Chủ tịch tập đoàn Him Lam - Dương Công Minh
Là ông chủ của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất (nếu tính theo vốn điều lệ), ít người biết, cựu sinh viên Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp của ngành, trong đó có công ty Xuất nhập khẩu Bộ Quốc Phòng. Ngay cả cái tên mà ông chọn đặt cho tập đoàn của mình cũng mang đầy chất lính mà ông từng chia sẻ rằng: "Đây là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chúng tôi muốn công ty của mình cũng gây được tiếng vang như thế trong tương lai”.
Từng thất bại trong những ngày đầu rời quân ngũ ra kinh doanh riêng với thương vụ buôn xoài xuất sang Trung Quốc, ông Minh phải bán căn nhà rộng 1.000 m2 để trả nợ. Chính từ những rắc rối gặp phải khi thực hiện các giấy tờ nhà đất mà doanh nhân này đã quyết định mở công ty chuyên về dịch vụ này, với mức lợi nhuận lên tới 300%. Từ đây, ông mở công ty phát triển dự án và xây dựng nhà ở, rồi đến sân golf. Hiện Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, và vị chủ tịch này được xem là một trong những đại gia Việt ẩn danh trên sàn chứng khoán.
"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển
Từng là chiến sĩ thuộc binh đoàn tàu không số - lực lượng vũ trang huyền thoại của Việt Nam - vào những năm cuối của cuộc chiến trang chống Mỹ, doanh nhân Đào Hồng Tuyển đã có thời gian dài gắn bó với màu áo lính. Ông cũng giữ chức Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân.
Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, Đào Hồng Tuyển từng quyết định trụ lại ở Sài Gòn để lập nghiệp dù khi ấy ông không có nghề, không nơi ở, phải kiếm sống bằng việc dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu. Đến những năm 90, ông dồn vốn mua lại các xí nghiệp của chế độ cũ và xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát, phân bón...
Năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển - khi đó là Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc - đã quyết định đổ khoảng 80 tỷ đồng để xây con đường độc đạo xuyên biển, nối Tuần Châu với đất liền đổi lại được khai thác 98 ha đất trên đảo. Ông lập ra tập đoàn Tuần Châu, xây dựng hàng loạt công trình vui chơi và nghỉ dưỡng tại hòn đảo này, và trở thành một trong những đại gia giàu nhất Việt Nam.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE - Nguyễn Thị Mai Thanh
Là một trong những nữ doanh nhân xuất sắc nhất tại Việt Nam, nhiều lần được các tạp chí danh tiếng quốc tế vinh danh, nhưng ít ai biết bà chủ REE đã từng khoác màu áo lính. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống quân đội, bà Thanh sớm gia nhập quân ngũ khi mới 16 tuổi. Bà trở thành người lính quân y của mặt trận miền Đông Nam Bộ trong suốt 6 năm, trước khi được cử ra Bắc học văn hóa.
Năm 1982, bà tốt nghiệp bằng kỹ sư tại Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức). Từ đó, bà bắt đầu gắn bó với nghề điện lạnh khi làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh. Sau 3 năm, bà được bổ nhiệm vị trí phó tổng giám đốc và 10 năm sau trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE. Dưới sự quản lý của Chủ tịch Mai Thanh, REE từ một xí nghiệp nhỏ, cũ kỹ, chỉ chuyên sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá đã trở thành thương hiệu có giá trị thị trường tới 200 triệu USD. REE cũng là công ty Việt đầu tiên cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ông chủ Đại Nam Huỳnh Uy Dũng
Nhập ngũ từ khi chưa hoàn thành chương trình học phổ thông, doanh nhân gốc Bình Định từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam vào những năm 1975. Sau đó, ông lui về làm công tác hậu cần, tiếp tế lương thực, quân trang tại Quân khu 5, rồi đến Quân khu 7.
Sau khi kết thúc chiến tranh, ông về công tác tại bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một. Với sự nhanh nhạy của một người lính nhiều năm làm công tác hậu cần quân đội, ông đã phát triển nhiều ý tưởng kinh doanh để giúp đỡ đồng nghiệp và chính bản thân mình thoát nghèo. Từ thành công nhờ ý tưởng phát triển khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam tại Bình Dương, ông mở khu du lịch Đại Nam, sở hữu công trình du lịch lớn nhất Đông Nam Á với số vốn phải chi lên tới 5.000 tỷ đồng.
Nguyễn Tuấn Hải - Vị doanh nhân kín tiếng của Alphanam
Sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ đều theo nghề giáo, nhưng khi còn trẻ, ông chủ tập đoàn Alphanam lại không theo nghiệp gia đình. Sau khi hoàn thành nghiệp lính tại Bộ tư lệnh Biên phòng, ông về mở công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, rồi đến khách sạn. Năm 1995, công ty TNHH Alphanam ra đời, với ngành nghề đầu tiên là sản xuất tủ điện. Hiện doanh nghiệp này đã mở rộng sang nhiều ngành khác, trong đó nổi bật nhất là bất động sản, sản xuất công nghiệp và lương thực, thực phẩm.
Nổi lên nhờ việc "niêm yết cửa sau" và nhanh chóng đứng vào top 10 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2012 với tổng tài sản khoảng 1.046 tỷ đồng, thế nhưng chưa đầy 1 năm sau, công ty của ông Nguyễn Tuấn Hải bất ngờ xin hủy niêm yết khi tiến hành tái cơ cấu. Bản thân ông chủ Alphanam cũng như lui dần về hậu trường và bàn giao sự nghiệp lại cho con cái. Ông từng chia sẻ, sau sau gần 30 năm kinh doanh, ông dường như đã hoàn thành sứ mệnh làm doanh nhân. Vì vậy, ông muốn được làm một việc khác mà mình ấp ủ lâu nay là nghề giáo bởi nhận thấy có năng khiếu và cũng là để tiếp tục truyền thống gia đình.