Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những công trình phải di dời khi xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Căn cứ không quân, hangar của hãng hàng không và trạm trộn bê tông là những công trình phải di dời để có mặt bằng xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

nha ga T3 Tan Son Nhat anh 1

Sau hơn 2 năm từ ngày được phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vẫn chưa thể khởi công do vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng 16,05 ha đất quốc phòng.

Hy vọng giải quyết triệt để vướng mắc tại dự án này được thắp lên khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra thực địa và đưa ra những chỉ đạo để bàn giao mặt bằng dự án trong tháng 7.

Hạ tầng quân sự dày đặc trên đất xây nhà ga

Theo trình tự đầu tư, ACV chỉ có thể triển khai thi công dự án khi được bàn giao 16,05 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý.

nha ga T3 Tan Son Nhat anh 2

Khu vực dự kiến xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (vùng màu đỏ). Ảnh: Google Maps.

Trên thực địa, 16,05 ha đất này bao gồm nhiều hạng mục thuộc quản lý của Lữ đoàn Không quân 918 (9,2 ha) và sư đoàn không quân 370 (6,8 ha).

Cụ thể, Lữ đoàn Không quân 918 đang quản lý, sử dụng 9,2 ha đất với 41 hạng mục gồm kho khí tài, hội trường, nhà phi công, nhà chỉ huy lữ đoàn... đây cũng là các hạng mục của căn cứ sân bay Tân Sơn Nhất mà quân đội tiếp quản từ sau năm 1975.

Cũng trong diện tích 9,2 ha này có 2 công trình của doanh nghiệp gồm nhà sửa chữa, bảo trì máy bay (hangar) của Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) và trạm trộn bê tông của Công ty Hangsang. Cả 2 công trình do các doanh nghiệp xây lắp trên đất quốc phòng.

6,8 ha của Sư đoàn Không quân 370 bao gồm các hạng mục như sở chỉ huy, nhà chứa máy bay, nhà để xe, kho khí tài, trạm trộn bê tông... tổng cộng 32 hạng mục.

Sau khi bàn giao các diện tích đất trên cho UBND TP.HCM, Sư đoàn 370 còn lại khoảng 4,2 ha đất giáp sân bay để tiếp tục sử dụng vào mục đích quốc phòng. Diện tích của Lữ đoàn 918 còn lại khoản 0,1 ha (trên thực địa là đất trống).

Vướng mắc cần giải quyết

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, hiện còn 3 vướng mắc lớn cần giải quyết liên quan đến mặt bằng nhà ga T3 và dự án đường giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.

Thứ nhất, toàn bộ diện tích 16,05 ha đất xây nhà ga và 11,89 ha đất xây đường giao thông chưa nằm trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 và chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại các nghị định có liên quan của Chính phủ.

Vướng mắc thứ 2 liên quan đến kinh phí thực hiện. Bộ Quốc phòng ước tính kinh phí 1.152 tỷ đồng để di dời Lữ đoàn 918 về sân bay Biên Hòa và xây mới căn cứ cho Sư đoàn 370 tiếp tục hoạt động tại Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, việc xây nhà ga T3 sẽ ảnh hưởng đến một số công trình chiến đấu của lực lượng không quân tại Tân Sơn Nhất. Bộ Quốc phòng ước tính kinh phí 712 tỷ đồng để xây mới các công trình này.

Vướng mắc cuối cùng liên quan đến tiến độ bàn giao. Theo Bộ Quốc phòng, việc bàn giao 16,05 ha đất để xây nhà ga T3 sẽ phải chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 2 với 1,293 ha sẽ được bàn giao sau khi xử lý xong tài sản trên đất (hangar) của Vietstar Airlines.

Đối với dự án giao thông kết nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, Bộ Quốc phòng cho biết chỉ bàn giao 11,89 ha đất cho dự án này sau khi UBND TP.HCM thực hiện bồi thường, hỗ trợ kinh phí và các đơn vị quân đội hoàn thành dồn dịch, xây dựng doanh trại, công trình bị ảnh hưởng.

Một nghị quyết để tháo gỡ hết vướng mắc

Sau chuyến thị sát sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá việc triển khai thủ tục bàn giao mặt bằng xây nhà ga T3 còn nhiều bất cập, không đảm bảo tiến độ.

nha ga T3 Tan Son Nhat anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát sân bay Tân Sơn Nhất ngày 9/7. Ảnh: VGP.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm trong việc tham mưu giải quyết khó khăn, không vì thủ tục hành chính mà làm cản trở, chậm triển khai dự án.

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành và UBND TP.HCM soạn ngay một dự thảo nghị quyết về việc xử lý đồng bộ các vướng mắc trong việc xây dựng nhà ga T3 và dự án đường giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.

Đến nay, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành dự thảo nghị quyết, trong đó bổ sung, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng đến năm 2020 theo hướng bàn giao 16,05 ha đất quốc phòng cho dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và 11,89 ha đất quốc phòng cho dự án xây đường nối sân bay.

Bên cạnh đó, nghị quyết cho phép Thủ tướng phê duyệt phương án xử lý công trình của Sư đoàn 370 và Lữ đoàn 918 theo hình thức thu hồi đất; đồng thời, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị quân đội bị ảnh hưởng khi bàn giao đất xây đường nối vào sân bay.

Cũng trong dự thảo nghị quyết, Bộ Quốc phòng sẽ được giao lập dự án đầu tư xây dựng công trình quốc phòng cho các đơn vị quân đội bị ảnh hưởng khi bàn giao đất để xây nhà ga T3 và đường giao thông kết nối.

Bộ KHĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính và Bộ Quốc phòng đề xuất nguồn vốn thực hiện.

Trong bối cảnh 2 nhà ga hiện hữu của Tân Sơn Nhất đã quá tải, dự án đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 19/5/2020, giao Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) làm chủ đầu tư.

Nhà ga có công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ có tổng vốn đầu tư 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Thời gian hoàn thành dự án sau 37 tháng kể từ ngày khởi công.

Thủ tướng chỉ đạo sớm xây nhà ga T3, di dời ụ bê tông tại Tân Sơn Nhất

Khảo sát thực địa tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm phát triển hạ tầng, khắc phục tình trạng quá tải tại sân bay.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm