Bằng những nghiên cứu khoa học, các tác giả đã mang tới bạn đọc những nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách hệ thống về một khía cạnh trong đời sống văn hóa Việt Nam.
Nguyễn Văn Huyên cho biết về các dịp lễ tết, Phan Cẩm Thượng mang tới tập tục trong đời sống người nông dân, Nguyễn Sử trình bày bức tranh lịch sử thư pháp Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tiến mang tới biên khảo về chợ và Trần Hậu Yên Thế phác thảo hình tượng linh vật nghê.
Zing.vn điểm lại 5 cuốn sách nghiên cứu nổi bật trong năm.
Lịch sử thư pháp Việt Nam
Sách Lịch sử thư pháp Việt Nam. |
Đầu năm 2017, cuốn sách của tác giả Nguyễn Sử ra đời, khỏa lấp một khoảng trống trong lịch sử về nghiên cứu thư pháp. Cuốn sách đưa ra thông tin một cách hệ thống về lịch sử thư pháp Việt Nam trong suốt hơn 1.000 năm, từ thời kỳ Bắc thuộc tới thư pháp thời Lý - Trần, sang thời Lê, tới thời Nguyễn.
Ở mỗi phần, sách không chỉ thống kê tác phẩm mà tác giả đã khảo sát mà còn nghiên cứu ở nhiều phương diện: thành tựu sáng tác, sự phân kỳ lịch sử, nội dung và phong cách nghệ thuật mỗi giai đoạn, đặc điểm về tác giả…
Cuốn sách cho thấy hai triều đại Lý, Trần, nền thư pháp Đại Việt đã phát triển đến độ cực thịnh, ở mỗi thể chữ triện, hành, thảo, lệ… đều có tác phẩm đỉnh cao.
Nhà Lê trải hơn 20 năm biến loạn vẫn giữ gìn được nền tảng cũ, đồng thời hình thành lối chữ hoa áp - một phong cách chữ đặc thù thống lĩnh thư đàn nước Việt. Thời Nguyễn lại xuất hiện các thư gia, mỗi người một lối biểu đạt khác nhau khiến cho thư đàn vô cùng sôi động…
Để thực hiện cuốn sách này, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử đã có một quá trình khảo cứu công phu sử liệu của Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tác giả đã dày công khảo sát và đối chiếu hệ thống các tác phẩm thư pháp Việt Nam trong các đền chùa, trên bia đá, vách núi, hang động hay trên giấy.
Sống đời của chợ
Công trình dẫn người đọc vào từng ngõ ngách của chợ. |
Nguyễn Mạnh Tiến là một nhà nghiên cứu dân tộc học với cuốn Những đỉnh núi du ca - một lối về các tính H’Mông năm 2014. Sau nhiều năm lặn lội khắp các miền, từ Thanh Hóa, Nghệ An tới các tỉnh miền Bắc, Nguyễn Mạnh Tiến cho ra mắt Sống đời của chợ - một biên khảo về chợ - vào tháng 9/2017.
Công trình dẫn dắt người đọc vào mọi ngõ ngách của chợ, đời sống chợ và những người ở chợ. Tác giả phân tích kỹ càng về sự hình thành của chợ, lịch sử những ngôi chợ. Đi kèm với những nhận định, phân tích là các thống kê tỉ mỉ.
Ở đó người đọc sẽ thấy bảng phân bố chợ trong một khu vực, mỗi chợ họp chính vào ngày nào, buôn bán mặt hàng đặc trưng gì… Qua cuốn sách, người đọc có cái nhìn mới mẻ và toàn diện về chợ - một hình ảnh quen thuộc trong tâm thức mỗi người.
Sống đời của chợ, theo tác giả, là một cố gắng hiểu chức năng của chợ trong cấu trúc làng, đơn vị hành chính cơ bản nhất của tổ chức xã hội Việt Nam cổ truyền.
Tập tục đời người
Công trình nghiên cứu công phu trong 20 năm của Phan Cẩm Thượng. |
Tập tục đời người là tác phẩm tiếp nối Văn minh vật chất của người Việt của tác giả Phan Cẩm Thượng. Cuốn sách là kết quả hơn 20 năm nghiên cứu, khảo cứu điền dã của tác giả về văn hóa, tập tục của người nông dân Việt Nam.
Sách không trình bày tất cả những tập tục từng tồn tại, mà chỉ đưa ra những tập tục căn bản, những gì có liên quan đến sự phát triển của văn hóa dân tộc. Ở đó, người đọc được biết về những thói quen, nếp sinh hoạt cơ bản nhất của người nông dân Việt Nam.
Đó là thói ăn, nếp ở; không gian sinh tồn như cách tổ chức làng xã, trong gia đình, dòng họ, hôn lễ, tập tục tang ma; các lễ hội cơ bản như trò Xuân Phả, quan họ Bắc Ninh, hát cửa đình, cờ bạc và các trò tiêu khiển; tín ngưỡng và các hệ thần của người Việt; tập tục về ẩm thực, ăn mặc…
Tập tục đời người không chỉ khảo tả các tập tục, mà còn xâu chuỗi góc nhìn từ các nhà nghiên cứu khác nhau về cùng một tập tục giúp người đọc có cái nhìn hệ thống, nhiều chiều và có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá độc lập.
Phác họa nghê - gã linh vật bên rìa
Sách Phác họa nghê - gã linh vật bên rìa do Trần Hậu Yên Thế chủ biên. |
Công trình nghiên cứu do Trần Hậu Yên Thế (chủ biên) và Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long thực hiện. Sách nghiên cứu từ những con nghê tại đền Vua Đinh, Vua Lê ở Ninh Bình, từ đó mở rộng sang các vùng miền khác, có đối chiếu với các linh vật ở một số nước trong khu vực.
Nhóm tác giả đã công phu sưu tầm hình ảnh nghê từ thời Lý đến thời Nguyễn, xuất hiện tại nhiều nơi từ Bắc vào Nam. Bước đầu, sách trình bày lai lịch, danh xưng, hình tướng và ý nghĩa biểu tượng của con nghê - một linh vật thân quen trong văn hóa Việt.
Cuốn sách được đánh giá là công trình giá trị, có nội dung hữu ích với những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Việt Nam.
Hội hè lễ tết của người Việt
Đây không phải là một công trình nghiên cứu mới. Sách vốn là những tiểu luận nghiên cứu viết bằng tiếng Pháp từ hơn 70 năm trước của giáo sư, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên.
Các tiểu luận này đã được Đỗ Trọng Quang và Trần Đỉnh dịch, in trong bộ Nguyễn Văn Huyên, Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam (xuất bản năm 1995-1996). Mới đây, công trình này được lấy ra in thành cuốn Hội hè lễ tết của người Việt.
Bằng phương pháp nghiên cứu dân tộc học thực địa, Nguyễn Văn Huyên cung cấp thông tin về các dịp tết của Việt Nam như Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu…
Cuốn sách cũng mô tả về những tập tục của người Việt như thờ cúng thần tiên, thành hoàng làng, các húy kỵ, các vị thần tiên gốc Việt.