Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Những chuyến phà Vàm Cống cuối cùng đưa đón người dân

Ngày 30/6, sau khi cầu Vàm Cống thông xe một tháng, những chuyến phà nối hai bờ sông Hậu sẽ hoàn thành những lượt cuối cùng, hoàn tất nhiệm vụ đưa đón người dân sau gần 100 năm.

NHỮNG CHUYẾN PHÀ VÀM CỐNG CUỐI CÙNG ĐƯA ĐÓN NGƯỜI DÂN

Ngày 30/6, sau khi cầu Vàm Cống thông xe hơn một tháng, những chuyến phà nối hai bờ sông Hậu sẽ hoàn thành những lượt cuối cùng, hoàn tất sứ mệnh đưa đón người dân sau gần 100 năm hoạt động.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 1

Chiều muộn, những tia nắng le lói cuối ngày hắt vào thân chiếc phà đã nhuộm màu cũ kỹ làm ánh lên một màu đượm buồn, những áng mây đen kịt kéo đến báo hiệu một cơn mưa to sắp đến.

Sau ngày 30/6, hình ảnh những chuyến phà ngang dọc sông Hậu sẽ chỉ còn là ký ức khi cầu Vàm Cống đã được hoàn thành và chính thức thông xe từ ngày 19/5 vừa qua, sau hơn 5 năm xây dựng.

Đứng trong cabin lái phà, ông Phan Hoàng Mến (thuyền trưởng phà B200) không giấu nổi sự xúc động khi nghĩ về ngày sẽ chia xa những chuyến phà thân thuộc. Gương mặt khắc khổ, rám nắng vì công việc cực nhọc của ông đanh lại và giọt lệ trên khoé mắt chỉ chực trào ra, tuôn theo những hạt mưa của đất trời miền Tây.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 2

"Nghỉ lái phà, rồi cũng sẽ quen thôi nhưng thời gian đầu chắc bỡ ngỡ lắm"

Bắt đầu nghiệp lái phà từ năm 1988, tính đến nay, ông Mến đã gắn bó với công việc này được 31 năm.

"Hồi mới từ phà Cần Thơ qua đây, tui cũng bỡ ngỡ lắm, vì con nước ở đây xoáy mạnh hơn nhiều so với hạ nguồn ở Cần Thơ. Rồi cũng học hỏi anh em cách cập bến, canh con nước, tầm 1-2 tháng sau tui mới quen được", ông Mến giãi bày về quãng thời gian đầu được lưu chuyển về phà Vàm Cống.

Khi còn làm việc tại Cần Thơ, ông Mến cho biết công việc ở đó nhàn hơn ở phà Vàm Cống, mỗi ca làm 8 giờ rồi được nghỉ 24 giờ. Còn từ khi qua đây, ông phải làm liên tục 12 giờ/ca rồi mới được nghỉ 24 giờ.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 3
nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 7

Lập nghiệp ở Cần Thơ, lập gia đình cũng ở thành phố này, nên kể từ khi được điều chuyển sang Vàm Cống, quãng đường đi làm của ông cũng trở nên dài hơn.

"Mỗi khi làm ca ngày, tôi phải dậy từ 3h sáng để chạy xe 55 km qua Long Xuyên rồi bắt đầu nhận ca lúc 6h, làm liền tù tì tới 6h chiều rồi mới bắt đầu về nhà", ông Mến cho hay.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 11
Ông Mến chăm chú theo dõi từng phương tiện, đảm bảo từng người, từng xe phải lên được phà an toàn rồi mới cho phà rời bến.

Ngay cả những bữa ăn của người lái phà B200 cũng được thực hiện ngay bên trên cabin thuyền trưởng vì công việc tiếp diễn liên tục.

Sắp tới giờ ăn cơm khoảng 30 phút, ông Mến sẽ gọi điện thoại cho người giao cơm đến bến phà. Nhưng nếu người giao cơm chỉ cần đến trễ một phút, khi phà đã rời bến, thì phải mất 30 phút sau, ông Mến mới có thể trở lại bến vừa rồi để nhận cơm.

Sau đó, ông Mến bày cơm ra ngay tại bàn điều khiển, vừa lái, vừa ăn cơm nhưng đôi mắt vẫn không rời dòng sông trước mặt. Tuy nhiên, nếu như lượng khách xuống phà đông trong thời gian này, ông Mến cũng không thể ăn được vì phải tập trung lái phà. Bữa ăn, vì thế, kéo dài 1-2 giờ là chuyện bình thường. Chính vì cách ăn uống như thế nên việc những người thuyền trưởng mắc bệnh nghề nghiệp như đau bao tử, đường ruột là điều không thể tránh khỏi.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 12

Công việc vất vả là vậy, hết lòng vì hành khách là vậy, nhưng trong quá trình hành nghề hơn 30 năm, ông Mến cũng không tránh khỏi những lần cư xử thiếu văn minh, xuất phát từ chính những hành khách đi phà.

Ông kể: "Mùa mưa bão, nước đổ mạnh và xoáy lắm. Phà mình thì nhỏ, lại là loại điều khiển cơ, lạc hậu từ thời Pháp, nên chỉ cập vào được một cạnh phong tong phà. Gặp lúc đông người thì nhiều phà phải xếp hàng bên ngoài chứ không cập bến liền được. Vậy mà có nhiều khách không hiểu, thấy mình chờ lâu không cập bến là đứng từ dưới chửi lên. Mấy lúc đó buồn lắm nhưng nghĩ do người ta không hiểu nên thôi kệ. Mình làm nghề phục vụ mà, lại là phục vụ trong ngành giao thông nên phải chịu".

Cùng chung suy nghĩ với ông Mến, ông Nguyễn Văn Lộc (thuyền trưởng phà Việt Đan 2, 52 tuổi, lái phà được 31 năm) cho biết: "Nghề mình là nghề làm dâu trăm họ mà, không có gì phải buồn. Nhiệm vụ duy nhất của mình là bắt buộc phải đưa hành khách qua sông an toàn, vậy thôi!"

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 21
Ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ việc lái phà vào đêm giao thừa là kỷ niệm đáng nhớ nhất, vì vừa được quây quần với anh em, đồng nghiệp và vừa được ngắm nhiều chùm pháo hoa ở hai bên bờ sông Hậu.

Khi được hỏi sau này, lúc phà Vàm Cống bị giải thể thì sẽ làm gì, ông Mến cho hay sẽ xin nghỉ hưu luôn, về nhà với vợ con, vì cũng đã gần chạm đến tuổi hưu trí rồi. Với ánh mắt đượm buồn, chực trào nước mắt, ông nói: "Nhưng rồi sẽ lại nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp lắm! Dù biết là qua thời gian cũng sẽ quen thôi, nhưng mà thời gian đầu chắc bỡ ngỡ lắm".

Còn đối với ông Lộc, ông cho biết sẽ tiếp tục theo nghiệp lái phà, vì "đã quá quen với công việc này rồi, và yêu cái nghề này thật sự".

"Sẽ nhớ, sẽ luyến tiếc lắm, nhưng rồi cũng tới ngày đó thôi"

Một đội ngũ khác, cũng gắn bó với phà Vàm Cống từ nhiều năm nay và luôn hết lòng phục vụ hành khách đi phà là những người máy trưởng và thuỷ thủ.

Nhà ở Long Xuyên, bắt đầu đi phà từ năm 19 tuổi, đến nay, ở tuổi 43, ông Bùi Văn Vỡ (thuỷ thủ phà Việt Đan 2) đã có 23 năm lênh đênh trên phà. Hơn hai thập kỷ làm công việc này, với biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, những chuyến phà Vàm Cống giờ đây đã trở thành một phần máu xương của ông Vỡ.

Những ngày này, khi nghĩ về phà Vàm Cống sẽ bị giải thể, ông Vỡ không tránh khỏi cảm xúc đau lòng: "Giao thừa năm nay chắc không còn cảnh tất cả phà kéo còi đồng loạt nữa. Rồi cái ngày đó cũng phải tới thôi, dù sớm hay muộn. Tới lúc đó chắc sẽ nhớ phà, luyến tiếc anh em lắm, bao nhiêu năm gắn bó với nhau kia mà."

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 24
nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 28
Ông Bùi Văn Vỡ (thuỷ thủ phà Việt Đan 2), gắn bó với công việc trên phà 23 năm nay. Công việc ghi lại thông tin biển kiểm soát cũng như giờ xuống, lên phà của phương tiện nhằm để đối chiếu khi cần thiết.

