Trong khi ông Phạm Nhật Vượng, bầu Đức, bầu Long và những người thân đã “yên vị” ở 6 vị trí đầu tiên trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thì từ vị trí thứ 7, sự giằng co quyết liệt diễn ra từng tuần. Theo đó, thứ hạng liên tục thay đổi.
Sự thay đổi đồng nghĩa với việc nhiều đại gia thăng hạng và nhiều người xuống hạng. Từ đầu năm 2014 tới nay, giới đầu tư đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm của đại gia Việt. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG).
Ông Nguyễn Đức Tài - CEO Thế Giới Di Động. |
Trước tháng 7 năm nay, ông Tài chỉ được biết đến với tư cách một doanh nhân bình thường. Nhưng kể từ khi cổ phiếu MWG niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Tài trở thành đại gia “mới nổi” với khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đáng kể hơn, sau khi niêm yết, MWG đã có sự bứt phá ngoạn mục, tăng một mạch từ mức giá 68.000 đồng/CP lên 175.000 đồng/CP. Sự bứt phá này của MWG giúp ông Tài có bước tiến đáng nể trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Chỉ riêng hơn 1,3 triệu cổ phiếu MWG do ông Tài trực tiếp đứng tên sở hữu, ông Tài đã có hơn 235 tỷ đồng. Nếu cả lượng cổ phiếu MWG do ông gián tiếp đứng tên, tổng tài sản của ông Tài vọt lên khoảng 1.800 tỷ đồng.
Với 1.800 tỷ đồng, ông Tài nhảy vọt từ cuối Top 50 người giàu nhất sàn chứng khoán lên Top 10. Thậm chí, ông còn vượt mặt bà Nguyễn Hoàng Yến, Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Masan để “chiếm” vị trí thứ 7. Tính theo thị giá của MSN ngày 22/9, bà Yến “chỉ” sở hữu 1.796,8 tỷ đồng.
Ông Tài không phải đại gia duy nhất có sự bứt phá ngoạn mục trong năm nay. Trong quý 2, thị trường chứng kiến bước tiến đáng nể của các đại gia thủy sản. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn là người giàu nhất trong các doanh nhân thủy sản.
Kể từ đầu năm tới nay, VHC đã tăng gần 32.000 đồng/CP, tương ứng 145% lên 54.000 đồng/CP. Đà tăng mạnh của VHC đã “thổi” tài khoản của bà Khanh “phồng” lên kỷ lục. Bà Khanh đút túi thêm 972,27 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 22/9, bà Khanh có 1.641 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. Hiện bà Khanh đang đứng ở vị trí thứ 8 trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam.
MPC thậm chí còn có tốc độ tăng mạnh hơn VHC. Tính từ thời điểm cuối năm 2013, MPC đã tăng 46.900 đồng/CP, tương ứng 217,13% lên 68.500 đồng/CP. Tuy nhiên, do sở hữu số lượng cổ phiếu khiêm tốn hơn bà Khanh nên bà Chu Thị Bình, Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú “nghèo” hơn bà Khanh.
Cụ thể, hiện bà Bình có 1.197 tỷ đồng sau khi khối tài sản tăng thêm 819,58 tỷ đồng. Bà Bình đang là người giàu thứ 14. Hưởng lợi từ đà tăng phi mã của MPC, ông Lê Văn Quang, chồng bà Bình, người đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú đứng ở vị trí thứ 15 với 1.093 tỷ đồng.
Không tăng mạnh như MWG hay cổ phiếu thủysản, nhưng FPT cũng có đà đi lên ấn tượng khi có thêm 16.900 đồng/CP và dừng ở mức 53.000 đồng/CP trong ngày 22/9. FPT giúp ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT tiến lên rất sát Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, cổ phiếu FPT giúp ông Bình đút túi 330,76 tỷ đồng. Hiện ông Bình đang nắm giữ khối tài sản trị giá 1.302 tỷ đồng. Trước đây, khi thị trường chứng khoán bùng nổ, cổ phiếu FPT “leo thang”, ông Bình đã từng chạm tới vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Nhiều đại gia cải thiện được vị trí đồng nghĩa với việc nhiều đại gia khác phải đi lùi. Những người tuột dốc đáng kể nhất phải nhắc tới chính là ông Lê Phước Vũ và ông Đặng Thành Tâm. Trước đây, hai đại gia này thường xuyên nằm trong Top 10 thì hiện nay, cả hai đều rơi xuống Top 20.
Tuy nhiên, sự tuột dốc của ông Vũ và ông Tâm không phải do cổ phiếu sụt giảm. Nguyên nhân là do hai vị đại gia này bán ra số lượng rất lớn cổ phiếu HSG và KBC, từ đó khiến tổng tài sản sụt giảm.