Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những con đường sa chân vào ma túy của vũ nữ

Trong môi trường cám dỗ của quán bar, nhiều vũ nữ sa vào ma túy và lâm vào cảnh nghiệp ngập.

Tại một số bar ở TP Đà Nẵng, nhiều cô gái đã lâm vào cảnh nghiện ngập ma túy. Trần Thị M. (ở TP Cần Thơ), cô gái có khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, dáng cao ráo và chất giọng miền Tây quyến rũ, cũng vậy.

Vũ nữ múa cột tại bar F3 trên đường Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

Sa chân vào nghiện ngập

Sau thời gian được sủng ái, M. đã nghiện ma túy khá nặng, mỗi ngày phải “chơi” 2 liều heroin mới đủ đô. M. cho biết do gia đình khó khăn nên 16 tuổi, cô ra tỉnh Thừa Thiên - Huế làm nhân viên massage trong 2 năm và dành dụm được một số tiền về giúp gia đình.

Hai năm sau, M. lấy chồng nhưng cuộc sống hôn nhân nhanh chóng tan vỡ vì người chồng không chấp nhận quá khứ. Chán nản, M. lân la chốn vũ trường làm gái nhảy, gái bao, hằng đêm kiếm tiền bo của khách làng chơi. Trong một lần hít thử ma túy, cô đã trở thành con nghiện và khó lòng rút chân ra khỏi.

Cùng cảnh ngộ với M., Trương Thị H. (ở Cà Mau) cũng lâm vào nghiện ngập. Sau khi ra TP Đà Nẵng làm tiếp viên tại một quán karaoke trên đường 2-9, H. quen biết Th. và sống như vợ chồng với gã quản lý này. Một lần về quê dự đám cưới em gái, khi ra lại Đà Nẵng, H. phát hiện gã nhân tình hờ đã lấy sạch tài sản của mình rồi bặt vô âm tín. Buồn đời, cô xin làm tiếp viên ở một bar và chuyển sang múa cột. H. cho biết để có đủ can đảm bước lên bục múa cột, cô đã hút cần sa và không bỏ được.

Không chỉ tiếp viên nữ lâm vào cảnh nghiện ma túy, nhiều khách đến chơi ở bar cũng trở thành con nghiện. “Đến vũ trường, bar mà không chơi thuốc lắc thì chẳng nên đến làm gì”, một khách làng chơi nói. Nhiều trường hợp do sử dụng thuốc lắc quá liều, gây ảo giác và suýt mất mạng như Ngô Hoàng V. (ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Công an vào cuộc

Thời gian qua, tại Đà Nẵng đã xảy ra hàng loạt vụ đánh nhau tại các bar khiến dư luận bất an. Rạng sáng 23/2/2011, tại bar P.Đ, khi nhóm thanh niên gồm Nguyễn Ngọc Toàn, Trần Khắc Vũ và Lục Thành Tiến (cùng ngụ TP Đà Nẵng) đang nhảy múa thì một thanh niên cầm chai rượu xông tới đánh mạnh lên đầu Vũ, sau đó xảy ra một cuộc ẩu đả làm náo loạn cả sàn nhảy.

Trước đó, đầu năm 2011, một vụ thanh toán giữa các băng nhóm cũng xảy ra tại bar F.T.V (quận Sơn Trà). Chỉ vì “ghét thái độ” mà nhóm thanh niên gồm 3 người đã đánh hội đồng một dân chơi khác tơi bời. Sau khi bị “dẫn độ” ra ngoài, 3 thanh niên này đã chạy tới khu vực gần đó lấy 3 mã tấu giấu sẵn và lao vào tấn công tổ bảo vệ. Hậu quả, nhóm nhân viên bảo vệ bar F.T.V đều bị thương tích. Công an quận Sơn Trà đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt giam 3 người trên về hành vi cố ý gây thương tích.

Không chỉ là tụ điểm ăn chơi, bar còn là địa điểm mua bán các chất ma túy. Mới đây, cơ quan công an bắt quả tang Nguyễn Duy Bách (SN 1984) và Lê Ngọc Hải (SN 1994) mua bán ma túy với Phạm Thị Tuyết Nhân (SN 1987) trước vũ trường P.Đ. Thời gian gần đây, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý 276 người mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy có liên quan đến vũ trường, bar. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng phát hiện, xử lý 45 trường hợp sử dụng ma túy tại các bar.

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho biết trên địa bàn quận đang diễn ra sự cạnh tranh “ngầm” giữa các bar Phương Đông, TV Club, F3 bằng việc thuê giang hồ khống chế, chèo kéo khách. Từ đó, dễ xảy ra việc thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm. “Nhiều chủ quán còn làm ngơ cho khách vi phạm và thiếu hợp tác, thậm chí cản trở công an điều tra”, ông Anh lo ngại.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho rằng lĩnh vực kinh doanh bar, vũ trường trên địa bàn đang bộc lộ nhiều yếu tố tiêu cực. Đây là môi trường nảy sinh tội phạm và lây lan lối sống thực dụng, sa đọa, nhất là trong một bộ phận thanh thiếu niên. Trong khi đó, công tác quản lý của cơ quan chức năng trên lĩnh vực này còn sơ hở. “Công an TP Đà Nẵng kiến nghị UBND TP cho phép bố trí lực lượng hóa trang làm nhiệm vụ tại các bar có nhiều tai tiếng. Khi có tình huống phức tạp thì tăng cường lực lượng cơ động và các lực lượng liên quan”, ông Sơn cho biết.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng nên chấm dứt hoạt động các bar, vũ trường sau 0h thay vì chủ trương cho hoạt động đến 2h sáng như hiện nay.

Tám bar hoạt động như vũ trường

Theo báo cáo tại cuộc họp chuyên đề về an ninh trật tự tại các bar, vũ trường do Công an TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, thành phố này hiện không tồn tại vũ trường nhưng lại có 8 bar hoạt động như vũ trường.

Ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết vũ trường chỉ được cấp phép hoạt động ở những nơi khép kín, không ảnh hưởng đến người dân như trung tâm văn hóa, khách sạn,… Tuy nhiên, một số bar tại thành phố lại hoạt động trá hình như vũ trường bởi loại hình này không có chế tài xử lý, trong khi vũ trường thì có quy định rất rõ.

Theo ông Nhơn, việc xử lý vũ nữ múa cột tại bar rất khó bởi chưa có quy định rõ ràng. Vì vậy, trước mắt, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng đã yêu cầu trang phục của các vũ nữ múa cột phải bảo đảm thuần phong mỹ tục, các động tác không được kích động, phản cảm. TP Đà Nẵng cũng đang xây dựng các quy định về quản lý bar, vũ trường trên địa bàn. “Việc các vũ nữ ăn mặc hở hang, múa cột phải được xử lý triệt để”, ông Nhơn khẳng định.


Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm