Người dân sống tại quận Akita, Nhật Bản không ngạc nhiên khi thấy xác con tàu đánh cá bằng gỗ tấm đơn sơ trôi dạt vào bờ biển thành phố Oga hôm 27/11. Vương vãi trên tàu là những chùm tỏi đã héo quắt, lưới đánh cá rách lưa thưa cùng những đoạn dây thừng sắp mục, dấu vết của một chuyến hành trình dài ngày.
Nguồn gốc xuất xứ của con tàu gỗ mục được hé lộ khi người ta tìm thấy những lọ tương ớt gochujang và vài hộp thuốc lá với nhãn hiệu bằng tiếng Hàn. Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản tin rằng con tàu mang theo 8 thi thể, nay đều đã khô quắt, xuất phát từ Triều Tiên.
Những vật dụng tìm thấy trên con tàu dạt vào bờ biển thành phố Oga ngày 27/11. Ảnh: New York Times. |
Số thủy thủ Triều Tiên cập bến tăng cao bất thường
Chỉ trong 2 tuần cuối của tháng 11, ít nhất 7 tàu đánh cá đã cập bến Akita, tất cả trong số chúng đều mang những dấu hiệu không thể nhầm lẫn của Triều Tiên.
Một trong số những con tàu như vậy, mang theo 8 thủy thủ còn sống sót, trôi dạt đến thành phố cảng Yurihonjo ngày 23/11, nơi họ bị tạm giam tại đồn cảnh sát thành phố. Hôm 2/12, nhóm thủy thủ trên được chuyển tới một cơ sở nhập cư tại Nagasaki. Nhà chức trách Nhật Bản cho biết nhóm thủy thủ sẽ được đưa về Triều Tiên.
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên, sự xuất hiện của những con tàu "ma" làm dấy lên quan ngại tại Nhật Bản, nơi người dân lo lắng về động cơ của những thủy thủ không rõ danh tính và mục đích của những người, nếu thực sự tồn tại, đã gửi đi những con tàu đó.
"Tôi rất băn khoăn vì sao lại có nhiều con tàu bất minh xuất hiện trong một thời gian quá ngắn như vậy", Kazuko Komatsu, một công dân Nhật Bản 66 tuổi sống gần bến tàu tại thành phố Yurihonjo, nói với New York Times.
Komatsu, cũng giống như hầu hết người Nhật Bản, biết tới Triều Tiên qua miêu tả của báo chí như một quốc gia bí ẩn cùng những câu chuyện về người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc từ thập niên 70 của thế kỷ 20.
Những năm trước, hầu hết tàu cá Triều Tiên trôi dạt vào bờ biển đều chỉ mang theo những thi thể thuyền viên đã tử vong. Năm nay, số người Triều Tiên còn sống đặt chân lên Nhật Bản cao bất thường. Tổng cộng, 18 người Triều Tiên còn sống sau khi trôi dạt tới Nhật Bản trên các con tàu trong năm 2017.
Các thuyền viên Triều Tiên cho biết tàu của họ gặp phải thời tiết xấu và trục trặc kỹ thuật trước khi mất phương hướng rồi lạc đến Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều người Nhật Bản không tin vào những câu chuyện rủi ro tình cờ, họ nghi ngờ động cơ đen tối phía sau những thủy thủ đến từ quốc gia bí ẩn bên kia đại dương.
Các thành phố Oga và Yurihonjo nằm ở tây bắc Nhật Bản là nơi có nhiều tàu cá Triều Tiên dạt vào bờ. Đồ họa: New York Times. |
Ám ảnh những vụ bắt cóc
Tại Yurihonjo, nơi 8 thuyền viên Triều Tiên sống sót sau khi dạt vào bờ biển ngày 23/11, tờ báo địa phương Akita Sakigake chạy dòng tiêu đề trên trang nhất: "Họ có phải là gián điệp?".
Bên ngoài những cửa hàng tiện lợi tại thành phố cảng này, những mẩu chuyện về danh tính và mục đích của các thủy thủ Triều Tiên được bàn tán không ngớt.
"Tôi nghi họ đang cố bắt cóc ai đó", Mariko Abe, 66 tuổi, đặt ra nghi vấn. Bà Abe thậm chí còn lo ngại có nhiều "gián điệp" khác được Bình Nhưỡng gửi tới và hiện lẩn trốn đâu đó trong thành phố.
