Những cuộc đối đầu 'nảy lửa' trên bán đảo Triều Tiên
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đẩy lên tột độ khi hôm qua Bình Nhưỡng tuyên bố đất nước đang trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải). |
Bán đảo Triều Tiên là dải đất nằm nhô ra biển ở Đông Á, có đường biên giới đất liền với Trung Quốc. Bán đảo được bao bọc bởi biển ở 3 phía: phía đông là biển Nhật Bản, phía nam là biển Hoa Đông và phía tây là biển Hoàng Hải. Tổng diện tích của bán đảo này là khoảng 220.000 km2.
Cho đến cuối Thế chiến thứ 2, Triều Tiên vẫn là một thực thể chính trị thống nhất nằm trên bán đảo Triều Tiên. Sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953, bán đảo này bị chia cắt thành 2 quốc gia là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) và Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc).
Chiến tranh liên Triều 1950-1953
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến xảy ra và kéo dài từ giữa năm 1950 đến năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên. Chiến sự châm ngòi vào ngày 25/6/1950 đến ngày 27/7/1953 khi hai miền đạt được thỏa hiệp ngừng bắn nhưng không có hiệp định hòa bình.
Quan hệ căng thẳng sau chiến tranh Triều Tiên
Kể từ sau chiến tranh Triều Tiên, mối quan hệ giữa 2 bên vẫn tiếp tục căng thẳng.
Theo CNN, năm 1968, Bình Nhưỡng ám sát không thành công Tổng thống Park Chung-hee. Năm 1983, một vụ đánh bom ở Myanmar có liên quan đến Triều Tiên làm 17 binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng. Năm 1987, Triều Tiên bị cáo buộc đánh bom một máy bay của Hàn Quốc.
Điểm nóng năm 2010
Năm 2010, bán đảo Triều Tiên lại một lần nữa dậy sóng sau khi tàu chiến Hàn Quốc bị chìm ngày 26/3. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa tin, tàu ROKS Cheonan 1.500 tấn với 104 thủy thủ bị chìm ở đảo Baengnyeong ở biển Hoàng Hải. Trong số 104 thủy thủ, 46 người thiệt mạng và 58 người được cứu sống. Seoul sau đó điều tra và cáo buộc, Triều Tiên gây ra vụ chìm tàu trên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng bác bỏ mọi lời buộc tội trên.
Tổng thống lúc bấy giờ của Hàn Quốc là Lee Myung-bak tuyên bố Seoul sẽ cắt đứt mọi thương giao với Triều Tiên.
Trong năm 2010, sự kiện trận pháo kích Yeonpyeong khiến cho quan hệ Triều Tiên và Hàn Quốc càng thêm rạn nứt. Trận pháo kích ở Yeonpyeong bắt đầu lúc 14h34 phút ngày 23/11/2010 khi pháo binh của Triều Tiên bắt đầu pháo kích vào các đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó Triều Tiên nói rằng họ chỉ nổ súng sau khi Hàn Quốc đã "bắn một cách thiếu thận trọng vào vùng biển của chúng tôi". Các đợt pháo kích này gây ra nhiều thương vong cho 2 phía, đặc biệt là Hàn Quốc.
Nguy cơ tái bùng phát chiến tranh
Trong những ngày gần đây, căng thẳng liên Triều là vấn đề cả thế giới quan tâm bởi căng thẳng leo thang trên báo đảo Triều Tiên. Đặc biệt trong ngày hôm qua, 30/3, khi Bình Nhưỡng tuyên bố đất nước đang trong tình trạng chiến tranh với Seoul.
12/12/2012: Triều Tiên phóng thành công tên lửa vào quỹ đạo. Hàn Quốc, Mỹ và Liên Hiệp Quốc chỉ trích đó là tên lửa đạn đạo.
12/2/2013: Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3.
26/2/2013: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một cuộc tập trận mô phỏng một cuộc chiến tranh thật.
1/3/2013: Hàn Quốc và Mỹ cùng tập trận chung.
5/3/2013: Triều Tiên tuyên bố hủy hiệp ước đình chiến năm 1953.
21/3/2013: Triều Tiên đe dọa tấn công căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật và Guam.
27/3/2013: Triều Tiên cắt đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc.
28/3/2013: Mỹ điều 2 máy bay ném bom tàng hình tới bán đảo Triều Tiên.
29/3/2013: Kim Jong-un họp khẩn giữa đêm, ký lệnh tên lửa sẵn sàng chiến đấu.
30/3/2013: Triều Tiên tuyên bố trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc.
đỗ quyên
Theo Infonet