Từng là một trong những gã khổng lồ công nghệ lớn nhất thế giới, Huawei Technologies đang tỏ ra hụt hơi trong năm 2020, dù vẫn tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Ông lớn này bắt buộc phải chuyển hướng kinh doanh.
Tìm kiếm nhiều cơ hội mới
Trong năm 2020, Huawei hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt do chính phủ Mỹ ban hành, chủ yếu nhắm vào mảng chip bán dẫn, vốn liên quan đến nhiều lĩnh vực sản xuất của công ty như smartphone.
Vào tháng 11/2020, Huawei đã phải bán đi thương hiệu smartphone giá rẻ Honor. Trong quý IV/2020, Huawei chỉ bán ra 33 triệu chiếc smartphone, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số sụt giảm nghiêm trọng khiến thương hiệu Trung Quốc tụt xuống vị trí hãng smartphone lớn thứ 6 thế giới.
Thị phần của Huawei giảm mạnh sau những ảnh hưởng của lệnh trừng phạt. Ảnh: TrendForce. |
“Việc hạn chế nguồn cung cho sản xuất smartphone của chúng tôi đã có ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Hiện chúng tôi cũng chưa nhìn thấy bức tranh rõ ràng về nguồn cung trong tương lai, do vậy cũng chưa thể định hướng rõ ràng”, ông Ken Hu, Chủ tịch luân phiên của Huawei chia sẻ trong buổi công bố.
Tuy nhiên, đại diện Huawei cho rằng smartphone chỉ là một trong những sản phẩm thuộc mảng thiết bị tiêu dùng của hãng. Ông Ken Hu khẳng định Huawei sẽ tiếp tục đầu tư cho mảng sản phẩm thiết bị tiêu dùng.
Với tin đồn Huawei sản xuất xe điện, ông Michael MacDonald, Cố vấn điều hành của Huawei ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng sẽ khó có một chiếc xe mang thương hiệu Huawei.
“Tôi không nghĩ Huawei sẽ sản xuất ôtô, nhưng Huawei có thể sản xuất ra các linh kiện, nền tảng cho xe tự lái, hoặc các giải pháp đo lường từ xa để hỗ trợ công nghệ đó. Huawei sẽ bắt đầu từ thị trường Trung Quốc trước khi mở rộng ra các thị trường khác”, ông MacDonald cho biết.
Gần nhất, Huawei đã bắt tay với công ty công nghệ năng lượng BAIC BluePark nhằm mục tiêu phát triển hệ thống xe thông minh. Ngoài ra, mẫu xe hơi đầu tiên dựa trên sự hợp tác của Huawei và nhà sản xuất xe điện Trung Quốc - Arcfox αS HBT - sẽ được ra mắt tại sự kiện Auto Thượng Hải tháng 4 sắp tới.
Với hy vọng tạo ra nguồn doanh thu mới, Huawei cũng lên kế hoạch tính phí bản quyền công nghệ 5G đối với những gã khổng lồ di động như Apple. Huawei đồng thời tuyên bố sẽ thương lượng và đưa ra mức giá thấp hơn các đối thủ khác như Qualcomm, Ericsson hay Nokia.
Các lãnh đạo Huawei cho biết công ty có thể thu về 1,2-1,3 tỷ USD phí bản quyền trong 3 năm từ 2019-2021, tuy nhiên không tiết lộ tỷ lệ mà bản quyền công nghệ 5G đóng góp. Theo Bloomberg, mỗi chiếc iPhone sẽ được Huawei tính phí 2,5 USD, thấp hơn nhiều so với mức 7,5 USD mà Qualcomm đề nghị Apple.
Phát triển nửa đầu năm, khó khăn nửa cuối
Dựa trên tính toán của Bloomberg, doanh thu của Huawei đã giảm liên tục kể từ quý II/2020. Tuy nhiên báo cáo tài chính do KPMG kiểm toán cho biết doanh thu và lợi nhuận cả năm 2020 của Huawei lần lượt tăng 3,8% và 3,2%.
Cụ thể, doanh thu của Huawei trong năm 2020 đạt 891,4 tỷ tệ, tương đương 136,7 tỷ USD trong năm 2020. Lợi nhuận của Huawei đạt 64 tỷ tệ, tăng 3,2%. Biên lợi nhuận của công ty này là 7,3%.
Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Ken Hu chia sẻ về tình hình kinh doanh của công ty này trong năm 2020. Ảnh: HN. |
Theo SCMP, 3,8% là mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất của Huawei trong cả thập kỷ qua. Trong đó, thị trường nội địa Trung Quốc đóng góp 65,6% doanh thu của công ty này, và tăng trưởng 15,4%. Tuy nhiên, mức tăng của Huawei phần lớn dựa vào kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm.
“Trong năm qua chúng tôi đã giữ vững vị trí trước nhiều khó khăn. Chúng tôi vẫn tiếp tục đổi mới để tạo ra giá trị cho khách hàng, chống lại đại dịch và hỗ trợ hồi phục kinh tế và xã hội trên khắp thế giới”, ông Ken Hu chia sẻ.
Trong số 3 mảng kinh doanh chính của Huawei, viễn thông là mảng có tăng trưởng ít nhất với 0,2%. Mảng thiết bị tiêu dùng tăng trưởng 3,3%, trong khi mảng thiết bị doanh nghiệp tăng trưởng 23%.
Huawei cho biết công ty này vẫn đầu tư 141,9 tỷ tệ, tương đương 16,7% doanh thu, cho nghiên cứu và phát triển.