Hệ thống cảm biến gắn trên mũ bay tích hợp hứa hẹn thu hút sự quan tâm của khách hàng. Ảnh: Defence-update |
Triển lãm hàng không lớn nhất thế giới Paris Air Show 2015 đã chính thức khai mạc từ ngày 15/6 tại sân bay Le Bourget, Paris, Pháp. Theo Defence Update, triển lãm năm nay vắng bóng các mẫu tiêm kích thế hệ 5 như F-22 Raptor, F-35 Lighting II của Mỹ hay PAK FA T-50 của Nga.
Tiêm kích thế hệ 5 không tham gia triển lãm nhưng nhiều công nghệ của thế hệ này vẫn được trưng bày. Điển hình là động cơ phản lực thế hệ mới, hệ thống điện tử tương lai, hệ thống mũ bay tích hợp, cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại tầm xa.
Trong đó, hệ thống mũ bay tích hợp có thể giúp phi công khóa mục tiêu và khai hỏa tên lửa bằng cách ngoái đầu nhìn về nó. Đây là những phân nhánh công nghệ có thể áp dụng để nâng cấp cho các máy bay chiến đấu hiện tại.
Bên cạnh đó, công nghệ radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều khách hàng. AESA có thể thay thế cho các radar trên tiêm kích thế hệ 4 và 4++ cho phép nâng cao hiệu suất tìm kiếm mục tiêu.
Ngoài ra, cảm biến mới cho phép máy bay sử dụng các tên lửa thế hệ 5 như Meteor của tập đoàn MBDA hay Derby-ER của Israel. Các tên lửa mới có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tới 100 km ở độ chính xác cao.
Máy bay hỗ trợ gần
Chiến đấu cơ giá rẻ Scopion, giải pháp hữu ích cho trinh sát và hỗ trợ hỏa lực cự ly gần. Ảnh: Airliners |
Các chuyên gia quân sự nhận định, nhu cầu thế giới về các máy bay trinh sát, giám sát và hỗ trợ hỏa lực cự ly gần đang gia tăng. Công ty Thrush Aircraft, Mỹ, đã giới thiệu mẫu máy bay trinh sát và chi viện hỏa lực S2R-660 Archangel với nhiều tính năng ưu việt.
Máy bay được thiết kế thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực xung đột cường độ trung bình hoặc thấp. Các kỹ sư đã kết hợp khung máy bay phun thuốc trừ sâu với cảm biến hiện đại cho phép tạo ra một chiến đấu cơ hiệu quả. Archangel đặc biệt hữu ích trong nhiệm vụ chống khủng bố ở khu vực Trung Đông. Giá trị sử dụng cao và chi phí thấp là ưu điểm của mẫu máy bay này.
Bên cạnh đó, tập đoàn Textron Airland, Mỹ cũng đem tới triển lãm mẫu chiến đấu cơ giá rẻ Scorpion. Máy bay sở hữu hệ thống cảm biến tiên tiến cung cấp khả năng trinh sát trên không và truyền video thời gian thực. Ngoài ra, máy bay có 6 điểm treo vũ khí với tải trọng hơn 4 tấn mang lại hiệu suất chiến đấu không thua kém các tiêm kích.
Ngoài các mẫu chiến đấu cơ giá rẻ mới, vũ trang máy bay vận tải tương tự như C-130J Gunship đã chứng minh hiệu quả cao. Trong bối cảnh các nước đang cắt giảm ngân sách quốc phòng thì giá cả trở thành yếu tố chi phối khả năng thắng thầu của những nhà cung cấp.
Máy bay không người lái
UAV trinh sát tầm xa IAI Heron của Israel. Ảnh: Defenceindustrydaily |
Các phương tiện bay không người lái (UAV) cũng là xu hướng chi phối triển lãm Paris Air Show. UAV dùng cho nhiệm vụ trinh sát sẽ là mặt hàng có doanh số cao trong thời gian tới, theo nhận định của các chuyên gia.
UAV có thời gian hoạt động trên không dài, tính độc lập cao, có thể làm nhiệm vụ tại các khu vực nguy hiểm mà không lo ngại đến tính mạng phi công là những ưu điểm vượt trội của loại máy bay này.
Ngoài nhiệm vụ trinh sát, UAV còn có khả năng tấn công đáng sợ. MQ-9 Reaper, MQ-1 Predator của Mỹ có thể tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao. Các trận không chiến trong tương lai sẽ là cuộc chạm trán giữa các máy bay không người lái.
Phòng không và phòng thủ tên lửa
Đây là chủ đề nóng tại sự kiện hàng không lần thứ 51 ở Pháp. Các nhà thầu đem tới triển lãm nhiều hệ thống vũ khí mới cho nhiệm vụ phòng không. Đức mang giới thiệu hệ thống MEADS hợp tác với Mỹ và Italy. Israel quảng bá hệ thống radar MF-STAR kết hợp với tên lửa Barak 8 có thể thiết lập ô phòng không cho tàu chiến hoặc trên đất liền.
Tập đoàn IAI, Israel trình làng radar cảnh báo sớm tầm xa ULTRA-C1 có khả năng phát hiện máy bay ở cự ly tới 500 km hay phát hiện vụ phóng tên lửa, máy bay tàng hình từ xa. Kongsberg, Na Uy hợp tác với Raytheon, Mỹ giới thiệu hệ thống phòng không NASAMS. Defence Update nhận định, vũ khí phòng không hứa hẹn sẽ thu hút nhiều đơn hàng từ các nước.