Ông Vỡ còn kể lại, lúc đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng liên tục trong các giải đấu mang tầm khu vực, lượng người qua phà để "đi bão" tăng đột biến, nên ông cùng các đồng nghiệp phải làm việc rất vất vả. Tuy nhiên, do đã có chuẩn bị tâm lý trước, và cũng vì là ngày vui của người dân cả nước, nên chẳng những ông không mệt mà còn thấy hạnh phúc vì được hoà vào dòng người, hoà vào niềm vui chiến thắng. Những cái đập tay, những tiếng hô vang "Việt Nam vô địch!", những nụ cười xoà, chắc chắn, sẽ là những kỷ niệm đẹp ở Vàm Cống mà ông Vỡ sẽ không bao giờ có thể quên được!

Bên cạnh đó, mỗi chuyến phà còn có máy trưởng, người phụ trách bảo trì, vận hành, đảm bảo phà hoạt động trơn tru nhất để đón đưa người dân an toàn.

Môi trường ở cabin lái phà, ở boong phà vốn đã rất độc hại, với tiếng ồn và khói xe xuyên suốt ngày đêm vẫn chưa là gì so với chỗ làm việc của người làm máy trưởng. Đó là ở dưới bụng phà, nơi đặt toàn bộ động cơ cung cấp sức kéo cho chiếc phà vài trăm tấn. Vì thế, sức nóng, mùi hôi của xăng dầu, tiếng ồn khủng khiếp khi máy hoạt động là điều mà người máy trưởng phải chịu đựng trong suốt quá trình làm việc 12 giờ/ca.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 33
Ông Lê Huy Thuận (máy trưởng phà Việt Đan 2) mỗi ngày phải làm việc trong môi trường nóng bức, độc hại ở khoang máy phà, suốt nhiều năm nay. Bàn làm việc của ông cũng được đặt tại đây.

"Hả, em nói gì? Nói lại đi em!", là câu nói thường xuyên của ông Lê Huy Thuận (máy trưởng phà Việt Đan 2) mỗi khi nghe phóng viên đặt câu hỏi. Làm việc nhiều năm trong môi trường tiếng ồn cao đã khiến ông bị mắc bệnh nghề nghiệp chắc chắn phải mắc của tất cả các máy trưởng: bị điếc.

Tuy nhiên, không vì thế mà ông Thuận chán ghét công việc của mình mà trái lại, còn rất yêu nó. "Mỗi lần nhận ca, phà mình chạy bình thường, đưa hành khách qua lại an toàn là tui vui rồi", ông Thuận nói. Và cũng không yêu công việc sao được, khi mỗi lần rảnh tay là ông lại chạy lên boong để hỗ trợ anh em, điều tiết xe cộ.

Nhịp độ công việc, cứ thế, cuốn từng con người trên phà vào, với một lòng nhiệt huyết và say mê đáng nể.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 37

Nơi từng là nguồn sống của biết bao nhiêu gia đình, rồi sẽ trở thành kỷ niệm

Phà Vàm Cống ngừng hoạt động, không chỉ các nhân viên phục vụ trên phà bị ảnh hưởng công việc, mà tất cả những người buôn bán hàng rong tại đây đều sẽ bị "thất nghiệp". Họ là những người bán nước uống, trái cây, tạp hoá, vé số,... cho hành khách qua lại hai bên bờ sông Hậu.

Một trong những người buôn bán lâu nhất tại đây là bà Nguyễn Thị Hồng (71 tuổi), với cửa hàng hơn 50 năm ở đường dẫn vào phà bờ An Giang. Bà kể, chính nhờ cái hàng nhỏ xíu này mà bà và chồng đã nuôi được 6 người con trai, cho ăn học đàng hoàng và bây giờ đã lập gia đình, thành đạt.

"Hồi xưa tui bán được lắm, bày đủ thứ ra đây. Được nhất là dịp lễ Tết với ngày vía chùa Bà Châu Đốc. Hai vợ chồng cứ thay phiên nhau túc trực, bán suốt ngày đêm", bà Hồng tâm sự.

Giống như bà Hồng, bà Huỳnh Thị Mỹ (60 tuổi) cũng đã sống dựa vào những chiếc phà được hơn 50 năm, lúc chỉ còn là một cô bé. Bà kể, ngày xưa, bà còn lên xuống phà bán dạo cho hành khách, nhưng bây giờ lớn tuổi rồi nên không đi nổi nữa mà phải ngồi ở phong tong phà.

