Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những cuốn sách yêu thích của Taylor Swift

"Jane Eyre", "Peter Pan", "Alice ở xứ sở diệu kỳ"... là những tác phẩm văn chương truyền cảm hứng cho Taylor Swift.

Taylor Swift được yêu thích với những ca khúc có phần lời sắc sảo, đa nghĩa. Nhiều tác phẩm văn chương đã truyền cảm hứng cho Taylor Swift viết nên các ca khúc, đặc biệt là album FolkloreEvermore.

Jane Eyre - Charlotte Brontë

Jane Eyre là cuốn tiểu thuyết kinh điển của người chị cả nhà Brontë. Tác phẩm theo chân cô gái mồ côi, nghèo khổ, phải vượt qua nhiều thử thách để giành lấy hạnh phúc và tình yêu của đời mình.

Taylor Swift cho thấy cô được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi câu chuyện nữ quyền trong Jane Eyre. Minh chứng rõ ràng nhất chính là bài hát Invisible string. Bài hát bày tỏ quan điểm của Taylor, cho rằng có một sợi dây định mệnh nối giữa cô và người yêu mình và rằng sau bao sự kiện vui buồn họ phải trải qua, đến cuối cùng, sợi dây định mệnh vẫn kéo họ về bên nhau.

Sach yeu thich cua Taylor Swift anh 1

Bìa sách Jane Eyre. Ảnh: Elsotano.

Taylor Swift hát: “Time, curious time / Gave me no compasses, gave me no signs / Were there clues I didn't see? / And isn't it just so pretty to think / All along there was some / Invisible string / Tying you to me?” (Dịch nghĩa: Thời gian thật kỳ lạ. Chẳng dẫn lối, chẳng cho em một dấu hiệu nào. Phải chăng có những manh mối em đã vô tình bỏ qua? Và sẽ thật thú vị làm sao, nếu đúng là bấy lâu nay vẫn có một sợi dây vô hình gắn kết em với anh?”.

Ý niệm lãng mạn này cũng được nhà văn Charlotte Brontë đề cập đến trong tác phẩm Jane Eyre.

“Đôi khi ta cảm thấy có một cảm xúc kì lạ dành cho em, nhất là khi em gần ta, như bây giờ, như có một sợi dây đâu đó dưới lườn trái của ta, buộc chặt ta với em, không thể tách rời. Và nếu gã Channel ồn ào đó chen vào giữa hay đôi ta bị ngăn cách bởi khoảng cách 200 dặm xa vời vợi, ta sợ rằng sợi dây sẽ đứt, thân thể này sẽ vì quá đau lòng mà chảy máu từ bên trong”, trích lời Ngài Rochester, tình yêu cuộc đời của Jane Eyre.

Hình ảnh sợi dây định mệnh cũng được tái hiện trực tiếp trong 2 MV CardiganWillow.

Thú vị hơn, Taylor Swift thể hiện lòng cảm thông đối với cả 2 người phụ nữ trong tiểu thuyết của Charlotte Brontë. Một là nhân vật nữ chính Jane Eyre và hai là người vợ cũ Bertha của Rochester, một nhân vật được coi như một người phụ nữ điên, sống chui lủi trong lâu đài Thornfield.

Bài hát Mad Woman bình luận về khái niệm “phụ nữ điên” và cho rằng phụ nữ trong xã hội thường hay bị hạ thấp với những tính từ như “thái quá”, “điên rồ”. Và nhân vật Bertha cũng là một nạn nhân của một xã hội chưa tôn trọng phụ nữ đúng mực. Khi thấy cô có vấn đề tâm lý, Rochester chỉ nhìn cô như một người điên và hoàn toàn bỏ mặc cô, không hề quan tâm, chăm sóc. Điều này đã gián tiếp đẩy cô đến sự loạn trí thực sự. Cô bị khắc họa là một kẻ điên, hoàn toàn không nhận được một chút cảm thông nào từ xã hội lúc bấy giờ.

Trích lời bài hát: "Every time you call me crazy / I get more crazy / What about that? / And when you say I seem angry / I get more angry.

And there's nothin' like a mad woman / What a shame she went mad / No one likes a mad woman / You made her like that".

(Tạm dịch: Mỗi khi anh gọi tôi là kẻ điên, tôi lại thấy điên hơn, anh nghĩ gì? Và mỗi khi anh bảo tôi có vẻ cáu bẳn, tôi lại thấy cáu hơn.

Chẳng gì như một phụ nữ điên? Đáng tiếc làm sao khi cô ta phát điên. Chẳng ai thích một phụ nữ điên. Anh khiến cô ta phát điên như thế).

Sach yeu thich cua Taylor Swift anh 2

Sách Peter Pan. Ảnh: Đông A.

Peter Pan - J.M. Barrie

Tác phẩm kinh điển của J.M. Barrie kể về chuyến phiêu lưu của cô bé Wendy tới vùng đất Neverland, nơi có Peter Pan và các cậu bé đi lạc, sống cuộc đời tự do, trẻ thơ, không bao giờ lớn.

Trong bài hát Cardigan, Taylor Swift viết: "I knew you / Tried to change the ending / Peter losing Wendy (Em biết anh muốn cố thay đổi cái kết, không muốn như Peter để vuột mất Wendy).

Taylor Swift sử dụng hình ảnh Peter và Wendy như một ẩn dụ cho mối quan hệ trong bài hát, rằng không như chàng trai, cô gái muốn trưởng thành, muốn phát triển. Liên hệ tới câu chuyện thiếu nhi Peter Pan, Taylor Swift muốn nhấn mạnh khoảng cách giữa tình yêu tuổi trẻ và tuổi trưởng thành.

Sach yeu thich cua Taylor Swift anh 3

Sách Rebecca. Ảnh: Đinh Tị.

Rebecca - Daphne du Maurier

Trả lời phỏng vấn với Apple Music, Taylor Swift chia sẻ: “Khi tôi đọc tác phẩm Rebecca của Daphne du Maurier, tôi cứ nghĩ ‘ôi chao, người chồng chỉ đang chịu đựng cô ấy. Cô ấy làm mọi thứ, cố gắng để làm anh ta vui lòng, và anh ta chỉ chịu đựng cô, mọi lần. Một phần trong tôi thấy đồng cảm, vì cũng đã có lúc tôi cảm thấy như cô gái trong cuốn sách này. Thế là tôi viết bài Tolerate It, kể về việc cố gắng yêu một người có tính cách trái ngược".

Sach yeu thich cua Taylor Swift anh 4

Sách The Great Gatsby. Ảnh: NPR.

Gasby vĩ đại - F. Scott Fitzgerald

Trong ca khúc Happiness có câu: “I hope she’ll be a beautiful fool / who takes my spot next to you” (Em mong đó chỉ là một con ngốc xinh xắn, người chiếm chỗ cạnh anh thay em).

Lời bài hát liên hệ tới lời của nhân vật Daisy khi nói về con gái cô. Trong Gasby vĩ đại, Daisy sử dụng cụm từ “beautiful fool” để mong con gái mình sống vô lo, vô nghĩ, mặc chuyện đời mà hạnh phúc. Taylor Swift sử dụng cụm từ gay gắt này để phản đối quan điểm của người đời về một người phụ nữ.

Sach yeu thich cua Taylor Swift anh 5

Sách Alice ở xứ sở diệu kỳ & Alice ở xứ sở trong gương. Ảnh: Đông A.

Alice ở xứ sở diệu kỳ - Lewis Carroll

Ca khúc Long story short đã mượn hình ảnh cô gái Alice rơi xuống cái hố thỏ, lạc vào xứ sở diệu kỳ, nơi có nhiều điều thần kỳ nhưng cũng tiềm tàng nhiều nguy hiểm, và cuối cùng, cô bé thoát khỏi xứ sở ấy như tỉnh dậy sau một cơn ác mộng.

Với liên hệ văn học này, Taylor Swift viết: “Cause I fell from the pedestal / Right down the rabbit hole / Long story short, it was a bad time.” (Tạm dịch: Và em ngã từ bệ cao, rơi xuống cái hố thỏ, chuyện dài nhưng tóm lại, đấy là một khoảng thời gian tồi tệ). Lời bài hát ám chỉ đến khoảng thời kỳ tên tuổi Taylor Swift bị bêu xấu, bị đặt điều. Với cô, quãng thời gian ấy giống như một cơn ác mộng.

Hình xăm của Johnny Depp trích dẫn từ tác phẩm kinh điển

Johnny Depp có một hình xăm trích dẫn từ cuốn "Chân dung chàng nghệ sĩ" của James Joyce: "Silence, exile, cunning".

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm