Sự hấp dẫn của tiểu thuyết gọi tên nhà văn, và điều đấy không bao gồm Kertesz Imre. Kinh cầu Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời viết dòng mở đầu bằng chữ “Không”, một tiếng nói vang ép buộc người đọc vào vị trí trung tâm của sự phủ định.
Viết về chủ đề diệt chủng Do Thái không lạ, điều làm tôi chú ý là Imre đã viết trong vị trí của người trong cuộc, ông đã từng là nạn nhân của nạn diệt chủng từ lúc 15 tuổi và may mắn sống sót. Garcia Marquez cho rằng mỗi nhà văn chỉ viết một cuốn sách. Garcia Macquez chọn cuốn sách về sự cô đơn, Kertesz Imre viết cuốn sách về hậu Holocaust.
Nhân vật người đàn ông trong tiểu thuyết thoát nạn sau nạn diệt chủng và quyết phủ nhận việc có con. Di chứng của chính quyền độc tài Hitler hằn xuống đời những nạn nhân, họ trở nên điên loạn, sống trong nỗi ám ảnh đời đời.
Tác phẩm Kinh cầu Kaddis cho đứa trẻ không ra đời của nhà văn Kertesz Imre. |
Hình ảnh “người đàn bà đầu trọc ngồi trước gương trong bộ đồ ngủ màu đỏ.” được chiếu đi nhiều lần trong tiểu thuyết dài một mạch không chương hồi. Đấy là chiếc bóng đến từ nạn diệt chủng, có ba sự chiếu lẫn nhau trong chi tiết này. Sự đối nhau giữa người đàn bà này với chiếc gương, ác mộng nhìn ác mộng và nhân vật nhìn nỗi ác mộng đấy từ xa, tức tấm gương thứ ba.
Kinh cầu Kaddis là một loại kinh cầu siêu cho người chết trong nhà thờ. Đọc một lèo, rồi thêm một lượt nữa, sẽ chẳng thấy một trường đoạn kinh nào được viết nhưng tính kinh thánh vẫn rõ ràng trong hình thức. Imre không phải nhà văn khai phá về một cấu trúc tiểu thuyết mới, tình tiết tuyến tính, hoán chuyển, thậm chí sẽ vô nghĩa nếu cố rọi đèn vào một tư tưởng. Ông viết tư tưởng bằng chất văn lạnh lùng, quái lạ của mình.
Sự đảo chiều, độc thoại như đối thoại giữa người đàn ông và người vợ cũ, tiến sỹ Oblath. Tôi đã nghĩ người đàn ông này chịu di chứng quá nặng nên muốn khước từ bản thân, loại đi cuộc đời trong quá khứ, nhưng không, như lời dẫn dắt, mấu chốt để đi vào bản giao hưởng tàn nhẫn của Imre, anh ta vẫn băn khoăn về người vợ, về những đứa con cùng sự hiện hữu và tồn tại.
Trong quá trình từ chối việc nối dài cuộc đời mình bằng sự kế thừa của đứa con, người đàn ông vẫn sống. Anh ta viết hàng đêm, sử dụng ngòi bút như một cái xẻng “…đào nấm mồ, cho bản thân tôi – không còn nghi ngờ gì nữa – tôi sẽ trải giường vào những đám mây.”
Bởi viết, người đàn ông vẫn tồn tại, vẫn sống và thay vì khước từ lịch sử đen tối của mình bằng “Không” người đàn ông đã khẳng định rằng mọi chuyền đã “Có”, bao gồm cả đời sống của mình, nhưng không cách nào thoát ra nổi. Người đàn bà có cái đầu trọc lốc trong bộ đồ ngủ màu đỏ vẫn hiện hữu, thách thức một sự lãng quên.
Nhà văn Kertesz Imre. |
Kinh Cầu Kaddis dành cho đứa trẻ không ra đời, nối tiếp Không số phận. Imre đào xới vào phần quá khứ tối tăm nhất của đời mình, của quê hương mình không bằng sự tuyệt vọng. Cuốn tiểu thuyết này đầy tính nhân bản.
Trước hết, người đàn ông đã từ bỏ vợ mình dù hai người vẫn còn mối liên hệ bằng ký ức. Tựa sách là “…đứa trẻ không ra đời” nhưng đã có những hai đứa trẻ được sinh ra. Đứa trẻ thứ nhất được tạo ra từ những đau đớn giữa người đàn ông và vợ mình, trong những tiếng Không não nề, nhức nhối như tiếng chuông vỡ. Một đứa trẻ không hiện hữu và có tồn tại. Đứa trẻ thứ hai đến từ người vợ với người đàn ông khác, bằng xương bằng thịt. Một cuộc đời mới đã được nối dài trong sự thanh thản của người chồng.
“…Các con chào bác đi! nàng bảo chúng. Thế là một lần và mãi mãi, nàng đã làm tôi tỉnh ngộ hoàn toàn.” Dòng cuối của tiểu thuyết, cùng sự cứu rỗi không thể nào thánh thiện hơn cho người đàn ông. Tiếng kinh chấm dứt như vậy, bằng sự ra đời của những đứa trẻ sẽ kéo rộng cánh cửa trong một chữ “Không”, chủ nghĩa độc tài toàn trị đã chấm dứt, và nỗi thống khổ của nó cũng phải kết thúc, trong chừng mực nào đớ.
Lịch sử luôn viết ra từ bóng tối.