Trong danh sách trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có Tổng bí thư, Thủ tướng, 2 phó thủ tướng, 15 bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Danh sách 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bao gồm 120 nhân sự tái cử, 80 nhân sự lần đầu tham gia. Trong số 180 ủy viên chính thức, có 119 người là ủy viên Trung ương khóa XII tái cử và 61 người được bầu mới. Chỉ 1 trong 20 ủy viên dự khuyết là nhân sự tái cử.
Độ tuổi trung bình của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là 53,78 cao hơn so với khóa trước. Tuổi trung bình của các ủy viên Trung ương khóa XII khi được bầu là 52,5.
Người trẻ nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới là ông Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết, 38 tuổi. Ông cũng là trường hợp duy nhất dưới 40 tuổi trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ủy viên chính thức trẻ nhất là ông Nguyễn Anh Tuấn (42 tuổi) - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Ban lãnh đạo khóa mới của Đảng có duy nhất một trường hợp trên 70 tuổi là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (sinh năm 1944).
Chiếm tỷ trọng đông nhất trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII theo tuổi là nhóm từ 50-59 tuổi, với 115 người, chiếm 57,5%. Nhóm 60-69 tuổi có 35 người, chiếm 17,5% trong đó có 20 người cùng 60 tuổi. Nhóm 40-49 tuổi có 48 người, chiếm 24%.
Trong số 200 ủy viên Trung ương khóa XIII có 19 nữ, gồm 18 chính thức và một dự khuyết, giảm 1 so với khóa XII.
Các tỉnh thành có nhiều ủy viên Trung ương sinh ra tại địa phương là Hà Nội (21), Nghệ An (14), Nam Định (13), Hà Tĩnh (11), Hải Dương (8), Ninh Bình, Hưng Yên, Quảng Nam (7), Cà Mau, Phú Thọ, Thái Bình (6), Bến Tre, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Vĩnh Phúc (5), Bắc Ninh, Bình Dương, Tây Ninh (4), Bạc Liêu, Bình Định, Long An, Quảng Bình, Vĩnh Long (3), Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP.HCM, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tiền Giang (2).
Trong danh sách trúng cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 8 ủy viên Bộ Chính trị và 7 Bí thư Trung ương Đảng khóa XII tái cử, trong đó 2 trường hợp đặc biệt là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
6 ủy viên khác của Bộ Chính trị khóa XII tái đắc cử gồm các ông Phạm Minh Chính (Trưởng ban Tổ chức Trung ương); Vương Đình Huệ (Bí thư Thành ủy Hà Nội); Võ Văn Thưởng (Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương); Phạm Bình Minh (Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao); Tô Lâm (Bộ trưởng Công an) và bà Trương Thị Mai (Trưởng ban Dân vận Trung ương).
Có 7 Bí thư Trung ương Đảng khóa XII tái cử vào Trung ương khóa XIII gồm các ông Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành ủy TP.HCM); Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TAND Tối cao); Lương Cường (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam); Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính Trung ương); Nguyễn Xuân Thắng (Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương); Trần Cẩm Tú (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương); Trần Thanh Mẫn (Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam).
15 người nói trên cũng được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bầu vào Bộ Chính trị vào ngày 31/1, trong phiên họp toàn thể đầu tiên của khóa mới.
Ngoài hai trường hợp đặc biệt thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII tái cử, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 8 người khác được bầu cũng trong diện đặc biệt (trên 60 tuổi với trường hợp tái cử và trên 55 tuổi với trường hợp tham gia lần đầu).
4 trường hợp đặc biệt thuộc diện tái cử đều sinh năm 1960 là thượng tướng Phan Văn Giang (Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí.
4 trường hợp đặc biệt lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương gồm một trường hợp thuộc nhóm địa phương và 3 ủy viên ở trung ương. Cả 4 vị này năm nay đều 56 tuổi, gồm Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, Phó ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc và 2 thứ trưởng Bộ Công an là các ông Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc.
Trong cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới có 109 ủy viên chính thức từ khối Trung ương trong khi ủy viên chính thức từ các địa phương là 71. Trong khi đó, 16 trong số 20 ủy viên dự khuyết từ các địa phương, bao gồm 6 phó bí thư tỉnh, thành và 10 lãnh đạo chính quyền địa phương.
Ở khối Trung ương, có 30 ủy viên chính thức đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, hơn 10 người giữ vị trí đứng đầu các cơ quan của Quốc hội và hơn 50 người nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong bộ máy Chính phủ, cùng một đại diện từ Văn phòng Chủ tịch nước.
Ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 2 phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 15 bộ trưởng, trưởng ngành và 18 thứ trưởng trúng cử vị trí ủy viên chính thức. Ngoài ra, có 2 thứ trưởng được bầu là ủy viên dự khuyết.
Có 11 ủy viên Trung ương khóa mới đang nắm giữ các vị trí đứng đầu ở các cơ quan của Quốc hội, bao gồm 5 chủ nhiệm các ủy ban, Trưởng ban Dân Nguyện, 4 phó chủ nhiệm và 1 phó ban.