"Sau khi phà ngừng chạy, tôi sẽ đi kiếm một gốc cây ở đường dẫn lên cầu, ngồi đó bán hàng. Dĩ nhiên sẽ không vui được như bây giờ, vì ở đây có anh chị em bạn bè bán chung, vui lắm", bà Mỹ tâm sự.

Có phần bi đát hơn bà Mỹ, bà Huỳnh Thị Hồng, người bán tạp hoá trên phà cho biết, sắp tới bà chưa biết bán cái gì. Phà Vàm Cống đã nuôi vợ chồng bà cùng cô con gái 40 tuổi tật nguyền. "Chắc tôi đi bán thịt bò", bà Hồng cười chua chát, nói.

Không chỉ những người buôn bán dạo, những người phải luỵ con phà để sang sông mỗi ngày, tìm kế sinh nhai cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi phà Vàm Cống chính thức ngừng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Thoại (60 tuổi), người làng Định Yên (tỉnh Đồng Tháp), đã đi bán chiếu ở Cần Thơ từ năm mười mấy tuổi và cũng đã gắn bó với con phà từ đó cho đến nay.

"Phà mà ngừng chạy thì tui sẽ kiếm đò mà đi qua sông, rồi gửi xe đạp, bắt xe buýt đi Cần Thơ. Bao nhiêu năm đi phà quen rồi!", bà Thoại tâm sự.

Và còn rất nhiều phận người, gia đình khác, luỵ con phà để sang sông, mưu sinh, cũng sẽ phải tìm phương kế khác sắp tới, khi phà Vàm Cống ngừng hoạt động.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 56
nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 57

Những ngày cuối cùng của một tập thể gắn kết

Cụm phà Vàm Cống hiện có 10 chiếc phà, với 167 cán bộ, công nhân viên làm việc. Sau khi cầu Vàm Cống thông xe được hơn 1 tháng, cụm phà này cũng sẽ bị giải thể vào ngày 30/6.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 61

Ông Lê Văn Mười, giám đốc cụm phà Vàm Cống, cho hay hơn 30 năm gắn bó với nghiệp điều hành phà, ông cũng đã quen dần với việc chia tay những bến phà đầy ắp kỷ niệm.

"Làm ở đâu cũng vậy thôi, miễn là còn được sống với những chiếc phà, với anh em đồng nghiệp là tui vui rồi", ông Mười tâm sự.

Sau khi giải thể, phà Vàm Cống sẽ được giao cho tỉnh Đồng Tháp 4 chiếc, số còn lại phân bổ cho phà Đình Khao (Vĩnh Long - Bến Tre), phà Kênh Tắt, phà Láng Sắt (Trà Vinh), phà Đại Ngãi (Sóc Trăng - Trà Vinh). Và với 167 cán bộ, công nhân viên đang làm việc tại đây, bến phà sẽ điều chuyển, phân bổ họ sang các bến khác, tùy nguyện vọng từng người.

Cầu Vàm Cống được hoàn thành chắc chắn sẽ giúp cho tỉnh Đồng Tháp, An Giang, cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ có con đường giao thông nhanh chóng, thuận tiện để kết nối với TP.HCM và là tiền đề để các địa phương này phát triển bền vững. Người dân, doanh nghiệp bây giờ không còn phải lụy phà, tốn thời gian và tiền vé như trước nữa.

Tuy nhiên, đằng sau sự thay đổi đó là những mảnh đời, từ người lái phà, người thuỷ thủ, bác xe ôm, người bán hàng rong, hành khách qua phà mỗi ngày để tìm kế sinh nhai, ... cũng phải thay đổi hoàn toàn nhịp sống thường nhật của họ, vốn đã ổn định từ nhiều chục năm nay.

Ánh nắng dần tắt phía chân trời, những chiếc phà vẫn tiếp tục rẽ sóng lướt ngang, người dân cùng phương tiện cứ tấp nập lên xuống bến, như vốn dĩ đã duy trì gần 100 năm nay. Tuy nhiên, rồi đây, hình ảnh những chuyến phà qua lại ngang dọc sông Hậu, những nụ cười, những cái mè nheo trả giá, những giọt mồ hôi lấm tấm vì lao động dưới trời nắng nóng, ... rồi sẽ sớm trở thành kỷ niệm.

nhung chuyen pha vam cong cuoi cung anh 73

Liêu Lãm

Bạn có thể quan tâm