Trong thập niên 70 và 80, cơ quan tình báo Triều Tiên đã bắt cóc và đưa nhiều công dân Nhật Bản về nước. Năm 2002, nhà lãnh đạo Triều Tiên khi đó là ông Kim Jong Il thừa nhận Triều Tiên từng bắt cóc và giam giữ 13 công dân Nhật Bản. 5 trong số đó đã được trả tự do, trong khi 8 người khác bị Bình Nhưỡng tuyên bố đã chết.
Cơn ác mộng về nguy cơ bị điệp viên Triều Tiên bắt cóc, vốn chưa từng buông tha người Nhật, nay lại có dịp bùng lên. Sự việc càng thêm tồi tệ khi Thủ tướng Shinzo Abe cũng phát biểu về khả năng những thủy thủ đầu tiên dạt vào bờ biển Yurihonjo hồi tháng 11 là điệp viên của Triều Tiên.
Để xóa đi những đồn đoán vô căn cứ gây hoảng loạn trong dân chúng, cảnh sát Akita thông báo cơ quan nhập cư Nhật Bản đã cấp giấy phép neo đậu khẩn cấp tạm thời cho thuyền viên cập bến ngày 23/11, đồng thời xác nhận những người này không phải điệp viên của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, khác với Hàn Quốc nơi nhà chức trách công bố phần lớn chi tiết các vụ người Triều Tiên đào tẩu về phía Seoul, cảnh sát Nhật Bản kín đáo hơn trong cung cấp thông tin liên quan tới các thủy thủ Triều Tiên mắc cạn. Điều này càng khiến những câu chuyện về bắt cóc và gián điệp có điều kiện lan rộng.
Hé lộ cuộc sống người Triều Tiên
"Họ chỉ là nông dân hoặc ngư dân đang tìm cách kiếm thêm thu nhập mà thôi", Satoru Miyamoto, giáo sư ngành khoa học chính trị từ Đại học Seigakuin, nhận định.
Những hình ảnh tuyên truyền được Bình Nhưỡng công bố mới đây cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang đẩy mạnh đánh cá thương mại, với mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng thủy hải sản đánh bắt trong năm nay.
Con tàu trôi dạt vào bờ biển thành phố Oga hôm 27/11. Ảnh: New York Times. |
Jiro Ishimaru, nhà báo phụ trách Triều Tiên tại Asia Press, cho biết ngư dân Triều Tiên sẵn sàng liều mình trên những con tàu cũ kỹ lạc hậu nhằm có được những mẻ bạch tuộc bội thu ngoài khơi biển Nhật Bản. Doc bờ biển phía đông Triều Tiên, có những làng chài được mệnh danh là "làng góa phụ", khi nhiều ngư dân đã một đi không trở lại.
"Họ thiếu đào tạo các kỹ năng cần thiết. Khi đương đầu với đại dương hung dữ trên những con thuyền lạc hậu, họ thực sự gặp rắc rối", giáo sư Miyamoto nói.
8 thủy thủ trên tàu đánh cá dạt vào bờ biển Oga, giống như nhiều người Triều Tiên xấu số khác, đã thiệt mạng dưới sự khắc nghiệt của đại dương. Khám nghiệm tử thi cho biết 2 trong số họ đã chết đuối. Nhà chức trách Nhật Bản không thể xác định nguyên nhân gây ra cái chết cho 6 thuyền viên còn lại.
Những nắm tro nơi xứ người
Cuối tuần qua, thành phố Oga tổ chức lễ hóa thân cho 8 nạn nhân được tìm thấy trên còn tàu trôi dạt. Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản hiện vẫn lưu giữ móng tay của các thi thể đề phòng trường hợp gia đình các nạn nhân tìm tới.
Hiện tại, tro cốt của 8 thuyền viên được lưu giữ tại đại sảnh của Đền Tousenji, một ngôi chùa thiền tự ở Oga. Những tro cốt này, sau một thời gian không có thân nhân tìm tới, sẽ được chôn trong nghĩa trang dành cho các vong hồn vô danh tại hậu viện của ngôi đền.
Ryosen Kojima, một thầy tu tại Tousenji, cho biết ngôi đền này tiếp nhận 2-3 bộ tro cốt của các ngư dân Triều Tiên mỗi năm. Những tro cốt này hiếm khi được hồi hương và cũng không có cá nhân hay tổ chức nào liên hệ để xác định danh tính người thân.
"Họ đều là con người như chúng ta, có cha mẹ và gia đình. Tôi thực sự đau lòng về số phận của họ", thầy tu Kojima nói.