Huawei Technologies đã đầu tư nghiên cứu về 5G từ rất lâu, và công ty này dường như đã tìm ra một hướng đi mới để có lợi nhuận từ quá trình đó: thu tiền bản quyền.
Tại sự kiện về sở hữu trí tuệ do Huawei tổ chức, Giám đốc pháp lý của công ty này, ông Song Liuping đã tiết lộ kế hoạch đàm phán về mức phí và cách chia sẻ bản quyền 5G với những nhà sản xuất lớn như Apple, Samsung.
Ông Song Liuping, Giám đốc pháp lý của Huawei tại buổi hội thảo trực tuyến. Ảnh: Reuters. |
"Việc Huawei thu phí bản quyền là lẽ tự nhiên", Giám đốc pháp lý của Huawei cho biết.
Ông Song cũng cho biết Huawei sẽ thu phí bản quyền thấp hơn các công ty khác trong lĩnh vực viễn thông 5G như Qualcomm, Ericsson và Nokia. Tổng số tiền phí mà Huawei thu về trong giai đoạn 2019-2021 có thể đạt 1,2-1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, công ty này không nói rõ bao nhiêu trong số đó là từ bản quyền 5G. Ông Jason Ding, Trưởng phòng sở hữu trí tuệ của Huawei cho biết công ty này sẽ giới hạn mức phí với mỗi smartphone 5G là 2,5 USD.
"Chúng tôi tin rằng việc cấp phép bản quyền sẽ giúp cân bằng chi phí và lợi nhuận thu được từ khoản đầu tư. Với mỗi chiếc điện thoại tuân theo quy chuẩn 5G, chúng tôi sẽ không thu mức phí quá 2,5 USD", ông Jason Ding cho biết.
Phí bản quyền là một nguồn thu quan trọng với các công ty như Qualcomm. Đây cũng là nguyên nhân tranh chấp dai dẳng tại toà án giữa Qualcomm và Apple, khi nhà sản xuất chip đòi thu 7,5 USD trên mỗi chiếc iPhone, còn Táo khuyết thấy con số đó quá lớn.
Chia sẻ tại sự kiện, các lãnh đạo mảng pháp lý của Huawei cho rằng những lệnh cấm của chính quyền Mỹ đối với công ty này sẽ không làm ảnh hưởng tới việc cấp giấy phép sử dụng bản quyền. Huawei cho biết phí thu được từ bản quyền sẽ được dùng để đầu tư nghiên cứu, nhằm cạnh tranh với các đối thủ như Nokia và Ericsson.
Huawei là một trong những công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế về công nghệ 5G nhất. Ảnh: Reuters. |
Bloomberg nhận định những tranh cấp về bản quyền trong vài năm tới sẽ nở rộ, khi công nghệ 5G ngày càng phổ biến và được áp dụng ở nhiều thiết bị hơn. Tranh chấp thường diễn ra giữa bên nắm các công nghệ cơ bản như Qualcomm, Ericsson, Huawei và các hãng ứng dụng công nghệ trong các sản phẩm của mình như Apple, Samsung.
Việc định giá bản quyền luôn là vấn đề khó, thường cần tới sự can thiệp của toà án. Huawei không tiết lộ họ có kế hoạch nào để buộc công ty sử dụng bản quyền của mình phải trả tiền.
Theo đánh giá của Allied Market Research, kinh doanh bản quyền 5G sẽ tiếp tục là ngành mang lại lợi nhuận cao trong tương lai. Doạnh thu thiết bị 5G toàn cầu có thể tăng từ 5,5 tỷ USD lên 668 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2026.