của từng ngành kinh tế là bao nhiêu. Đã có ý kiến cho rằng đấy là con số “trang sức” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bởi nó không có thông tin cụ thể theo ngành, dễ “uốn nắn” theo ý chủ quan nên không cho thấy được điểm mạnh, điểm yếu ở từng ngành liên quan đến FDI, dẫn tới các khó khăn không nhỏ trong điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Mô hình siêu dự án Romana Phan Thiết Plaza. |
Để khắc phục tình trạng này, theo tôi, cần thực thi các giải pháp sau, dù không mới: Trước hết, cần phân loại dự án, đặc biệt là các dự án “tỷ đô” theo ba màu xanh, đỏ và vàng.
Xanh là loại dự án FDI thực hiện đúng cam kết; vàng là các dự án FDI có vướng mắc cần được hỗ trợ; đỏ là loại dự án FDI cần được tập trung hỗ trợ đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, xử lý các hậu quả nếu có.
Việc phân loại này sẽ giúp công tác hậu kiểm tốt hơn, nắm chắc hơn được tình hình, kịp thời có được các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Chậm nhất là sáu tháng sau khi dự án hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành, các chủ dự án FDI phải có báo cáo đánh giá về vốn thực tế đã thực hiện để điều chỉnh lại giấy chứng nhận đầu tư đã cấp, làm cơ sở cho hạch toán, kiểm toán, kế toán sau này.
Đẩy mạnh việc hướng dẫn các địa phương công tác thống kê vốn theo ngành.
Thanh tra Nhà nước cũng nên vào cuộc nhằm răn đe tình trạng thiếu trách nhiệm trong công tác thống kê, báo cáo không đúng, báo cáo chậm, chạy theo thành tích mà biến tấu con số ảo... gây tổn hại không kém gì tham nhũng.
Chúng ta đã nói quá nhiều về cơ hội và thách thức của hội nhập, điều đó là cần thiết, nhưng nếu quên rằng điều quyết định để thu hút FDI chính là sức cạnh tranh nội tại của môi trường đầu tư và kinh doanh của VN, trong đó vai trò của công tác thống kê - đánh giá đúng kết quả của FDI là một yếu tố quan trọng để công tác quản lý Nhà nước vận hành có hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh.
Siêu dự án 250 triệu USD trên giấy
UBND tỉnh Bình Thuận vừa chấp thuận chủ trương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án Romana Phan Thiết Plaza (P.Phú Hải, TP Phan Thiết) do Công ty CP dịch vụ - thương mại - đầu tư Romana làm chủ đầu tư theo đề nghị của Sở Kế hoạch - đầu tư sau khi chủ dự án có văn bản trả lại dự án.
Dự án Romana Phan Thiết Plaza được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 10/4/2009 với tổng vốn đầu tư trên 250 triệu USD, trở thành siêu dự án bất động sản tại Bình Thuận với diện tích 76 ha. Dự án dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2012 nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy.
Tác giả Phan Hữu Thắng là nguyên cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch - Đầu tư.