Khoảng 1,3 triệu người Syria tị nạn ở Jordan muốn trở về nước dẫu biết điều đó rất nguy hiểm. Dù tận hưởng cuộc sống an toàn ở đây nhưng họ vẫn muốn về Syria trong một khoảng thời gian ngắn để thăm thân nhân và kiểm tra nhà, đất, tài sản.
Phần lớn tài xế điều khiển xe khách chạy tuyến đường Damascus - Amman (Thủ đô Jordan), là người Syria. Do mang thân phận người tị nạn nên họ không được phép lái xe. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên họ buộc phải lái xe để mưu sinh, dù biết rằng họ có thể mất mạng trên đường, The Christian Science Monitor đưa tin.
Một xe khách đưa người tị nạn Syria tại Jordan về quê hương hồi tháng 6. Ảnh: Reuters. |
Mọi cửa khẩu dọc theo biên giới Syria - Jordan luôn đóng hoặc mở bất thường tùy theo tình hình chiến sự ở Syria. Hồi trước tháng 7, lính biên phòng Jordan đã phong tỏa biên giới 6 tuần do những trận đánh tàn khốc giữa quân đội Syria và phe đối lập. Các xe khách chỉ hoạt động trở lại vào đầu tháng 7, nghĩa là ngay trước tháng Ramadan của người Hồi giáo. 4 chuyến xe khách xuất hành từ Amman đến Damascus và các thành phố khác của Syria hàng ngày. Tần suất chuyến xe cao hay thấp tùy theo tình hình an ninh, thông tin về chiến sự của người dân ở thành phố Damascus và các nơi khác.
Một tài xế giấu tên kể rằng anh từng lái xe chở khách qua lại giữa nước Syria và Jordan từ 10 năm nay. Hiện anh tị nạn tại Amman (cách biên giới khoảng 88 km) nhưng cha, mẹ, vợ, con vẫn mắc kẹt ở Syria. Người tài xế này tiếp tục lái xe khách từ Amman đến Damascus... Xe chạy ngang tỉnh Daraa, nơi anh thấy vô số quân nổi dậy.
"Hiện nay cứ 4 hoặc 5 ngày tôi mới lái một chuyến xe đi Damascus. Tôi hiếm khi gặp rắc rối trừ các chốt kiểm soát của quân đội Syria. Trước kia, mỗi chuyến xe chỉ kéo dài trong 2 tới 3 giờ, còn hiện nay nhiều chuyến kéo dài tới 8 giờ bởi các chốt kiểm soát dày đặc", anh kể.
Giá vé xe khách tăng rõ rệt trong vài tuần gần đây - một phần do sự hiện diện của các chốt an ninh và một phần do tiền tệ Syria mất giá liên tục. Ông Ghassan Zaza, người từng là tài xế chở khách giữa Damascus và Beirut (Thủ đô Lebanon), giờ đứng đầu công ty Du lịch Alia Travel ở Amman. Công ty của ông kiếm tiền bằng hoạt động cho thuê xe khách và taxi. Ông thường phải cộng thêm 40 dinar vào giá vé để hối lộ lính Syria tại các trạm kiểm soát.
“Tài xế, hành khách thường xuyên gặp cảnh trấn lột. Quân chính phủ hoặc quân nổi dậy bắt dừng xe rồi cướp. Ở nhiều nơi họ còn bắn vào xe khách” - ông Zara ngao ngán.
Các tài xế cho hay, binh sĩ chính phủ lẫn chiến binh nổi dậy sẵn sàng cướp tiền, điện thoại di động, gạo, thuốc lá, đậu lăng của hành khách. Tuy vậy, nhiều tài xế vẫn phải tiếp tục hành nghề. Một tài xế giấu tên tiết lộ rằng, sau khi hối lộ binh sĩ tại các chốt kiểm soát, họ vẫn còn dư tiền để nuôi gia đình. “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Tôi còn gia đình ở Syria. Nếu tôi nghỉ, vợ và con sẽ không có gì để ăn. Cái chết của mỗi người phụ thuộc vào số phận” - Mustafah quả quyết.
Mặc dù vậy, ở công ty Alia Travel, những người tin vào may mắn không nhiều. Zaza cho hay, 50 tài xế của công ty đã bỏ các tuyến đường đến những thành phố lớn ở Syria từ năm 2011. Họ chỉ chọn xe khách đến Ả Rập Xê Út và Iraq do lộ trình đó an toàn hơn.
“Xe bus và taxi của chúng tôi trúng đạn nhiều lần. Trong 2 năm qua, 5 tài xế thiệt mạng. Trường hợp thiệt mạng gần đây nhất xảy ra trước tháng Ramadan, trên đường qua tỉnh Daraa - tuyến đường tử thần nổi tiếng” - ông Zaza kể.
Đội ngũ tài xế của công ty Alia Travel không có sự lựa chọn nào khác. Trước đây, tuyến đường chạy ngang thị trấn Sweida của Syria tương đối an toàn. Từ khi Quân đội Tự do Syria phong tỏa tuyến đường vì “lý do chiến lược”, họ buộc phải liều mạng trên tuyến đường cũ. Từ đầu tháng 9 này, đường chạy qua Sweida đã thông trở lại nhưng tình hình an ninh không bảo đảm như xưa.