Bên cạnh đó là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao, 5 đại diện của các tổ chức chính trị - xã hội, 2 viện trưởng của 2 viện hàn lâm và 2 giám đốc của 2 đại học quốc gia Hà Nội và TP.HCM. Danh sách 180 ủy viên chính thức còn có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, 2 chủ tịch HĐQT của 2 ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank cùng 3 lãnh đạo của các cơ quan báo chí là Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã và VTV.
Ở địa phương, ngoài 62 bí thư các tỉnh thành phố trúng cử (trừ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh), 7 phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy cũng có tên trong danh sách ủy viên chính thức. Trong số 62 bí thư tỉnh, thành, có 21 người đồng thời giữ vị trí Chủ tịch HĐND tại địa phương đó.
Có 4 chủ tịch UBND tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bao gồm ông Chu Ngọc Anh (Hà Nội), Nguyễn Thành Phong (TP.HCM), Trần Tiến Hưng (Hà Tĩnh) và Nguyễn Đình Trung (Đắk Nông).
Ngoài ra, 6 phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy được bầu là ủy viên dự khuyết khóa XIII cùng 10 lãnh đạo cấp chính quyền địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 2 phó thủ tướng tái cử là ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam.
Có 15 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 18 thứ trưởng được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong số này, 2 Bộ trưởng, trưởng ngành (Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long) và 4 thứ trưởng lần đầu đắc cử vị trí Ủy viên chính thức. Cả 4 vị thứ trưởng tham gia lần đầu đều thuộc ngành công an.
Trong khi đó, tại Đại hội XII, chỉ 8 trong số 22 bộ trưởng, trưởng ngành được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới.
Ngoài ra, có 2 thứ trưởng được bầu là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng là các Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Thế Duy và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Tại Đại hội XIII, đáng chú ý ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, và ông Triệu Tài Vinh, Phó ban Kinh tế Trung ương, không trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.
Khối tư pháp có 3 đại diện tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XIII là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và Phó chánh án thường trực TAND tối cao Lê Hồng Quang.
Bộ Quốc phòng đóng góp nhiều nhân sự nhất với 23 vị, gồm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lương Cường, 2 phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Nguyễn Trọng Nghĩa, Trần Quang Phương, Tổng tham mưu trưởng - Thứ trưởng Phan Văn Giang, 6 thứ trưởng khác là các ông Hoàng Xuân Chiến, Nguyễn Tân Cương, Phạm Hoài Nam, Vũ Hải Sản, Lê Huy Vịnh và Võ Minh Lương.
Trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương còn có Phó tổng tham mưu trưởng Huỳnh Chiến Thắng; Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Học viện Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải Quân, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và 5 tư lệnh quân khu và 2 chính ủy quân khu.
So với khóa trước, Bộ Quốc phòng có thêm 1 ủy viên Trung ương.
Ngành công an góp mặt 6 đại diện, bao gồm Bộ trưởng Tô Lâm và 5 thứ trưởng Trần Quốc Tỏ, Lê Quốc Hùng, Nguyễn Duy Ngọc, Lương Tam Quang, Lê Tấn Tới. Trong số này, ngoài ông Trần Quốc Tỏ, 4 Thứ trưởng Công an khác lần đầu tham gia Ban chấp hành Trung ương.
Bộ Ngoại giao cũng có 4 đại diện tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới là Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, 3 thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Lê Hoài Trung và Nguyễn Minh Vũ, trong đó ông Vũ là Ủy viên dự khuyết.
Ngành ngân hàng ngoài nữ Thống đốc Nguyễn Thị Hồng còn có 2 đại diện của các ngân hàng nhà nước là các chủ tịch HĐQT của Vietinbank và Vietcombank - các ông Lê Đức Thọ và Nghiêm Xuân Thành.
Ngoài ra, còn 3 người khác cũng xuất thân từ ngành ngân hàng và hiện giữ các vị trí khác nhau ở trung ương và địa phương.
Cụ thể, ông Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, người vừa được bầu tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, từng giữ vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ 2016 đến tháng 10/2020, trước khi ông được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ vị trí mới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư tỉnh ủy Điện Biên, cũng giữ vị trí Tổng giám đốc rồi Chủ tịch Vietinbank trước khi được Bộ Chính trị luân chuyển, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ninh hồi tháng 7/2018. Người còn lại là ông Nguyễn Hữu Nghĩa, hiện Phó ban Kinh tế Trung ương. Trước khi được điều động về Ban Kinh tế Trung ương tháng 5/2018, ông Nghĩa là Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Trong danh sách 200 ủy viên khóa XIII, có nhiều vị có xuất thân từ các gia đình truyền thống, có cha là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương các khóa trước.
Đơn cử, phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là con cố ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh là Phạm Văn Cương).
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng là con của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương là con trai của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Ông Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng là con trai thượng tướng Lê Minh Hương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an.