Những cô dâu Việt tại Hàn Quốc lên tiếng
“Tất cả không dễ dàng, tôi không thể giao tiếp với bất cứ ai, không thể ăn được thức ăn Hàn Quốc, tôi đã tưởng không thể vượt qua những tháng ngày khó khăn ấy”, Lương An Thuyên, 28 tuổi, một cô dâu Việt tại Hàn Quốc kể.
>>Thêm một cô dâu Việt mất tích tại Hàn Quốc
>>Tổng thống Hàn Quốc chia buồn với gia đình cô dâu Việt
>>Gia đình cô dâu Việt 'đoàn tụ' trong nước mắt ở Hàn Quốc
>>Cô dâu Việt bị chồng Hàn đánh chết
Để hạnh phúc, không hề đơn giản
Ảnh minh họa. |
Cô dâu Nguyễn Thúy Vinh đã gặp người chồng Hàn Quốc của mình cách đây 4 năm ở Hải Dương. Vinh kể, thực sự, khi cưới người đàn ông đó Vinh cũng không có tình cảm với anh ta. Vinh cũng chẳng thấy lo lắng gì trước khi lên máy bay theo chồng về nước, một nơi mà từ trước tới nay Vinh chưa bao giờ tưởng tượng là mình sẽ đặt chân tới.
Trước khi về nhà chồng Vinh cũng đã học tiếng Hàn, tìm hiểu về văn hóa, phong tục của đất nước này. Thậm chí, trong thời gian chuẩn bị, Vinh đã nộp đơn làm việc cho một công ty Hàn Quốc.
Sau khi đặt chân đến xứ kim chi, với vốn kiến thức cơ bản của mình, Vinh nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người. Không chỉ thích nghi tốt, Vinh còn tham gia các hoạt động cộng đồng tại nơi sinh sống. Vinh tham gia hội phụ nữ địa phương và làm phiên dịch cho cảnh sát mỗi khi các cô dâu Việt trong khu vực có tranh chấp hoặc có bất cứ vấn đề gì với chồng.
Cách đây hai tháng, Vinh gặp một cô dâu Việt trẻ đẹp tên là Chi. Chi cho biết, cô không thích nghi được với cuộc sống tại Hàn Quốc và bị gia đình chồng giam lỏng vì sợ cô sẽ bỏ trốn về Việt Nam. Chi trốn khỏi nhà chồng nhưng cô không nói tiếng Hàn, cũng không biết phải đi đâu. Hội phụ nữ nơi Vinh làm việc đã cưu mang Chi và giúp đỡ cô hòa nhập với cuộc sống tại đây.
Trong thời gian làm việc với hội phụ nữ, Vinh gặp khá nhiều trường hợp tương tự. Vinh thừa nhận rằng, cô thực sự may mắn hơn nhiều cô gái lấy chồng Hàn khác.
Lời khuyên của những người 'đi trước'
Ảnh minh họa. |
Lương An Thuyên, 28 tuổi, là một cô gái lấy chồng qua sự môi giới của trung tâm. Thuyên kể: “Những người môi giới đưa khoảng 5 cô gái Việt Nam, trong đó có tôi đi gặp một nhóm người đàn ông Hàn Quốc, họ đã chọn 4 người, sau đó chúng tôi làm thủ tục kết hôn và sang đây luôn”.
Thuyên cũng cho hay, những ngày đầu tiên tại xứ người tất cả mọi chuyện đều không hề đơn giản. Cô không thể giao tiếp, không ăn được thức ăn Hàn Quốc, cũng không hiểu gì về văn hóa cũng như lối sống của gia đình chồng. Có những lúc, Thuyên tưởng chừng mình không thể vượt qua những ngày tháng khó khăn ấy. Nhưng rồi tất cả cũng qua, Thuyên và nhiều phụ nữ Việt tại Hàn Quốc cho rằng, rào cản ngôn ngữ và văn hóa là những khó khăn lớn nhất cho những cô gái lấy chồng ngoại quốc.
“Tôi hy vọng những cô gái trẻ hãy tìm hiểu kỹ văn hóa và ngôn ngữ trước khi quyết định làm dâu một gia đình khác quốc tịch”, Thuyên nói thêm.
Theo thống kê của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, có khoảng 40.000 phụ nữ Việt đã kết hôn với người Hàn Quốc trong những năm gần đây. Năm 2007, ba cô dâu người Việt đã tự tử tại Hàn Quốc vì không thể thích nghi được với cuộc sống mới, càng không thể trở về Việt Nam. Từ đó, những vấn đề phát sinh từ những cuộc hôn nhân chênh vênh này ngày một nhiều hơn.
Hồi đầu tháng trước, một cô gái gốc Việt bị người chồng Hàn tâm thần đánh chết đã khiến cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc hết sức bàng hoàng.
“Mặc dù cuộc sống của tôi ổn định, nhưng khi nghe những tin tức như vậy tôi hết sức lo lắng. Nếu chồng tôi uống rượu và không thể kiểm soát bản thân, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình nữa”, Thuyên lo ngại.
Ông Suk-Huan Park, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, chính phủ nước này đang đẩy mạnh điều tra những đường dây môi giới hôn nhân bất hợp pháp tại đất nước mình. Bên cạnh đó chính quyền Hàn Quốc cũng lên kế hoạch mở các lớp học về văn hóa và những kiến thức cần thiết cho những người đàn ông Hàn Quốc muốn lấy vợ Việt. Chính phủ cũng sẽ xem xét mở các lớp học cho phụ nữ Việt đã lấy chồng và định cư tại Hàn Quốc.
Ông Park cũng bày tỏ hy vọng rằng các phụ nữ trẻ Việt Nam hãy nhìn vào thực tế rằng khi họ làm dâu ở Hàn Quốc không có nghĩa là cuộc sống không có những khó khăn vất vả. Có thể họ sẽ có được điều kiện tốt hơn nhưng họ cũng phải chấp nhận hòa nhập và sống theo phong tục, gốc gác của người đàn ông mà họ gọi là chồng.
An Bình
Theo Bưu điện Việt Nam