Di tích lịch sử SVĐ Chi Lăng từng được đăng ký bảo vệ. Tại đây, ngày 28/8/1945 UBND cách mạng lâm thời TP Đà Nẵng ra mắt hàng vạn đồng bào. SVĐ này cũng là “chảo lửa” của Đội bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng (sau này là SHB Đà Nẵng) lừng lẫy một thời.
Sân vận động Chi Lăng bỏ hoang giữa trung tâm Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Hơn 1.250 tỷ đồng vẫn không lấy lại được SVĐ Chi Lăng
Từ năm 2011, toàn bộ diện tích hơn 55.000 m2 của SVĐ Chi Lăng đã được Đà Nẵng phê duyệt ranh giới, chuyển mục đích sử dụng cho Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh. Chính quyền TP Đà Nẵng sau đó cũng đã cho chia nhỏ và cấp 10 giấy chứng nhận sử dụng đất tại SVĐ Chi Lăng và Tập đoàn Thiên Thanh đã mang đi cầm cố thế chấp để vay vốn ngân hàng.
Năm 2018, Phạm Công Danh bị kết án, SVĐ Chi Lăng trở thành tài sản được kê biên để thi hành bản án và để hoang từ đó đến nay.
Liên quan đến SVĐ Chi Lăng, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết: Từ sau năm 2018, sau khi bản án có hiệu lực, TP Đà Nẵng đã rà soát, đánh giá các vấn đề liên quan đến pháp lý, nhu cầu thực tiễn và UBND TP Đà Nẵng chính thức đã có văn bản kiến nghị Chính phủ nêu rõ nguyện vọng, xin được giữ lại SVĐ Chi Lăng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Tổng cục Thi hành án đã tổ chức phiên làm việc giữa UBND TP và Ngân hàng Xây dựng. Tuy nhiên, các bên đã không gặp nhau trong quan điểm vì xung đột về lợi ích kinh tế. Việc thương lượng xin giữ lại SVĐ Chi Lăng cho đến thời điểm đó vẫn chưa thành.
Ông Chương cho biết: Quan điểm của Đà Nẵng là xin giữ lại SVĐ Chi Lăng và hoàn trả số tiền mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp vào ngân sách là 1.251 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm thương lượng, Tập đoàn Thiên Thanh phải trả cho ngân hàng với số tiền 8.408 tỷ đồng. Trong đó, tiền gốc là 4.000 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh là 4.408 tỷ đồng.
“Mức yêu cầu của thành phố so với hiện trạng vay thực tế thể hiện trên hồ sơ vay ngân hàng của ông Phạm Công Danh thì không có điểm gặp nhau. Đây cũng là tài sản thi hành án nên chúng ta không thể sử dụng quyền của nhà nước để can thiệp, xử lý vấn đề có liên quan. Bởi, trong trường hợp này, thành phố cũng là một trong những đối tượng phải chấp hành bản án đã có hiệu lực”, ông Chương cho biết.
Theo Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, việc giảm 10% tiền sử dụng đất đối với SVĐ Chi Lăng là không đúng pháp luật nên cần phải thu hồi vào ngân sách nhà nước. Thời gian qua, cơ quan thuế và ngành TN-MT đã đôn đốc thu số tiền 139 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT đến nay các đối tượng có liên quan chưa khắc phục nên số tiền này vẫn đang “treo”. Do đó, trong quá trình xử lý thi hành án buộc phải trừ số tiền đó lại để nộp vào ngân sách.
Hiện, UBND TP đã có kiến nghị với Tổ Công tác 153 của Chính phủ về những vướng mắc của SVĐ Chi Lăng. Hồ sơ về SVĐ Chi Lăng cũng đã được trình Bộ Chính trị để xin ý kiến lần thứ nhất.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Bộ Chính trị đã xem xét kiến nghị của Đà Nẵng liên quan đến SVĐ Chi Lăng và sẽ có văn bản trả lời sớm cho Chính phủ để hướng dẫn địa phương tháo gỡ.
Nhà, đất tại 37 – 39 Pasteur (TP Đà Nẵng) liên quan đến Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: Nguyễn Thành. |
Hàng loạt rắc rối khi thi hành bản án Vũ “Nhôm”
Bản án số 158 ngày 15/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm đang gây khó khăn, vướng mắc, lúng túng cho chính quyền TP Đà Nẵng trong quá trình thi hành bản án. Mới đây, ngày 14/3, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có văn bản kiến nghị gửi TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao kiến nghị đính chính một số nội dung và xem xét kháng nghị bản án nói trên.
UBND TP Đà Nẵng cho biết: sau khi bản án có hiệu lực, TP Đà Nẵng đã triển khai thi hành bản án và ban hành quyết định thu hồi tài sản là nhà, đất theo phán quyết của tòa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện bản án có nhiều vướng mắc, UBND TP nhận được nhiều văn bản của các cá nhân, tập thể kiến nghị liên quan đến các tài sản thực hiện thu hồi.
Trong đó, đối với dự án khu du lịch biển Non Nước (3,77 ha) ở đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn), UBND TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và giao đất, cho thuê đất theo dự án đầu tư đã được UBND TP phê duyệt.
UBND TP Đà Nẵng cho biết: Theo quy định của pháp luật đất đai và Luật Đầu tư hiện hành không có khái niệm “thu hồi dự án” như bản án số 158 đã tuyên, dẫn đến UBND TP Đà Nẵng lúng túng trong thực hiện. Do vậy, UBND TP Đà Nẵng báo cáo TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, đính chính bản án: “Giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi đất, chấm dứt hoạt động của dự án…”.
Đối với nhóm tài sản thu hồi liên quan đến vợ, người thân bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các công ty, UBND TP Đà Nẵng báo cáo TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, kiến nghị Vụ Giám đốc kiểm tra I, tham mưu lãnh đạo TAND Tối cao có hướng dẫn để Đà Nẵng thực hiện theo bản án và giải quyết kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Riêng với thửa đất số B3-13-35 (diện tích 174 m2) và thửa đất số B3-13-51 (210 m2) cùng tờ bản đồ KT01/01, khu đô thị Harbour Ville (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đều được chuyển nhượng trước khi Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) kê biên, không còn là tài sản của Phan Văn Anh Vũ và vợ. Do đó, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét kháng nghị bản án.
Ngoài ra, theo báo cáo, có 4 tài sản nằm trong nhóm có sự khác biệt giữa lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT, bản án và thực tế. Bao gồm: Nhà, đất số 20 Bạch Đằng; nhà, đất số 7 Bạch Đằng; nhà, đất số 37 Pasteur; nhà đất số 39 Pasteur. Qua kiểm tra, rà soát các tài sản này đã được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị điều chỉnh một số nội dung bản án liên quan đến các tài sản này.
Theo báo cáo mới nhất của Đà Nẵng, thành phố đã hoàn thành tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai đối với 2/32 dự án. Có 2/32 dự án đã được cơ quan Trung ương có văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện; 7/32 dự án đang tháo gỡ vướng mắc khó khăn về thủ tục đất đai; 14/32 dự án đang rà soát để thực hiện tháo gỡ vướng mắc theo kế hoạch…