Mỗi dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, nhiều tỉnh thành trang trí đường phố bằng việc tạo hình cây xanh, trang trí đèn LED và hình họa những biểu tượng của địa phương.
Việc trang hoàng đường phố tạo không khí sôi động, hứng khởi, mang đến màu sắc tươi vui cho các khu trung tâm trong dịp Tết đến, xuân về. Tuy nhiên, không phải mẫu trang trí nào cũng được người dân đón nhận và hưởng ứng. Nhiều mẫu trang trí tại một số địa phương bị gắn mác “thảm họa”.
Thiếu thẩm mỹ
Mới đây, hình ảnh mô hình rồng kết bằng hoa vàng trang trí trên đường Lê Hồng Phong (TP Hải Phòng) khiến người dùng mạng xã hội xôn xao. Vẻ ngoài của mô hình khiến nhiều người chê bai, chế giễu.
Đa phần ý kiến cho rằng đường nét phần đầu rồng không hề giống hình ảnh mạnh mẽ, uy nghiêm, có phần ghê rợn thường thấy của con vật này trong các bản vẽ, tượng hay mô hình mẫu từ xưa đến nay.
Không chỉ vậy, nhiều người còn chế giễu phần đầu mô hình ngộ nghĩnh, lại có màu vàng giống nhân vật hoạt hình Pikachu nổi tiếng của Nhật hơn là hình mẫu rồng truyền thống của dân tộc.
Trước những phản ứng của người dân và phản ánh từ báo chí, thành phố Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu sở xây dựng kiểm tra cụ thể việc trang trí mô hình rồng vàng gây tranh cãi.
Theo đó, Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hải Phòng phải sửa mô hình giống hình mẫu rồng, nếu không, phải tháo dỡ.
Cận cảnh mô hình rồng gây tranh cãi tại Hải Phòng. Ảnh: Thùy Linh. |
Ngoài những dự án trang trí đường phố của Hải Phòng, nhiều mẫu trang trí đường phố, cổng chào tại một số tỉnh thành trên cả nước cũng gặp phải ý kiến, phản ứng tiêu cực của người dân.
Gần đây nhất, để chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM đã được trang trí đèn hoa nghệ thuật nhiều màu sắc.
Tuy nhiên, phần trang trí trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) bị người dân chê lòe loẹt, rối mắt và cẩu thả. Đoạn đường dài chưa đến 500 m nhưng có đến hơn chục dải đèn trang trí khiến Nhà thờ Đức Bà nhìn hướng từ Hồ Con Rùa bị che khuất.
Tại Hà Nội, cách đây một năm, trước dịp Tết Nguyên đán 2016, Hà Nội trang trí đường phố bằng những thiết kế hoa đèn rực rỡ. Tuy nhiên, kiểu trang trí của thủ đô bị chê tạo hình quê, đèn màu lòe loẹt, nhức mắt, không tạo thêm vẻ đẹp cho đường phố mà còn gây ô nhiễm màu sắc.
Đặc biệt, thiết kế đài hoa khung thép trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục gặp nhiều ý kiến bức xúc vì tạo hình thô, màu sắc kém sang, khó xác định tên loài hoa. Nhiều người dân còn chế giễu rằng đây là đài hoa rau muống hay cây ăn thịt người trong truyện cổ tích.
Đèn dây lòe loẹt, rối mắt trên đường Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Ảnh: Lê Quân. |
Khi đó, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội đã tiếp nhận ý kiến của người dân và báo chí để tháo dỡ và chỉnh sửa những phần trang trí đường phố hay đài hoa rau muống gây tranh cãi.
Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội – nhận định: “Cái đẹp thì mỗi người một ý. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và người dân để điều chỉnh. Mong người dân ủng hộ chúng tôi để làm cho Hà Nội đẹp thêm”.
Lãng phí, thiếu thực tế
Năm 2010, dự án dựng 5 cổng chào trên các trục đường dẫn vào nội thành để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội gặp phải nhiều ý kiến phản đối gay gắt.
Vấn đề được đưa vào “mổ xẻ”, phân tích trong các kỳ họp của HĐND thành phố Hà Nội. Nhiều đại biểu nhận định dự án này không mang lại hiệu quả thiết thực, gây xôn xao dư luận vì lãng phí. Đồng thời, họ yêu cầu dừng dự án và sử dụng vốn đầu tư vào công việc, sự kiện khác thực tế, quan trọng hơn.
Thành phố Hà Nội sau đó đã báo cáo trình lên trên xin dừng việc xây dựng 5 cổng chào này.
Sau dự án 5 cổng chào của Hà Nội, nhiều dự án trang trí, cổng chào ở nhiều địa phương với vốn đầu tư lớn cũng gặp phải sự phản ứng trái chiều của dư luận.
Cụ thể, cổng chào tỉnh Quảng Ninh tại nơi tiếp giáp với huyện Chí Linh, Hải Dương được đánh giá cao về kiến trúc khá độc đáo, biểu trưng là tầng than, núi non và dưới là sóng biển Hạ Long gây tranh cãi vì chi phí đầu tư “khủng”.
Để xây dựng cổng chào hoành tráng, phá cách nhất Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư số vốn gần 200 tỷ đồng huy động từ nguồn vốn xã hội hóa (trong tổng số 368 tỷ đồng cho toàn bộ cổng tỉnh và điểm dừng chân tỉnh Quảng Ninh).
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ công trình với hy vọng tạo nên diện mạo mới, thúc đẩy du lịch cho toàn tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng việc bỏ ra quá nhiều tiền như vậy để xây cổng chào là lãng phí, không thực tế.
Đài hoa rau muống gây tranh cãi trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Cũng có chi phí đầu tư gần 200 tỷ đồng, công trình nhạc nước của thành phố Hải Phòng phải tháo dỡ chỉ sau 2 năm tồn tại vì bộc lộ nhiều bất cập như: vị trí không phù hợp, hiệu quả thấp, người xem thưa dần và âm thanh từ dàn nhạc nước ảnh hưởng tới người dân xung quanh.
Không những vậy, chi phí mỗi năm để duy trì hoạt động và bảo dưỡng công trình nhạc nước cũng mất hơn 2 tỷ đồng mà không thể bán vé thu tiền.
Cũng tại Hải Phòng, dự án đèn LED nghệ thuật trang trí trung tâm thành phố trị giá hơn 24 tỷ đồng cũng vừa bị tháo dỡ sau 2 năm sử dụng vì hư hỏng, xuống cấp.
Việc trang trí đường phố, xây dựng cổng chào… là những hoạt động phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước mỗi dịp lễ, Tết, sự kiện quan trọng. Hoạt động này được người dân ủng hộ và hào hứng chờ đón diện mạo mới, tươi trẻ của khu trung tâm.