Sáng 19/5, cầu Vàm Cống nối TP Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp chính thức thông xe sau gần 6 năm thi công. Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá cầu Vàm Cống là một mắt xích quan trọng của đường Hồ Chí Minh.
Sau khi có thêm cầu Vàm Cống, tỉnh Đồng Tháp không còn là địa phương khuất nẻo nữa và là tiền đề để địa phương phát triển bền vững. Người dân, doanh nghiệp không còn phải lụy phà, tốn thời gian và tiền vé như trước nữa.
Cắt băng khánh thành cầu Vàm Cống. Ảnh: T.K. |
Về giao thông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận đường xá ở khu vực này đang có nhiều điểm nghẽn nhưng do nguồn lực có hạn nên việc đầu tư chưa tương xứng. Dù vậy, sự xuất hiện 2 cầu Vàm Cống, Cao Lãnh là tiền đề để địa phương phát triển bền vững sau này.
Người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải thông tin đến hết quý I/2020, khi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đưa vào sử dụng thì tuyến đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) cơ bản được thông suốt.
Người dân hào hứng đi lên cầu Vàm Cống sau nhiều năm phải lụy phà. Ảnh: T.K. |
Cầu Vàm Cống được khởi công ngày 10/9/2013 có chiều dài 2,97 km, phần cầu vượt sông dài 870 m và 2 km đường dẫn. Cầu có quy mô 6 làn xe cho phép lưu thông với vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án lên đến 271 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, do các nhà thầu Hàn Quốc thi công.
Cây cầu được thiết kế dạng dây văng bắc qua sông Hậu nối huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ). Bộ Giao thông Vận tải đánh giá công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Vàm Cống nối 2 bờ Cần Thơ và Đồng Tháp. Ảnh: Google Maps. |